Ngoài cơ sở này (đường Hoàng Việt, quận Tân Bình), ĐH Hồng Bàng còn đến bốn cơ sở nằm rải rác các quận khiến SV “chạy sô” mệt mỏi |
Một số trường ĐH tại TP.HCM hiện nay có đến năm, bảy cơ sở đào tạo nằm rải rác ở các quận, tổ chức đào tạo mỗi môn ở mỗi cơ sở khác nhau khiến sinh viên phải “chạy” bở hơi tai.
Sinh viên quá mệt mỏi
Bước vào năm học mới, SV lại đau đầu với “bài toán” chỗ trọ. Từ nội thành đến ngoại thành, chủ nhà trọ thi nhau hét giá cao. Để tìm được phòng trọ với giá cả hợp lý là điều hết sức khó khăn đối với họ. Tuy nhiên, một khó khăn khác SV phải gánh chịu do cách tổ chức đào tạo của một số trường ĐH. Tình trạng trường có nhiều cơ sở đào tạo ở cách xa nhau khiến SV khó khăn khi tìm phòng trọ cũng như phải ngược xuôi đến trường. Anh Thế Việt (quê Thanh Hóa) mấy ngày liền đèo cô em là tân SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tìm phòng trọ than thở: “Trường có quá nhiều cơ sở đào tạo nhưng khi nhập học SV không được thông báo cụ thể sẽ học ở cơ sở nào nên đành thuê phòng trọ theo kiểu… hên xui”. Cùng chung “hoàn cảnh”, anh Trọng Tiến có em gái là tân SV Trường ĐH Kinh tế cũng cho biết: “Thuê phòng ở xa trường khó đi lại vì kẹt xe, thuê ở trung tâm thành phố thì giá quá đắt. Hơn nữa, cũng chưa biết em tôi học ở cơ sở nào, có khi thuê quận này lại học ở quận kia nên đi học vất vả lắm. Chưa kể, có khi buổi sáng SV học ở cơ sở này, chiều học ở cơ sở khác, phải “chạy sô” mệt đến bở hơi tai”. Cũng theo anh Tiến, bạn bè anh đang học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM không thể tập trung cho việc học vì nhà trường tổ chức học theo môn, có môn học vào buổi sáng ở cơ sở Q.3, chiều học môn khác ở Q.10…
Chẳng khá hơn, bạn H.Khánh, SV Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng bức xúc: “Trường em có nhiều cơ sở nhưng hầu hết đều ở cách xa nhau. Đường sá luôn bị kẹt xe nên SV thường xuyên vào tiết trễ. Chính điều này khiến SV luôn bị động, mệt mỏi và tốn kém”. Còn bạn Trần Thị Kiều, SV Trường CĐ Bách Việt cho hay: “Trường em đến ba cơ sở ở quận Gò Vấp và quận Phú Nhuận. Buổi sáng em học cơ sở 1 ở Phú Nhuận, trưa về ăn uống xong phải chạy sang cơ sở 2 ở quận Gò Vấp học tiếp. Có khi trong buổi chiều lại học ở hai cơ sở, tối đến chạy sang cơ sở khác của trường để học Anh văn”. Nhiều sinh viên than phiền việc học ở nhiều cơ sở rất mất thời gian, tốn kém tiền xăng và tiền gửi xe.
Có vì SV chưa?
Trường ĐH Tôn Đức Thắng (cơ sở phường Tân Phong, quận 7) đang trong giai đoạn hoàn thành một số hạng mục công trình nhưng đã tổ chức cho SV học ngay từ đầu năm 2009-2010. Vì số phòng học xây dựng xong chưa nhiều nên SV cũng phải sáng học ở Bình Thạnh, chiều ngược về Nam Sài Gòn. Đi học xa đã đành, nhiều SV còn phản ánh môi trường học tập ồn ào, bụi bẩn.
Hiện nay, Trường ĐH Kinh tế có tất cả sáu cơ sở đào tạo nằm rải rác ở bốn quận: Q.1, Q.3, Q.10 và Q.Phú Nhuận. Tương tự, Trường ĐH Hồng Bàng cũng có đến năm cơ sở đào tạo đóng ở bốn quận: Q.5, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp. Trường CĐ Bách Việt cũng có đến ba cơ sở đào tạo nằm ở Gò Vấp, Phú Nhuận… SV đặt câu hỏi: “Tại sao nhà trường không tổ chức đào tạo theo khoa, đầu năm học thông báo khoa nào học ở cơ sở nào cố định để SV thuận tiện thuê nhà, hạn chế tình trạng “chạy sô” như hiện nay?”. Nhiều trường thiếu cơ sở vật chất, thuê mướn mặt bằng được ở đâu thì SV phải học ở đó. Đáng nói, nhiều cơ sở vừa xa vừa xuống cấp, cũ nát nhưng SV phải “chạy” theo nhà trường.
Thiết nghĩ, các trường cần quan tâm hơn nữa đến quyền lợi của SV, đừng vì lợi nhuận mà chọn địa điểm học theo kiểu “đụng đâu bạ đó”.
Bài, ảnh: Vũ Việt Giang
Bình luận (0)