Bến xe Miền Đông TP.HCM bắt đầu bán vé xe Tết Bính Thân từ 10-1 nhưng tình hình khách đến mua vé không đông như những năm trước. Phần vì năm nay bến xe triển khai dịch vụ bán vé qua mạng, phần do ảnh hưởng của tình trạng xe dù khiến lượng khách vào bến cũng giảm theo.
Hãng xe Hoa Mai ngày càng giảm chuyến do tình trạng xe dù |
Chạy dù lách thuế
Tài xế H.Q – chạy tuyến Sài Gòn – Đà Lạt xác nhận tình trạng trên là “chuyện thường ngày ở huyện”, vì làm như vậy mới “có ăn”. Chẳng hạn như ở doanh nghiệp anh đang làm, lượng xe có đăng ký trong bến rất ít, còn xe chạy dù nhiều gấp 3 lần. Cái lợi của xe dù theo anh Q. là “khách lên xe là lấy tiền liền chứ không cần vé, không như xe trong bến có bán vé thì lại phải đóng thuế”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đăng ký một vài chiếc xe trong bến để luôn đảm bảo có hai đầu khách (trong bến và ngoài phố), nhưng quan trọng hơn là để làm “bình phong”, nhằm đối phó với pháp luật, phòng trường hợp khi bị CSGT kiểm tra thì có thể chứng minh là xe có đăng ký bến một cách hợp lệ.
Một tài xế khác cũng làm việc cho một doanh nghiệp tuyến xe miền Đông thật thà kể: “Ở chỗ tôi đang làm, nguyên tiền trốn thuế mỗi tháng lên đến 15 triệu đồng. Cũng với cách làm “trong bến xe ít, ngoài bến xe nhiều” nên tiền trốn thuế của một số doanh nghiệp “cỡ bự” phải tính đến tiền tỉ. Nếu chính quyền không dẹp nạn xe dù một cách triệt để, thì tình trạng này ngày càng tệ hơn, thậm chí về lâu dài có khi còn ảnh hưởng đến sự tồn tại của các bến xe, nhất là Bến xe Miền Đông – bến xe liên tỉnh lớn nhất TP.HCM và khu vực phía Nam. Vì thực tế là doanh nghiệp này có xe chạy dù, thì doanh nghiệp kia cũng làm theo để cạnh tranh. Thêm nữa là người dân thường thích đi xe đưa đón tận nhà hoặc đến nơi gần khu vực mình ở cho tiện lợi nên đã chọn đi xe dù”.
Rõ ràng đi xe dù có thể thuận lợi là không phải di chuyển nhiều, nên hơn 10 năm qua bà Trần Thị Ngọc ngụ gần chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) hay đi lại bằng phương tiện này để đi miền Đông buôn trái cây và rau củ. Chỉ có điều “các dịp lễ tết thường bị nhà xe lấy giá cao một cách vô tội vạ, chưa kể có lần còn làm mất đồ của tôi mà phụ xe cãi chày cãi cối không chịu bồi thường. Tôi ức lắm nhưng cuối cùng cũng phải chịu vì không biết kêu ai”.
Tình trạng xe dù ngày càng hoành hành vô hình trung khiến cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính ở bến xe bị ảnh hưởng nhiều. Một nhân viên bán vé ở Bến xe Miền Đông than thở: “Bằng giờ này mọi năm thì vé xe không còn đủ để bán, không như năm nay, nhiều hãng xe thương hiệu bán vé xe Tết về các tỉnh miền Trung, và miền Bắc vé bán ra rất chậm. Kể cả một số tuyến “nóng” như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn cũng vẫn còn vé nhiều, nhất là các vé ghế ngồi”.
Khó xử lý triệt để
Bàn về vấn đề xe dù kéo theo tình trạng giảm khách vào bến, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông xác nhận các tuyến bị ảnh hưởng nhiều nhất là các tuyến đi Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang. Các tuyến này bây giờ chỉ còn vài xe hoạt động, không như trước đây mỗi ngày cả trăm xe xuất bến. Trong đó, chỉ tính riêng ba tuyến xe đi Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, bến xe đã giảm tổng cộng khoảng 200 chuyến/ngày. Theo đó, các hãng xe bị giảm nhiều nhất là Hoa Mai, Thành Bưởi, Samco, Kumho…
Bến xe Miền Đông nhiều năm trước đây đã từng có thời điểm thu hút gần 5.000 xe đò đăng ký hoạt động, bình quân mỗi ngày đưa đón từ 25.000-28.000 lượt khách. Tuy nhiên, tình trạng xe dù đã khiến lượng xe đăng ký bến hiện nay giảm xuống rõ rệt, chỉ còn gần 3.000 phương tiện xe, vận chuyển khoảng 20.000 lượt khách/ngày. |
Cũng theo ông Hải, số lượng xe trong bến giảm cũng làm ảnh hưởng đến việc phục vụ xe Tết Bính Thân năm nay. Tiêu biểu như đối với các tuyến Sài Gòn – Lâm Đồng, Sài Gòn – Quảng Nam có lượng khách đông nhưng do bến không còn xe lớn (trên 30 chỗ trở lên), nên người dân lại chọn đi xe dù.
Theo Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM Lê Hồng Việt, tình trạng nhiều doanh nghiệp chỉ có vài ba xe đăng ký bến để chạy cho có lệ là có thật, còn đa phần xe hoạt động bên ngoài theo hình thức xe dù, hoặc núp bóng du lịch lữ hành. Địa bàn lập bến cóc để hoạt động của các nhà xe này tọa lạc ở nhiều địa bàn như quận 1, quận 10, quận 5… Việc các doanh nghiệp lập bến cóc cho xe đưa đón khách trong nội thành là sai. Tuy nhiên, quy định hiện nay cho phép xe du lịch được bán vé và đón khách tại văn phòng. Đây chính là kẽ hở các nhà xe lợi dụng hoạt động nên việc xử phạt đối với các xe hoạt động theo hình thức du lịch lữ hành đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một cán bộ ngành GTVT cho biết, có một vấn đề khó khăn nữa cho cơ quan chức năng là tình trạng các nhà xe sử dụng phù hiệu để lách luật. Do đó, khi xe đang trong hành trình vận chuyển hành khách hoặc dừng đỗ đón khách mà bị cơ quan chức năng kiểm tra, các đơn vị này vẫn chứng minh được hợp đồng vận tải hành khách, nên ngành chức năng chỉ dừng lại ở chỗ phạt lỗi vi phạm dừng đỗ lấn chiếm lòng lề đường. Trước tình trạng nan giải này, vị cán bộ cho biết ngành giao thông vẫn tiếp tục nỗ lực tăng cường kiểm tra xe chạy sai hành trình hoặc trả đón khách không đúng nơi quy định, đặc biệt là trong thời điểm cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)