Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2021. Qua đó cho thấy, “bộ mặt” nông thôn đã thay đổi rất nhiều khi có sự tham gia của KHCN; sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học – doanh nghiệp – nông dân đã giúp kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, nông sản của nước ta ngày càng có mặt ở nhiều nước trên thế giới…
Mô hình chăn nuôi thỏ mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người dân huyện Củ Chi (TP.HCM)
Giá trị sử dụng đất đạt 600 triệu đồng/ha/năm
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2021 đã phê duyệt được 84 nhiệm vụ phục vụ cho chương trình với tổng kinh phí thực hiện là 585,76 tỷ đồng. Đây là chương trình đặc thù, có mục tiêu, nội dung bao trùm hầu hết các lĩnh vực phát triển nông thôn, thuộc nhiều chuyên ngành KHCN, phạm vi nghiên cứu trải rộng trên địa bàn nông thôn toàn quốc. Qua đó góp phần kết nối chặt chẽ nguồn lực giữa các ngành khoa học, giữa lý luận với thực tiễn, giữa nghiên cứu và chuyển giao, giữa nghiên cứu đón đầu và phục vụ kịp thời các nhu cầu của xây dựng NTM, giữa nhà khoa học – doanh nghiệp – nông dân.
Chương trình đã có tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; trong đó tác động rõ rệt nhất là tiêu chí về thu nhập, việc làm, quy hoạch, thủy lợi, môi trường – chất lượng sản phẩm, văn hóa, chính trị – tiếp cận pháp luật.
Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực; nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng năng suất cây trồng 30-35% đối với rau màu, 10-15% đối với lúa; thu nhập của người dân tham gia dự án tăng hơn 25%; giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tăng lên 133-500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, bình quân giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất tăng 4,62%/năm; giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 600 triệu đồng/năm.
Riêng tại TP.HCM, trong khi diện tích đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại TP ngày càng thu hẹp thì nhu cầu về nguồn sản phẩm sạch, an toàn ngày càng tăng cao. Do đó, UBND TP đã ban hành nhiều chương trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao như phát triển giống cây, con chất lượng cao; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; phát triển hoa, cây kiểng, rau an toàn, cá cảnh, chăn nuôi bò sữa… Nhờ vậy kinh tế nông nghiệp của TP đã có nhiều khởi sắc.
Nông nghiệp + du lịch = nông thôn mới
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, giai đoạn 2021-2025, chương trình KHCN tập trung bám sát chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các đề tài thuộc chương trình phục vụ xây dựng NTM phải xuất phát từ thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù, điều kiện địa phương. Các đề tài KHCN cần chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và lan tỏa cao trong thực tiễn; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Viện KHCN Việt Nam – cho rằng, chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM triển khai chủ yếu ở nông thôn, song phải đặt phát triển nông thôn trong mối quan hệ hài hòa với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Phát triển nông thôn phải hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sống của người dân và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan của các dân tộc.
Trồng rau đạt chuẩn VietGAP được phát triển mạnh tại huyện Củ Chi (TP.HCM) nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn cho người dân
“Nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, cơ sở hạ tầng hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán; nguồn lực lao động giảm và chất lượng lao động thấp, KHCN còn thiếu nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản thấp. Vậy nên mục tiêu ưu tiên cần phải nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua cải thiện chất lượng, đẩy mạnh chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ. Ưu tiên nghiên cứu đề xuất quy hoạch không gian phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bền vững, gắn phát triển kinh tế nông nghiệp với bảo vệ tài nguyên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, nghiên cứu ứng dụng công nghệ số để quản lý các vùng sản xuất, cấp mã số vùng sản xuất cho trồng trọt, chăn nuôi, chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc”, GS. Sơn nhấn mạnh.
Theo TS. Ngô Thị Thu Trang – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cần phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM. Bởi du lịch nông thôn phát triển sẽ góp phần đa dạng hóa ngành nghề và nâng cao thu nhập vùng nông thôn, tạo ra giá trị lớn hơn cho những sản phẩm nông nghiệp – đây cũng là định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Khi đời sống được nâng cao qua việc cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn cũng góp phần nâng cao nhận thức người dân trong vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương; đồng thời giảm di dân từ nông thôn lên đô thị.
“Để làm được điều này cần phát huy hơn nữa chương trình xây dựng NTM cũng như Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên cơ sở phát huy giá trị nội tại của cộng đồng, bản sắc văn hóa, cảnh quan đặc trưng của vùng miền – tiền đề cho việc phát triển du lịch nông thôn. Giải pháp quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và năng lực cho những người dân địa phương trong việc xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng; song song đó cần có những bước đi cho việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa địa phương, biến vùng nông thôn trở thành điểm đến lý tưởng…”, TS. Trang nêu.
Phú Cát
Bình luận (0)