Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóa

Khoảng 120 người làm báo được TP.HCM đặt tên đường

Tạp Chí Giáo Dục

Thống kê đến năm 2025, đã có khoảng 120 nhà báo và người làm báo được TP.HCM đặt tên cho các tuyến đường lớn nhỏ khắp 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Trong đó, có 8 nhà báo cùng được đặt tên đường ở các quận khác nhau.

Thông tin này được sinh viên Phạm Khánh Phương Tâm đại diện nhóm tác giả (Đoàn Khuyên và sinh viên lớp K23 chất lượng cao của Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nêu ra tại tọa đàm khoa học “100 năm ngày ra đời báo Thanh Niên – Tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam” (21-6-1925/ 21-6-2025).

Theo nhóm tác giả, báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 160 năm hình thành và phát triển. Trong đó, báo chí cách mạng ra đời cách đây 100 năm, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Những người nữ làm báo được đặt tên đường

Do đặc thù lịch sử, việc làm báo ở Việt Nam trước năm 1975 bao gồm một số ít những người làm báo chuyên nghiệp; còn lại là những người vừa viết văn thơ vừa làm báo, vừa làm các công việc khác nhau trong xã hội vừa làm báo (như chính trị gia, doanh nhân, phiên dịch, thư ký, giáo viên, học sinh). Bên cạnh đó, cũng có nhiều người vừa tham gia cách mạng vừa làm báo… Trong từng giai đoạn lịch sử ấy, người làm báo ở Việt Nam không chỉ là người đưa tin mà còn là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, người truyền bá chữ quốc ngữ, thức tỉnh dân trí, khơi dậy lòng yêu nước.

Ghi nhận đóng góp của những người làm báo cho tiến trình văn hóa – xã hội và cách mạng ở Việt Nam, nhiều nhà báo đã được đặt tên cho các con đường ở TP.HCM. Cụ thể, trước và sau năm 1975, nhiều con đường ở TP.HCM đã được đặt theo tên của các nhà báo. Hiện nay, TP.HCM có khoảng 3.600 con đường lớn nhỏ có tên hoặc đánh số. Thông qua việc khảo sát danh sách tên đường các quận huyện ở TP.HCM cùng với vận dụng kiến thức về lịch sử báo chí Việt Nam; đối chiếu các nguồn tư liệu, trang thông tin điện tử và khảo sát thực địa, nhóm tác giả cho biết, đến năm 2025, đã có khoảng 120 nhà báo, người làm báo được TP.HCM đặt tên cho các tuyến đường lớn nhỏ khắp 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Các nhà báo được đặt tên đường chia theo nhóm gồm: Nhà báo chuyên nghiệp; nhà cách mạng có làm báo; văn nghệ sĩ làm báo và các chí sĩ – trí thức yêu nước làm báo.

Trong đó, những nhà cách mạng tham gia làm báo được TP.HCM đặt tên cho các tuyến đường như: Nguyễn Tất Thành, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đức Cảnh… Còn nhóm văn nghệ sĩ làm báo thì gồm: Tản Đà, Nam Cao, Chế Lan Viên, Vũ Trọng Phụng…; chí sĩ – tri thức yêu nước gồm có: Trương Vĩnh Ký, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh… Bên cạnh các nhà báo nam, còn có một số người nữ làm báo được đặt tên đường như: Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Riêng… Đáng chú ý, có 8 nhà báo được đặt tên ở 2-3 con đường khác nhau như: Huỳnh Thúc Kháng, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn An Ninh, Ngô Đức Kế, Phan Kế Bình, Tản Đà, Hồ Biểu Chánh… Ngoài ra, những nhà báo liệt sĩ được đặt tên đường như: Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Bùi Đình Túy, Lý Chính Thắng…

Nhóm tác giả cũng nêu ra một số đề xuất nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc với những nhà báo đã có đóng góp to lớn, đồng thời hướng đến ý nghĩa giáo dục, truyền cảm hứng cho thế hệ sau. Đề xuất đó là tích hợp mã QR cho bảng tên đường nhằm giáo dục lịch sử; lồng ghép nội dung về những nhà báo nói riêng, các danh nhân, chiến sĩ cách mạng được đặt tên đường vào chương trình giáo dục lịch sử, địa lý địa phương…

Mê Tâm

Bình luận (0)