Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khổ vì nước sinh hoạt kém chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Nước sinh hoạt là nhu cầu vô cùng cần thiết đối với cuộc sống hàng ngày của con người. Thế nhưng, hiện nay nhiều nơi nhất là các quận huyện vùng ngoại thành TP.HCM, nguồn nước đang có nguy cơ nhiễm bẩn rất nguy hại cho sức khỏe của người dân.

Nước có màu và mùi lạ

Cô Nguyễn Thị Trang – giáo viên một trường tiểu học huyện Bình Chánh kể: “Khu vực chúng tôi ở đang dùng nước giếng khoan nên nhiều lúc vẫn có phèn, nhất là nấu nước uống thì thấy rất rõ”. Đúng như cô Trang kể, khi chúng tôi đến nhà vợ chồng cô ở ấp 5 xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh thì thấy nước trà ở đây có vị lạ và màu đỏ hơn. Một xô nước mà chồng cô Trang vừa mới hứng từ vòi nước ra vẫn còn màu vàng nhạt do chất phèn chưa được tẩy rửa. Một bằng chứng rất dễ nhìn thấy là các vật dụng đựng nước như xô, thau, gáo nhựa đều ngả màu vàng do chất phèn trong nước phá hủy. Đó cũng là tình trạng chung của nguồn nước giếng khoan tại khu dân cư ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi và các quận vùng ven khác. Chị Nguyễn Thị Vân ngụ ở xã Bình Hưng cho biết, mặc dù phải đóng tiền nước câu lại từ các giếng khoan tư nhân nhưng hàng tháng gia đình phải bỏ ra hơn 300.000 đồng để mua nước bình vì nước bị nhiễm bẩn không thể uống được.

Cán bộ thủy cục lấy mẫu nước để xét nghiệm

Theo tổng kết của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, hiện toàn thành phố có gần 140 ngàn giếng khoan nhưng hầu hết không hợp vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn. Ông M. – một cán bộ của Công ty cổ phần Cấp nước quận Thủ Đức cho biết, các giếng khoan được khai thác từ nguồn nước ngầm thế nhưng thời gian gần đây đang có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng mà nguyên nhân đầu tiên là do ý thức con người. Ngoài ra, các lý do khác như biến đổi khí hậu, môi trường và đặc biệt sự khai thác bừa bãi cũng thúc đẩy nhanh quá trình ô nhiễm các mạch nước ngầm.

Bệnh vào từ… nước

Thực tế cho thấy, không chỉ nước giếng bị ô nhiễm mà nguồn nước máy cũng bị kém chất lượng mà nguyên nhân là từ các nhà cung cấp nước. Trước đây, một số hộ dân ở quận 6, quận 8, Tân Bình, Tân Phú thật sự hoảng hốt khi gặp tình trạng nước máy từ trong chuyển dần sang màu vàng đục và có khi nâu đỏ. Được đại diện của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn giải thích họ mới rõ nguyên nhân là do sự cố kỹ thuật xảy ra ở tuyến ống phi 600mm làm dòng chảy bị đục. Dù không nhiễm vi sinh hay chất hữu cơ nhưng lại có hàm lượng Fe và Mn khá cao nên người dân vẫn lo lắng. Gần đây tình trạng nước sinh hoạt có mùi và chất nhờn lắng đọng cũng làm cho nhiều người dân lo lắng vì sợ cách xử lý nguồn nước chưa đảm bảo đúng kỹ thuật và chất lượng.

Kỹ sư Lê Xuân Thảo, đại diện Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ kỹ thuật Cao Nam Phát (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) cho biết, nước giếng ngầm không được xử lý “đến nơi đến chốn” thường bốc ra mùi trứng thối do có khí H2S. Đó là mùi tanh của Fe và Mn sau quá trình phân hủy của các chất hữu cơ trong lòng đất bị hòa tan vào mạch nước ngầm. Hai chất này cũng đã tự “nhuộm màu” cho nước có màu trà loãng. Theo kỹ sư Thảo, nước có màu vàng không chỉ gây khó chịu về cảm quan mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe vì khi được xử lý chất Clo thì sẽ tạo ra chất mới là Trihalomethane có khả năng gây ung thư. Nguồn nước thường chứa độ pH thấp thường gây hư men răng  tuy nhiên độ pH cao hơn 8,5 thì việc khử trùng bằng Clo lại dễ tạo thành chất gây ung thư. Khi hàm lượng sắt trong nước cao sẽ gây ra một số bệnh viêm đường ruột, dạ dày, tiêu chảy. Chất Crom có trong nguồn nước khi bị nhiễm nước thải công nghiệp nhất là Crom có hóa trị 6 sẽ có tác động xấu đến các bộ phận của gan, thận và cơ quan hô hấp. Nhiễm độc cấp tính có thể gây xuất huyết, viêm da và u nhọt. Nhiễm độc đồng trong nguồn nước có thể gây ói mửa, đần độn, suy thận. Nhiễm độc chì có thể tổn thương đến não và phá hủy hồng cầu. Thủy ngân ít khi tồn tại trong nước nhưng nếu bị nhiễm đọc thủy ngân thì các cơ quan như thận và hệ thần kinh sẽ bị rối loạn, viêm bàng quang và trực tràng. “Ngoài những nguy hại trên, sỏi tiết niệu là một căn bệnh phổ biến ở Việt Nam từ trước tới nay cũng được khởi phát từ việc ăn uống nguồn nước sinh hoạt không hợp lý vì thế phải đặt chất lượng nguồn nước lên hàng đầu” – kỹ sư Thảo nhắc nhở.

Bài, ảnh: Quang Phan

Sau khi có thông tin về nguồn nước sinh hoạt kém chất lượng, trong những ngày qua HĐND TP.HCM đã thành lập đoàn giám sát trực tiếp đến những “điểm nóng” đang thiếu nước để kiểm tra và ghi nhận những vấn đề bất cập ảnh hưởng đến tình hình cung ứng nguồn nước sạch cho người dân. Kết quả thật bất ngờ khi còn hơn 240 ngàn hộ dân tại 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đây là một con số không hề nhỏ và rất đáng lo ngại cho đời sống và đặc biệt là sức khỏe con người.

 

Bình luận (0)