Sống ở gần chợ luôn là mong ước của nhiều gia đình vì rất thuận tiện trong việc mua bán vật dụng, thực phẩm phục vụ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên hiện nay nhiều chợ tự phát, thiếu quy hoạch đang đem lại nỗi khổ cho người dân sống xung quanh chợ vì phải chịu phiền toái này đến rắc rối khác.
Xe trật tự dẹp chợ tự phát ở đường số 8, Q.7 |
Phiền toái từ chợ tự phát
Để thuận lợi cho việc kinh doanh ở quán cơm bình dân trên đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, vợ chồng anh Dương quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh thuê một căn nhà trọ trong một con hẻm phía sau chợ Cầu Đỏ. “Đúng như lời khuyên của bà xã, thuê nhà ở gần chợ tôi khỏi phải đi lấy hàng xa như trước đây rất tiện lợi. Khi có khách tới chơi, thiếu thứ gì đi bộ ra chợ 5, 7 phút là có đầy đủ hết” – anh Dương cho biết. Tuy nhiên niềm vui đó cũng chỉ được kéo dài trong thời gian vài tháng vì sau đó bao nhiêu hệ lụy đã gây rắc rối cho cả nhà anh. “Nhà ngay đầu hẻm nên mỗi sáng thức dậy là thấy một đống rác to đùng hôm nào có mưa là bốc mùi hôi thối cả đêm không ngủ được”. Cũng theo lời kể của người đàn ông 40 tuổi, trước nhà anh còn là nơi hội ngộ của những người đàn ông say xỉn đến đó để “trút bầu tâm sự” sau một cuộc nhậu đã đời. Tối nào cả nhà cũng ngủ trễ vì tiếng xe chạy ồn ào thâu đêm suốt sáng. Nếu trước đây con đường Nguyễn Xí bằng phẳng, láng mịn thì chỉ vài tháng đã biến thành một con đường khác hẳn, nước ngập cả ngày, mặt đường lở loét dần thành vũng. Hàng quán bày biện tràn ra khắp nơi cùng với đội quân bán dạo đã làm cho con đường vốn đã hẹp bề ngang lại càng hẹp hơn. Câu nói của người xưa: “Nhất cận thị nhị cận giang” có ý khuyên mọi người sống gần chợ đến nay có vẻ không hợp mấy vì biết bao phiền toái mà chợ đem lại không hề ít.
Đó cũng là nỗi khổ của nhiều hộ dân sống bên trong con đường số 8 thuộc KP.2, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Đây là con đường dẫn vào chợ Bình Triệu nhưng hơn 10 năm nay đã bị đội quân hàng rong, bán dạo tấn công nên “con đường xưa em đi” nay đã trở thành một phần “cơ thể” của chợ Bình Triệu. Anh Hoàng – nhân viên của một ngân hàng Q.3 than thở: “Tuy không phải là đoạn đường chính nhưng sáng nào em đi làm qua đây cũng kẹt xe vì người ta bày bán đủ thứ ra mặt đường. Hôm nào gặp mấy chiếc taxi hay xe hơi chạy qua nữa coi như kẹt cứng vì người bán người mua đứng chật cả ra ngoài đường như chặn lối đi”. Không chỉ có mấy người đi làm, những người đi tập thể dục buổi sáng mỗi khi qua đây cũng phải nhích từng bước vì xe vào xe ra không theo một thứ tự nào mà chẳng có ai quan tâm dù gần đó có trụ sở của ban điều hành khu phố.
Bài toán khó có lời giải
Mặc dù có diện tích khiêm tốn, khu nhà lồng nhỏ nhưng chợ Tân Mỹ, Q.7 lại có sức mua lượng bán đông như bất cứ một phiên chợ nào ở quận trung tâm. Ngoài khách hàng là người dân xung quanh KP.1, còn có lượng người rất đông từ khu dân cư Nam Sài Gòn, khu Phú Mỹ Hưng qua đây trao đổi hàng hóa. Có lẽ đây là lý do biến các con đường số 2, số 8, số 9 xung quanh chợ thành nơi buôn bán sầm uất vì lúc nào cũng có kẻ bán người mua. Nếu không chịu khó đọc tên đường nhiều người qua đây cứ nghĩ rằng đây là lối đi của chợ vì các loại rau củ, thịt cá, tạp hóa tràn ra đường không còn một lối để băng qua. Xui xẻo cho ai đi qua đây hoặc vô “chợ” này mà không gửi xe vì vào được bên trong phải chịu cái thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ngoài đội quân bán hàng rong, đội quân ăn xin cũng được rải khắp đường không một chiếc xe nào có thể nhích qua được. Nhiều năm nay chính quyền địa phương đã đưa ra các giải pháp nhưng chưa có giải pháp nào đạt hiệu quả cao. Hầu hết trên các con đường này đều được gắn camera để ban quản lý chợ nhắc nhở những người kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường qua loa phát thanh. Vì thế những cư dân sống ở đây không chỉ bị ô nhiễm về vệ sinh bởi các đống rác do chợ thải ra mà còn bị ô nhiễm về không khí, ô nhiễm âm thanh và tiếng ồn. Bà Hà – một người dân ở trên đường số 8 than thở: “Mỗi lần nhà tôi có khách họ chỉ ở được một hai, ngày rồi đi vì không chịu được tiếng ồn nơi đây”. Theo bà Hà, mấy đứa cháu nội cũng phải đi về Q.8 sống với ông bà ngoại vì không thể học bài được mỗi khi chợ họp nhóm giữa đường. Xung quanh chợ nhiều hạng người phức tạp, xô bồ nên cũng ảnh hưởng đến sự giáo dục của ông bà đối với con cháu. Tuy nhiên sự “giám sát” của ban quản lý chợ bằng loa phát thanh rất ồn ào cũng chẳng lọt vào tai ai vì cả người bán và người mua giống như không nghe được gì cả?
Hàng ngày cứ sau 1 tiếng đồng hồ đội trật tự của P.Tân Phú huy động 1 chiếc xe tải chạy qua đây dọn đường để lập lại trật tự. Chỉ có như vậy dòng người tham gia giao thông qua đây mới có một lối đi đúng nghĩa. Tuy nhiên chỉ sau đó không lâu giống như hòn đá ném xuống mặt hồ tất cả lại y như cũ không có gì hơn. Đây cũng là cách làm tích cực của các lực lượng giữ trật tự ở P.Hiệp Bình Chánh nhưng do ý thức của người dân nhất là các hộ kinh doanh tự phát không chịu chấp hành cho nên hiệu quả đem lại cũng chẳng là bao.
Bài, ảnh: Hoàng Anh
Bình luận (0)