- 1 Khoa học công nghệ: “Chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia là điều kiện tiên quyết để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Đối với TP.HCM, đây là cơ hội để TP bứt phá, đưa KHCN, ĐMST và CĐS làm “chìa khóa” phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, trở thành một trong những TP đáng sống của cả nước và khu vực.

Sẵn sàng bước vào “cuộc chiến”
Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM – cho biết, theo chương trình hành động của UBND TP về việc thực hiện Nghị quyết 57, TP đặt ra một số mục tiêu cụ thể trong tương lai gần. Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GRDP; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, ĐMST, CĐS và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
TP.HCM phấn đấu trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của cả nước; thuộc nhóm 100 TP có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu; nhóm 3 tỉnh, thành đứng đầu về ĐMST, CĐS, tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số dẫn đầu cả nước.
TP cũng quyết tâm hình thành 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; 5 trung tâm nghiên cứu ứng dụng, ĐMST tiệm cận trình độ quốc tế trong các lĩnh vực trọng tâm; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành 5-10 doanh nghiệp công nghệ lớn; nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST đạt 12 người/10.000 dân.
“TP.HCM sẽ thuộc nhóm 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh, phát triển chính quyền số. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 80%, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên 80%, tỉ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế trên 55%. Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP; phát triển mới ít nhất 1 khu công nghệ thông tin tập trung”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Thắng, TP dự kiến khánh thành Trung tâm ĐMST trong quý II năm 2025, tạo nên hạt nhân của hệ sinh thái ĐMST trong tương lai. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về KHCN, ĐMST và CĐS; đặc biệt là ứng dụng AI trong giải quyết công việc thường xuyên, nâng cao năng suất lao động.
TP sẽ xây dựng hệ thống thông tin theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 57 hoàn toàn trên nền tảng số. Với lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS, TP tiếp tục rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách vượt trội; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao, có kỹ năng số, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Văn Được – Chủ tịch UBND TP.HCM – nhìn nhận, TP.HCM là địa phương có nguồn tài nguyên rất đặc biệt, là cửa ngõ kết nối, giao thương quốc gia. TP luôn duy trì tăng trưởng ổn định và đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia; cũng là trung tâm về KHCN, GD-ĐT, nơi tập trung các trường ĐH, CĐ; có đội ngũ nhân lực cao, chuyên gia đầu ngành. TP cũng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ của khu vực phía Nam và cả nước. Những yếu tố này góp phần tạo thêm động lực để TP nhận thức, xây dựng nguồn lực, quyết sách, chuẩn bị trí và lực cho giai đoạn phát triển mới.
Trong tương lai gần, TP sẽ tập trung chiến lược đột phá 1 – 4 – 1. Cụ thể là 1 trung tâm – Trung tâm Tài chính quốc tế; 4 cao – Trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu (ĐMST, AI, GIS, chip bán dẫn), Khu công nghiệp công nghệ cao, Giáo dục chất lượng cao, Y tế chất lượng cao. (Dự kiến TP sẽ hình thành trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu, trung tâm về AI, ĐMST, trung tâm về dữ liệu lớn (Big Data) đặt tại TP.Thủ Đức trên cơ sở mở rộng Khu Công nghệ cao TP); 1 chiến lược – hạ tầng chiến lược với hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại, hạ tầng số.
“TP đang rất cần một chiến lược toàn diện để phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Vai trò của Nhà nước là định hướng và hỗ trợ, do đó rất cần sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và sự hợp tác của cộng đồng quốc tế”, ông Được nhấn mạnh.
Cần đãi ngộ nhà khoa học
Ông Huỳnh Thành Đạt – Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương – khẳng định, TP.HCM có điều kiện thuận lợi để đi đầu trong việc triển khai các chính sách KHCN, ĐMST và CĐS. Trong đó, ĐH Quốc gia TP là cơ sở ĐH công lập, sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST, CĐS và chuyển giao công nghệ, đóng góp nghiên cứu khoa học và đề xuất chính sách phù hợp với thực tiễn của TP.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 57, ông Đạt cho rằng chính quyền TP cần phối hợp với ĐH Quốc gia TP đề ra chương trình phối hợp nghiên cứu cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để chính quyền hoạch định chiến lược nhằm phát triển KHCN và CĐS. Bên cạnh đó, TP nên tăng cường hợp tác đào tạo kỹ sư đáp ứng nguồn nhân lực, tham gia kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp để đào tạo, nghiên cứu triển khai các dự án thí điểm về đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, năng lượng tái tạo.
GS.TS Phan Bách Thắng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và phân tử – gợi ý, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57, TP.HCM cần thu hút được nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trước hết, TP phải đầu tư vào nhà khoa học trong nước để họ trở thành nhà khoa học có tác động lớn ở khu vực. Đồng thời, TP phải mời được các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến nghiên cứu và làm việc. Muốn làm được việc này, TP phải đầu tư cơ sở vật chất, đưa ra các chính sách để thu hút nguồn nhân lực. Nếu TP có sự đầu tư, nguồn lực chất lượng sẽ hội tụ về đóng góp cho TP.
Theo TS. Võ Văn Khang – Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam: “Để thu hút các nhà khoa học đóng góp cho TP, ngoài chính sách thì việc cấp bằng sáng chế bảo vệ ý tưởng, nghiên cứu cũng là yếu tố quan trọng. Bởi để có được ý tưởng và cho ra sản phẩm là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức nhưng nếu không được bảo vệ, công nhận kịp thời sẽ khó khuyến khích các nhà khoa học đóng góp cho sự phát triển TP”.
GS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa – góp ý, TP.HCM cần đầu tư hạ tầng chung vào các trung tâm nghiên cứu/phòng thí nghiệm trọng điểm và ưu tiên các lĩnh vực chiến lược: AI, IoT, Blockchain, vi mạch bán dẫn, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học… Ngoài ra, TP phải hợp tác trong việc chia sẻ dữ liệu và hạ tầng số giữa các đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp tại TP.HCM, phát triển các chương trình đào tạo và thu hút nhân tài khoa học công nghệ.
Song Hậu
Bình luận (0)