Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khổ với thi vở sạch chữ đẹp

Tạp Chí Giáo Dục

Hằng năm, vào cuối học kỳ I và đầu học kỳ II là học sinh các trường tiểu học bước vào hội thi vở sạch chữ đẹp cấp huyện, cấp tỉnh hay thành phố. Mục đích của cuộc thi là dấy lên phong trào luyện viết chữ đẹp, giữ gìn tập vở sạch đẹp và tuyên dương những học sinh rèn chữ giữ vở tốt.

Thế nhưng hiện nay ý nghĩa đẹp đẽ của phong trào này đã bị biến tướng. Do các trường thích thành tích nên ngay từ đầu năm học, nhà trường tuyển học sinh viết chữ đẹp để chuẩn bị cho cuộc thi.

Thay vì rèn cho các em tính cẩn thận, tỉ mỉ, biết giữ gìn, nhiều trường bắt học sinh phải viết đồng thời hai bộ vở ở lớp và ở nhà. Bộ ở lớp để phục vụ học tập, còn bộ ở nhà mang đi thi. Nếu không làm vậy khó có học sinh nào viết đẹp ở trên lớp và giữ vở được sạch sẽ. Sáng học sinh viết bài trên lớp, chiều hay tối về chép lại toàn bộ vào vở khác.

Không phải người trong nghề cũng biết học sinh lên lớp bài vở nhiều, viết nhanh sẽ khó mà đẹp được! Mà chép lại cho đẹp như chữ in máy tính quả là cực nhọc vô cùng. Các em cứ phải gò lưng, mòn mỏi cả tay để chép từ ngày này sang ngày khác, từ tháng nọ qua tháng kia mới mong có một bộ vở y như mới, đẹp như mơ và còn thơm mùi vở mới để đi thi. Đấy là những trường chủ động ngay từ đầu năm học còn đỡ chứ những trường nước đến chân mới nhảy, học trò phải thức thâu đêm suốt sáng hòng chép lại cả bộ vở cho kịp thời gian.

Không chỉ học sinh “bạc mặt” mà phụ huynh cũng mệt mỏi không kém. Chị bạn tôi cứ than thở hoài việc nhà trường “ép” con mình làm như vậy. Tối tối hai mẹ con lại miệt mài “luyện” chữ. Cháu viết, chị ngồi bên nhắc nhở, canh chừng. Một tối ít cũng phải mất vài ba giờ để chép lại năm tiết học trên lớp. Mỏi lưng, đau cổ không bằng sắp hết trang cháu lỡ sai là phải xé đi chép lại. Mẹ lại nhọc công gỡ tập ra, cho thêm tờ giấy khác vào chứ sai nhiều để tập mỏng sao coi được.

Chị bảo cực sao cũng được, chỉ băn khoăn: “Cháu còn nhỏ, còn non nớt, người lớn đã nhồi vào đầu trẻ tính gian dối, không thật thà thì thật nguy hiểm”.

Với giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu giao chỉ tiêu phải đoạt giải nên tìm mọi cách hối thúc và kiểm tra học trò thực hiện. Gặp những phụ huynh khó tính là oải vì phải tới lui nhà gặp nhiều lần để năn nỉ họ giúp đỡ. Học trò viết xong xuôi, giáo viên cần không ít thời gian, công sức kiểm tra từng bài, chấm lại điểm và nhận xét cho các em.

Biết làm vậy là sai, bức xúc nhưng giáo viên đâu dám ý kiến nọ kia, cắt điểm thi đua là công sức cả năm học đổ sông đổ biển hết.

Vô hình trung người lớn thích thi đua, khen thưởng làm hại trẻ. Chưa nói người lớn kỳ vọng vào trẻ nhiều đến lúc chẳng được gì sẽ khiến trẻ tổn thương, hụt hẫng, chán nản…

Theo HƯNG HÀ

(Tuoi Tre)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)