Nhà vệ sinh che tạm bợ trên chiếc thuyền neo đậu ở bến sông Trần Xuân Soạn, Q.7
|
Dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM ngày càng có nhiều ghe thuyền neo đậu, do đặc thù sông nước, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên thuyền, kéo theo nhiều hệ lụy đến môi trường. Mỗi chiếc ghe có một nhà vệ sinh “di động” trực tiếp xả thải ra khiến nước kênh vốn ô nhiễm lại càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Ngày càng bùng phát
Dắt chúng tôi ra bến sông Trần Xuân Soạn, ông Nguyễn Văn Thảo, tổ trưởng tổ 4, KP.1, P.Tân Kiển, Q.7 ngao ngán: “Trước đây, dù nước kênh có mùi hôi nhưng bà con còn ra đây bắc ghế ngồi hóng mát, tán gẫu nhưng nay thì chịu, mùi tanh tưởi bốc lên nồng nặc, khi có gió thì sộc vào mũi đến ngạt thở”. Chỉ tay về phía chiếc ghe mang biển kiểm soát tỉnh Bến Tre có che nhà vệ sinh “di động” bằng bạt, ông Thảo tiếp: “Nhà vệ sinh được che chắn như thế thì còn chấp nhận được, có nhiều chiếc trống không, cứ thoải mái tiểu tiện, đại tiện bất kể giờ giấc nhìn chướng mắt lắm”.
Nhẩm tính riêng đoạn sông này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi có trên 250 chiếc ghe, thuyền lớn nhỏ đang neo đậu. Trung bình mỗi chiếc ghe có 4 nhân khẩu. Như vậy, với số lượng ghe thuyền như thế thì có gần 1.000 người đang sinh sống tại đây. Mỗi ngày, con sông lại oằn mình “đón nhận” một lượng chất thải sinh hoạt quá lớn. Đó là chưa kể những ngày cao điểm (mùa thu hoạch trái cây, nông sản) ghe thuyền từ miền Tây chuyển hàng về đậu chi chít. Chị Nguyễn Thu Thủy, ngụ đường Trần Xuân Soạn bức xúc: “Lúc nước lên thì còn dễ chịu, nước xuống thì phân nổi lềnh bềnh, ruồi nhặng đặc kín, mùi hôi bủa vây làm sao sống nổi”.
Cùng cảnh tượng như vậy, kênh Tẻ nối quận 4 và quận 7 tập trung nhiều tàu, ghe có tải trọng lớn mỗi ngày không chỉ có nước thải sinh hoạt mà còn có hàng tấn rác vứt xuống kênh. Bà Nguyễn Thị Thắm, một cư dân sống lâu đời ở bên kia bờ kênh Tẻ nói: “Khi có quyết định giải tỏa khu nhà ổ chuột sát bờ kênh ai nấy cũng mừng, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì môi trường sống lại tồi tệ hơn trước do những người sống cảnh thương hồ mang lại”.
Dịch bệnh bủa vây
“Góp phần” làm cho môi trường ô nhiễm nặng hơn nữa là các hộ dân sống ven kênh dựng nhà vệ sinh trực tiếp xả thải ra sông. Ông Nguyễn Văn Hòa, cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường quận 4 cho biết: “Mặc dù chính quyền địa phương đã dành nhiều thời gian đi vận động các hộ dân xây nhà vệ sinh tự hoại nhưng không hiệu quả. Mặt khác do ý thức của người dân chưa cao, đồng thời là nhà tạm bợ chỉ vài mét vuông thì lấy đâu ra đất để xây nhà vệ sinh?”.
Hiện tại, nhiều địa phương còn tồn tại những khu nhà ổ chuột với phân nửa diện tích nhà lấn ra kênh rạch. Và điều hiển nhiên, nhà vệ sinh xả trực tiếp xuống kênh sẽ là mầm móng của nhiều loại dịch bệnh đe dọa sức khỏe của người dân. Mỗi năm, chính quyền địa phương các quận, huyện có cụm dân cư sống gần sông, rạch như kênh Tàu Hủ, kênh Đôi (Q.8); kênh Tẻ (Q.4); rạch Hàng Bàng (Q.6); rạch Đỉa (Nhà Bè)… đã tổ chức nhiều đợt tổng vệ sinh với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn phối hợp với trung tâm y tế dự phòng thực hiện công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh nhưng hầu như kết quả không mấy khả quan.
Việc xóa bỏ nhà vệ sinh “di động” trên sông không phải là việc làm trong một sớm một chiều. Khó khăn nhất hiện nay mà cơ quan chức năng nhìn nhận là ý thức của người dân với thói quen xấu trong sinh hoạt đã gây ảnh hưởng rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)