Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khoản thu lỗi thời làm khổ nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Chất lượng giáo dục sẽ tốt hơn nhiều nếu HĐND TP thông qua mức thu học phí mới do UBND TP trình (ảnh chụp một giờ học tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1)

UBND TP.HCM vừa có tờ trình HĐND về việc tăng học phí cho năm học 2012-2013. Theo đó, tùy từng cấp, bậc học mức học phí ở khu vực ngoại thành từ 60.000 đến 112.000 đồng/tháng, nội thành từ 75.000 đến 150.000  đồng/tháng…
Khổ vì các khoản thu cũ
Cuối năm 2011, Đoàn đại biểu HĐND TP do Chủ tịch Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn đầu đã có các buổi làm việc với một số trường trên địa bàn H.Hóc Môn, Q.8 và Q.3. Tại Trường MN Hoa Mai (Q.3), cô Nguyễn Thị Lan Hương – Hiệu trưởng nhà trường bức xúc: “Các khoản thu trong năm học 2011-2012 nhà trường thực hiện theo văn bản số 1.794 ngày 26-7-2011 của Sở GD-ĐT TP. Văn bản thì mới nhưng nội dung là cũ, các mức thu này ban hành từ năm 1999 đã quá lạc hậu so với giá cả thị trường hiện nay”.
Đúng vậy. Với mức học phí “khiêm tốn”: Nhà trẻ – 30.000 đồng (ngoại thành – NgT) và 50.000 đồng (nội thành – NT); mẫu giáo: 20.000 đồng (NT) và 40.000 đồng (NT); THCS: 10.000 đồng (NgT) và 15.000 đồng (NT); THPT: 25.000 đồng (NgT) và 30.000 đồng (NT)… thì các trường gặp rất nhiều khó khăn.
Thậm chí sự tồn tại và phát triển của các trường phụ thuộc nhiều vào sự khéo léo của hiệu trưởng trong việc “đi xin” phụ huynh. Như khẳng định của ông Lê Trường Kỳ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 là: “Trường nào không nhận được nhiều sự hỗ trợ của phụ huynh thì hoạt động của trường khó có hiệu quả cao”.
Tuy vậy, “Không thể cái gì cũng xin phụ huynh được, làm giáo dục mà cứ đi xin hoài thì thấy kỳ lắm”, cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường MN 19-5 (Q.8) tâm sự.
TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho rằng: “Hàng năm, ngân sách TP chi thường xuyên cho giáo dục trên 20%. Trong số đó có tới 80% được dùng để chi lương cho giáo viên, mặc dù lương của các thầy, cô giáo phần lớn là không đủ sống. Còn lại 20% dùng để chi cho các hoạt động thường xuyên khác. Nhưng trên thực tế, số tiền 20% ít ỏi này dùng để chi trả điện, nước còn không đủ, huống hồ là những hoạt động khác. Do vậy các hoạt động thực hành thí nghiệm, thể dục thể thao, văn nghệ, hướng dẫn học sinh đi ngoại khóa để đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện coi như không đáp ứng được. Cho nên chất lượng đào tạo trong nhà trường tính theo mục tiêu đào tạo là không đạt được…”.
Học phí mới xuất phát từ thực tế
Có thể trong kỳ họp HĐND TP sắp tới sẽ có không ít ý kiến thắc mắc tại sao lại phải tăng học phí. Song, tất cả chúng ta cần phải biết rằng mức học phí hiện nay đã quá lỗi thời và nó đang kìm hãm sự phát triển của giáo dục. Nhưng trên hết, theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP thì đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, khung học phí của năm học 2010-2011 như sau: Thành thị (từ 40.000-200.000 đồng/tháng/học sinh); nông thôn (từ 20.000-80.000 đồng/tháng/học sinh); miền núi (từ 5.000-40.000 đồng/tháng/học sinh). Từ năm học 2011-2012 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo nhưng không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng.
Vả lại, theo TS. Huỳnh Công Minh thì: “Đất nước ta đang trong tiến trình hội nhập, theo đó nền GD-ĐT phải ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, khả năng đầu tư của Nhà nước cho GD-ĐT chỉ có giới hạn, do vậy cần thiết phải có sự đóng góp của phụ huynh học sinh dưới hình thức học phí. Sự đóng góp một phần học phí ở trường công lập, số đông phụ huynh học sinh có thể đảm đương được. Bởi mức học phí này chỉ bằng 1/10 so với mức học phí trường ngoài công lập. Khoản học phí này góp phần rất quan trọng trong việc cải thiện mức đầu tư cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho chính học sinh”.
Không chỉ có vậy, ngày 15-10-2011, tại buổi làm việc của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm với Sở GD-ĐT TP, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Trần Thị Kim Thanh đã phát biểu: “Chúng tôi mong muốn được HĐND thông qua mức thu học phí mới để các trường đường đường chính chính mà thu chứ không phải đi xin phụ huynh. Cô giáo mà cứ phải năn nỉ phụ huynh thì vị thế của người thầy không còn nữa”. Đặc biệt, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn, cho rằng: “Giáo dục có rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi không dám đề nghị HĐND tháo gỡ tất cả mà chỉ đề nghị những cái quá bức xúc. Những mức thu mà chúng tôi đề nghị là rất hợp lý, nó được xuất phát từ thực tế ở các trường”…
“Yêu cầu ngành giáo dục mầm non phải nuôi dạy trẻ tốt nhưng đời sống của giáo viên lại quá khó khăn. TP.HCM không thể để tình trạng này tồn tại. Trong kỳ họp HĐND sắp tới, chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra để tìm giải pháp nâng cao đời sống của đội ngũ giáo viên”, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tại buổi làm việc với các trường ở Q.3 cho biết.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)