Trách nhiệm đặt lên vai những người phụ nữ lấy chồng là con một đôi khi có những điều mà người trong cuộc không dễ nói ra. Ứng xử ra sao để các thành viên trong gia đình đều hòa hợp cũng không hề dễ dàng.
Cuộc chiến không cân sức
Không ít những thanh niên là con một khi đã lập gia đình vẫn được xem là trẻ con trong mắt cha mẹ. Những người phụ nữ làm dâu nhà con một, mẹ chồng lại cưng con trai hơn trứng mỏng nên rất dễ rơi vào cuộc “nội chiến” gia đình mà trong đó, tiếng nói của nàng dâu đôi khi không có chút trọng lượng nào. Chị Hoa (Q.5, TP.HCM) quyết định đến với anh Thành dù đã nghe được nhiều lời “hù dọa” về cảnh lấy chồng con một nhưng vì tình yêu, chị vẫn quyết định đến với anh. Khi về làm dâu, chị mới nhận ra mọi chuyện không hề đơn giản như mình nghĩ. “Tôi đã cố gắng dung hòa các mối quan hệ nhưng mâu thuẫn vẫn cứ bùng nổ là điều không thể tránh khỏi. Nhiều lúc mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến stress vì có những điều mình không thể nói ra được. Chồng tôi là con một nên được cha mẹ chồng chăm sóc, quan tâm quá mức, vì vậy những phút riêng tư của hai vợ chồng rất hiếm hoi”, chị Hoa chia sẻ. Tâm sự của chị Hoa chỉ là một trong rất nhiều những bức xúc mà các nàng dâu thường gặp phải khi lấy chồng là con một.
Đối với nhiều phụ nữ, lấy chồng con một đôi khi cũng đem đến cho họ nhiều trải nghiệm về cuộc sống gia đình. Vốn dĩ được cha mẹ bao bọc từ nhỏ nên chồng chị Hoàng Mai (Q.10) không có quyền quyết định mọi việc trong gia đình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” khi chị Mai về làm dâu nhà chồng. Ngay từ khi anh đưa chị về ra mắt ba mẹ, chị đã được xác định là phải ở chung với ba mẹ chồng. Chị cứ nghĩ đơn giản rằng nếu mình cố gắng thì mọi việc sẽ ổn nhưng về làm dâu rồi chị mới ngộ ra “đời không như là mơ”. Không ít lần chị đã khổ sở, nước mắt lưng tròng trước người chồng “trẻ con”, gặp chuyện gì anh cũng như “con nai vàng ngơ ngác”. Sáng sáng, trước khi hai vợ chồng đi làm, má chồng lại dặn chị phải chuẩn bị khẩu trang cho chồng vì sợ nắng nóng làm da con trai bà đen sạm đi. Có lần, hai vợ chồng đăng ký đi du lịch Vũng Tàu cùng cơ quan thì bị mẹ chồng ngăn cản vì chồng chị không biết bơi, bà sợ con trai mình chết đuối?!?
Không ít người phụ nữ đã khổ sở trước người chồng con một (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Nhiều phụ nữ có suy nghĩ nếu lấy chồng con một sẽ ít phải va chạm hơn so với khi làm dâu những gia đình đông người nhưng sự thật là không ít phụ nữ đã rơi vào cảnh chán nản, áp lực nặng nề. Về nhà chồng được vài hôm, chị Thanh (Q.8) đã hụt hẫng khi có cảm giác chồng mình như một cậu bé lớn tuổi trong mắt mẹ chồng dù anh đã hơn 30 tuổi. Anh không phải đụng tay vào bất cứ việc gì trong gia đình, từ việc lớn đến việc nhỏ vì đã có… ba mẹ chồng lo cho anh từ bé. Những cuộc cãi nhau giữa hai vợ chồng, bao giờ chị Thanh cũng là người phải “xuống nước” trước vì chị biết nếu hai vợ chồng giận nhau lâu, chuyện đến tai mẹ chồng lại càng phiền phức hơn.
Cần sự hợp tác của mọi thành viên
Nhiều gia đình có duy nhất một người con và lại là con trai nên khá cưng chiều, muốn con phải thế này, thế kia. Theo TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng bộ môn tâm lý ĐH Sài Gòn thì: “Cần có sự hợp tác giữa các thành viên trong gia đình để giữ “lửa” cho mái ấm. Có những người mẹ chồng cứ nghĩ con trai mình còn nhỏ nên luôn kiểm soát con thì con mới trưởng thành. Điều đó đã vô tình gây áp lực cho con cái”. Vì thế, để cân bằng cuộc sống gia đình, nhất là khi con cái có gia đình nhỏ, cần tôn trọng quyết định của con. Bên cạnh đó, người con trai phải có sự phấn đấu để trưởng thành, có chính kiến của cá nhân, học cách gìn giữ mái ấm của mình. Ngoài ra, vai trò của người con dâu cũng không kém phần quan trọng ở cách cư xử khéo léo”.
Văn hóa và truyền thống của người Việt từ trước đến nay luôn quan niệm những gia đình có con một hay con trai một phải ở với cha mẹ. Tuy nhiên, khi gia đình xảy ra những mâu thuẫn rất khó để dung hòa thì ra riêng là giải pháp cuối cùng. “Giai đoạn đầu của hôn nhân (từ 1 đến 3 năm) rất cần ở chung với cha mẹ để có sự hỗ trợ, thích nghi với cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần ý thức rằng sau giai đoạn này thì việc ra riêng là điều cần thiết để con cái trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, đối với những gia đình đang có dấu hiệu mâu thuẫn rất khó để dung hòa giữa mẹ chồng – nàng dâu thì việc ra riêng là điều cần thiết để hạn chế những va chạm, mâu thuẫn bùng nổ. Khi mọi thành viên trong gia đình đã có sự ổn định về tâm lý, mọi vấn đề đã được nhìn nhận nhẹ nhàng hơn thì mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình sẽ không còn căng thẳng như trước”, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao nhấn mạnh.
Yên Hà
Để cân bằng cuộc sống gia đình, nhất là khi con cái có gia đình nhỏ, cần tôn trọng quyết định của con. Bên cạnh đó, người con trai phải có sự phấn đấu để trưởng thành, có chính kiến của cá nhân, học cách gìn giữ mái ấm của mình. Ngoài ra, vai trò của người con dâu cũng không kém phần quan trọng ở cách cư xử khéo léo”, TS. Quỳnh Dao khuyên! |
Bình luận (0)