Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khổ với… con cưng

Tạp Chí Giáo Dục

 

Những hoạt động ngoại khóa như thế này sẽ giúp học sinh tránh xa tệ nạn xã hội. Ảnh: N.Anh

Ngày nay, đời sống vật chất của nhiều gia đình người Việt được cải thiện, cha mẹ có điều kiện chăm lo cho con cái đầy đủ hơn. Nếu chỉ vậy thì không có gì đáng phải bàn nhiều…
Nhưng mặt trái của sung túc ấy là việc nhiều bậc cha mẹ đã yêu thương con mình quá mức dẫn đến nuông chiều thái quá. Con cái chưa biết nhận thức, trân trọng đầy đủ tình yêu thương ấy nên đòi hỏi cha mẹ đáp ứng tất cả yêu cầu – kể cả những yêu cầu vô lý – của mình, xem đó là quyền mình được nhận và cha mẹ có trách nhiệm phải đáp ứng. Từ đây hình thành nên những “con cưng” bất khả xâm phạm.
Như gần đây, tại trường tôi, một người mẹ “đằng đằng sát khí” xông thẳng vào trường bất chấp sự can ngăn của bảo vệ đòi gặp lãnh đạo nhà trường xử lý nghiêm cô giáo chủ nhiệm. Nguyên do là đứa con trai bà là Q. nhuộm tóc và để tóc quá dài, qua nhiều lần được cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở song Q. chưa thay đổi phù hợp với yêu cầu của lứa tuổi trong nhà trường. Hơn thế nữa Q. còn thể hiện sự ngang ngạnh, khiêu khích nên cô giáo đã dùng kéo cắt một ít tóc nhằm mục đích để em thấy xấu hổ về sửa lại.
Sau khi gặp hiệu trưởng cùng giáo viên chủ nhiệm để nghe giải thích thì mẹ Q. không còn nóng giận. Bà mẹ này giải thích, mình đồng ý để con làm kiểu tóc như các ca sĩ Hàn Quốc vì nếu không con dọa sẽ bỏ học. Do đó khi bị cô giáo cắt tóc, Q. bắt mẹ phải đến trường làm cho ra lẽ không thì bỏ học vì cô làm “mất uy” trước mặt các bạn gái. Chiều con, sợ con nghỉ học nên bà làm theo yêu cầu. “Mong thầy cô thương quan tâm chứ gia đình giờ nói cháu không nghe nữa, trăm sự nhờ nhà trường…”, bà nói như van xin.
Trường hợp khác, khi tôi còn là giáo viên quản nhiệm tại một trường tư thục ở Q.Tân Bình. Theo quy định, học sinh đến trường đều không được phép mang điện thoại di động (tất cả có nhu cầu liên lạc đều dùng chung điện thoại của trường). Trong giờ kiểm tra môn ngữ văn lớp 12, học sinh M.P mang chiếc iPhone lưu trữ rất nhiều bài văn mẫu ra xem để hoàn thành được bài kiểm tra của mình. Giám thị biết, lập biên bản thu điện thoại và yêu cầu phụ huynh kết hợp cùng giáo dục. Ai ngờ em M.P khóc lóc, gào thét sau đó hùng hổ giành lại chiếc điện thoại từ tay thầy giám thị. Được biết trong điện thoại di động của cô học trò này chứa nhiều hình ảnh, clip nhạy cảm riêng tư với bạn trai. Mẹ em cho biết, M.P thường xuyên đi chơi qua đêm, bà đã nhắc nhở nhiều lần, kể cả van xin nhưng đều không có kết quả.
Trong khi đó ba M.P mỗi sáng đều chở em đến tận cổng trường, chờ con mình vào trong rồi mới yên tâm về. Vì gia đình M.P kinh doanh mấy quán karaoke nên gần như không còn thời gian dành cho em, ngoại trừ việc ba em cho tiền tiêu xài và chở đi học buổi sáng, còn chiều về M.P đi xe ôm. Vì vậy mà M.P đi đâu và đi bao lâu không ai hay biết. Trước các giáo viên, mẹ em chỉ còn biết “trăm sự nhờ các thầy cô”.
Chính vì thời gian dành cho con cái của các bậc cha mẹ ngày càng ít đi, việc đầu tư vật chất coi như “bù đắp” cho con đã dẫn đến “hội chứng con cưng” làm “nư” và ra yêu sách như thế này. Thiết nghĩ, quý phụ huynh cần thay đổi nhận thức và “cách yêu thương” con cho đúng. Dành nhiều thời gian hơn cho con, theo dõi, trò chuyện với con, uốn nắn, dạy dỗ nề nếp cho con là việc làm cần thiết và hữu ích hơn bất cứ thứ vật chất nào!
Nguyễn Minh Thanh
(Giáo viên Trường THCS Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Bình luận (0)