Dù Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định không ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ nhưng thực tế vẫn có rất nhiều người phải ngậm ngùi ký hợp đồng mua bảo hiểm để được ngân hàng giải ngân rồi sau đó hủy ngang.
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, một khách hàng định vay 3 tỉ đồng để mua nhà ở TP HCM cho biết ngân hàng thông báo hết hạn mức cho vay (room tín dụng). Tuy nhiên, nếu khách hàng chấp nhận mở thẻ tín dụng, mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ được ưu tiên vay vốn.
Tương tự, bà N.T.L (ngụ TP Hà Nội) cho hay bà và người bạn vừa đăng ký vay mua nhà tại 2 chi nhánh khác nhau của cùng một ngân hàng cổ phần. Nhân viên tư vấn tại 2 chi nhánh đều mời khách hàng mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân. Nhân viên nơi bà L. trực tiếp ký hồ sơ nói đó là "quy ước" của ngân hàng, còn nhân viên chi nhánh nơi bạn của bà L. vay xác nhận nếu không mua bảo hiểm thì không được vay.
Theo đó, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ mệnh giá 2 tỉ đồng và mức phí hằng năm là 45 triệu đồng. Dù phí bảo hiểm nhân thọ cộng với lãi suất khoản vay mua nhà là một gánh nặng đối với gia đình nhưng để được giải ngân khoản vay vì đã đến hạn thanh toán tiền mua nhà, bà L. đành "bấm bụng" mua bảo hiểm dù rất ấm ức.
Người viết đem câu chuyện này trao đổi với nhiều nhân viên tín dụng, họ đều khẳng định không hề ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn mà chỉ là một trong những tiêu chí ưu tiên. Nếu khách không đồng ý, ngân hàng sẽ ưu tiên những khách hàng khác vì nhu cầu vay vốn cao, room tín dụng hạn chế.
Lãnh đạo các ngân hàng cũng nói không có chuyện ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn nhưng theo tìm hiểu của người viết, việc bán bảo hiểm nhân thọ là nhiệm vụ được các ngân hàng giao cho nhân viên để được thưởng, cũng là chỉ tiêu để xét thi đua hằng quý, hằng năm.
Kênh phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng (bancassurance) vài năm nay đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các ngân hàng. Không thể phủ nhận lợi ích của bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là khi thu nhập bình quân đầu người (GDP) tại Việt Nam đã và đang tăng trưởng đều đặn những năm qua.
Báo cáo ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam gần đây cho thấy mới chỉ 11% dân số Việt Nam mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2021, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển hơn. Ngoài ra, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ chỉ chiếm 2% tổng GDP năm 2020, thấp hơn so với mức 3,1% của Thái Lan.
Đáng chú ý, kênh phân phối bancassurance chiếm 39% tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ năm 2021, tính theo phí bảo hiểm tương đương hằng năm. Do đó, bancassurance được xem là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng trong tương lai. Khi hệ thống ngân hàng thương mại phát triển, thu nhập của các ngân hàng sẽ ít phụ thuộc hơn vào mảng cho vay và thu nhập phí, trong đó có phí bảo hiểm, sẽ đóng vai trò quan trọng như một động lực thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng. Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa với việc ngân hàng tìm cách "bắt, ép" khách hàng mua bảo hiểm để được vay vốn.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội liên quan việc cử tri phản ánh bị ép mua bảo hiểm khi vay vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định trên cơ sở các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến đại lý bảo hiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhu cầu của khách hàng.
Thái Phương (theo NLĐ)
Bình luận (0)