Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khổ với thi lớp 10 !

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nào cũng vậy, phụ huynh có con em lớp 9 ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đều lo âu trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Có phụ huynh đã lo trước từ khi con học lớp 8 rồi tiếp tục lo dần đến ngày tuyển sinh.
Học sinh lớp 9 ở TP.HCM đang gấp rút ôn thi lớp 10 /// Đào Ngọc Thạch
Học sinh lớp 9 ở TP.HCM đang gấp rút ôn thi lớp 10. ĐÀO NGỌC THẠCH
Các học sinh cũng khổ không kém khi không chỉ áp lực về việc học mà còn lo toan đăng ký nguyện vọng như thế nào sao cho khoa học, để có khả năng trúng tuyển vào trường yêu thích mà lại không có nguy cơ rơi khỏi nguyện vọng thấp nhất vào một trường công lập.
Quả là một đòn “cân não” cho cả phụ huynh lẫn học sinh.
Với những năm mà số lượng học sinh cuối cấp tăng cao như năm nay thì nỗi lo này tăng gấp bội phần. Kể cả khi Sở GD-ĐT TP.Hà Nội chủ trương cho tăng chỉ tiêu thì phụ huynh cũng không yên tâm và tìm cách dịch chuyển nguyện vọng từ các trường nội thành ra ngoại thành với hy vọng nhiều cơ hội trúng tuyển.
Còn ở TP.HCM, suốt một năm qua, phụ huynh, giáo viên, học sinh luôn phải tính toán lựa chọn trường học nào vừa với sức học vừa đúng sở thích. Cân nhắc đâu đó xong rồi đến tuần qua, khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 1 ban đầu thì lại tiếp tục một cơn “đau tim” khác.
Khi thấy trường mình yêu thích và đã đăng ký nguyện vọng có quá đông người, các học sinh và phụ huynh lại có xu hướng chuyển đổi sang trường khác. Mà lần này thì sẽ không có số liệu công bố để có thể làm lại. Vậy là cả phụ huynh, học sinh lẫn giáo viên cùng hoang mang không biết nên hay không thay đổi nguyện vọng?
Tất cả lo âu, hoang mang là vì mọi quyết định không dựa trên một cơ sở vững chắc nào. Có chuyên gia khuyên dựa trên kết quả học tập cả năm của học sinh. Có người lại bảo tham khảo điểm thi học kỳ 2 của 3 môn thi là toán, văn, ngoại ngữ để quyết định… Những điểm số trong quá trình học có thực chất không? Điểm thi học kỳ đề mỗi quận mỗi khác mà thi là theo đề chung của Sở GD-ĐT thì đánh giá thế nào cho chính xác?…
Trong khi đó, quyết định cho tất cả chỉ ở kết quả của kỳ thi tuyển sinh diễn ra trong 2 ngày đầu tháng 6. Không ai đánh giá hết những rủi ro gì sẽ xảy ra trong ngày thi nên việc đăng ký nguyện vọng vào thời điểm trước kỳ thi tuyển đầy tính hên xui. Vì lẽ đó, không ít học sinh đành phải từ bỏ nguyện vọng vào một trường học mình yêu thích nhất để chấp nhận vào trường mà mình có nhiều cơ hội trúng tuyển nhất. Để sau khi có kết quả, trong số đó có những học sinh dư điểm vào trường mình thích nhưng đã không dám đăng ký nguyện vọng. Cách xét tuyển này vô tình đã khiến không ít học sinh ngay từ đầu đã ngập ngừng không dám thực hiện ước mơ của mình.
Hằng năm, Sở GD-ĐT TP.HCM hay làm thống kê có bao nhiêu thí sinh rớt cả 3 trường công lập do đăng ký nguyện vọng không phù hợp. Nhưng có ai làm được thống kê bao nhiêu học sinh sau khi thi sẽ đủ hay thậm chí dư điểm vào một trường mình thích mà lại không dám đăng ký vào trước khi thi?
Những ngày này cứ nhìn học sinh lớp 9 mệt nhoài, căng thẳng hết tăng giờ học ở trường, tăng ca học thêm, tăng phụ đạo gia sư… là thấy sao mà xót. Với nhiều gia đình đây là thời điểm căng thẳng nhất vì mọi hoạt động đều tập trung cho “sự nghiệp vào lớp 10” của con.
Thế mà nỗi khổ và lo lắng này cứ kéo dài triền miên năm này sang năm khác để ngay bây giờ nhiều phụ huynh và học sinh lớp 8 đã bắt đầu bước vào “cuộc hành trình” đầy lo âu này.
Nhiên An/TNO

 

Bình luận (0)