Thời của xe đạp điện
Trong những ngày gần đây, các điểm kinh doanh mặt hàng xe đạp điện trên đường Nguyễn Thị Minh Khai,Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Trường Chinh… cho biết sức mua đã tăng từ 20-35% chỉ trong vòng hai tuần lễ khi giá xăng tăng lên 19.000 đồng/lít. Ông Trần Bình Hai, chủ một tiệm bán xe đạp điện trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) cho biết, khách đến đây mua xe thường là những người lao động bình dân hoặc nhà có con em đang độ tuổi đi học cấp 3, học nghề và đại học. “Hàng hóa đắt đỏ, giá xăng tăng cao buộc nhà đông con như gia đình tôi phải tính toán thôi”– bà Trần Thị Bưởi (phường Tân Thành, Tân Phú) giải thích lý do bà mua xe đạp điện. Bà Bưởi kể, nhà bà có hai cô con gái cùng học ở Trường Nguyễn Thượng Hiền, niên học vừa qua hai chị em đi chung một chiếc xe gắn máy, giờ vì muốn tiết kiệm nên chuyển sang đi xe đạp điện. Đi xe đạp điện đến trường các cháu cũng rất vui vì mỗi tháng tiết kiệm được gần 300.000 đồng tiền xăng. Tại các cửa hàng bán xe đạp điện trên đường Cách Mạng Tháng 8, Võ Thị Sáu, Cao Thắng, Trần Hưng Đạo, Trường Chinh, … không khí mua bán đã nhộn nhịp hơn nhiều so với trước đây. Xe đạp điện nhiều kiểu dáng, mẫu mã mới đẹp và tiện dụng.
Mặt hàng xe đạp điện đa phần nhập khẩu nguyên chiếc từ Đài Loan (hiệu Yadea, Emoto) hoặc liên doanh trong nước lắp ráp (Song Tâm). Với loại xe này, mỗi lần xạc điện có thể đi từ 20-55km, tốc độ lưu thông 40km/giờ. Chủ cửa hàng xe đạp điện số 114 (Cao Thắng, quận 10) cho biết, mấy ngày nay số lượng khách mua hàng tăng lên rất nhiều, bình quân cửa hàng bán được 15-20 chiếc/ngày. Xe của cửa hàng chủ yếu nhập khẩu từ Đài Loan, Thái Lan. Một nhân viên cửa hàng xe đạp điện trên đường Võ Thị Sáu (quận 3) cho biết, giá các loại xe đạp điện đều tăng thêm từ 10-15% so với tháng trước. Loại xe 2 pin chạy khoảng 20 km, giá 4,5 triệu đồng; loại dùng 3 pin chạy 40 km, giá 6 triệu đồng và loại dùng 4 pin chạy được 55 km, giá 8,8 triệu đồng.
Đau đầu với “nửa đạp nửa máy”
Hiện nay trên thị trường, xe đạp điện được bày bán khá phong phú, đầy đủ chủng loại kiểu dáng với nhãn hiệu như: DeLta, E -Bike, Viha, Emperor, Amasa, Plasma… Bên cạnh dòng xe có nhãn hiệu do các doanh nghiệp liên doanh trong nước sản xuất còn có xe nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật… Nhưng trên thực tế, đa số là hàng nhập từ Trung Quốc và chất lượng cũng rất thấp. Những loại xe này có nguồn gốc rất phức tạp, với giá nhập chỉ khoảng 2 triệu đồng/chiếc. Nhưng khi đưa ra thị trường, các điểm bán xe thường quảng cáo với khách hàng là xe của Đài Loan, Nhật hay Hàn Quốc để “dụ”!
Rõ ràng là đi xe đạp điện sẽ tiết kiệm được tiền bạc hơn đi xe gắn máy, nhưng nhiều người còn e dè khi xe gặp “sự cố”. Theo nhiều người cho biết, xe đạp điện cũng rất hay “sinh chứng”. Một điều dễ nhận thấy là các loại xe đạp điện thường bị hỏng bình, “tuổi thọ” bình ắc quy bị hạn chế, đòi hỏi người chạy phải nạp điện hằng ngày và thời gian xạc lại rất lâu. Chú Bình (Tam Hà, Thủ Đức) vừa mua xe đạp điện được 4 tháng phàn nàn: “Thời gian đầu chạy không có gì. Từ tháng thứ ba trở đi, xe bắt đầu “sinh chứng”. Vừa rồi tôi đi xe gặp trời mưa, bỗng dưng bị chết máy, đành phải đạp. Về nhà xem ra thì bình bị hư, lên tiệm thay bình thì được báo giá 800 ngàn đồng nhưng phải chờ vì chưa có hàng”. Còn chị Hoa (Phước Long, Q.9), khi mua được cửa hàng “đảm bảo “ là bình chạy tốt, nhưng mới được hơn 2 tháng, xe đã “sinh tật”, chạy từ nhà ra chợ mới được nửa đường đã hết bình, dù tối qua xạc cả đêm. Khó khăn của xe đạp điện là nếu hư thì rất khó kiếm linh kiện để thay, do hàng đa số là nhập khẩu và lắp ráp rất “bí ẩn”, không phải ai cũng biết! Bên cạnh đó, số thợ sửa xe am hiểu loại xe “nửa đạp, nửa máy” còn rất ít, hầu như không có nên cái khó cho người sử dụng là khi hư không biết sửa ở đâu. Đưa xe vào tiệm sửa xe gắn máy cũng bị từ chối, đến tiệm sửa xe đạp thì không ai dám nhận. Ông Năm chủ tiệm sửa xe máy (Đỗ Xuân Hợp. Q.9 ) cho biết: “Tuần trước có 3 người đưa xe đến, nhưng tôi không dám sửa, chỉ xạc bình thôi, vì mình đâu có rành, mà thay linh kiện thì không có”. Không những vậy, bình điện lại dễ bị hỏng trong môi trường ẩm nước. Nếu bình hư, phải thay bình mới với giá từ 200 ngàn – 2 triệu đồng/bình tùy loại. Nhưng vấn đề là hàng nhập khẩu nên muốn thay linh kiện cũng phải chờ xem có hàng hay không. Xăng tăng giá, chuyển qua đi xe đạp điện như là một giải pháp tối ưu, thế nhưng người sử dụng lại gặp không ít rắc rối.
Nguyên Hải
Bình luận (0)