Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Khoảng hẫng hụt” của văn học Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn vào giải thưởng của Hội Nhà văn VN 2023, nhà nghiên cứu có những nghi ngại về đánh giá văn học dịch, cũng như so sánh những đỉnh cao hiện nay với hơn 30 năm trước.

Câu trả lời được ông Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN, tiết lộ trong lễ trao giải thưởng sáng 27.2 tại Hà Nội. Theo đó, từ 8 tác phẩm dự xét giải, Hội đồng Sơ khảo đã trình lên Hội đồng Chung khảo tác phẩm Thợ săn hoang dã. Tuy nhiên, sau khi nghe các ý kiến và qua phân tích đánh giá từ nhiều phía, cân nhắc kỹ lưỡng ở nhiều khía cạnh, Hội đồng đã quyết định bỏ trống hạng mục văn học dịch. Điều này, theo đánh giá của Hội, là "khoảng hẫng hụt" bên cạnh sự đầy đặn của một số hạng mục khác.

Ở thể loại lý luận phê bình, giải thưởng được trao cho cuốn Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do. Thể loại thơ ghi danh tập Đồng sen tàn của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Giải thưởng văn học thiếu nhi được trao cho Cá linh đi học của Lê Quang Trạng. Cá linh đi học, theo đánh giá của Hội, nhận được thiện tình xuyên suốt từ sơ khảo đến chung khảo đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, khi tác phẩm đạt đến chất lượng nhất định, nó cũng sẽ đạt đến sự đồng thuận cao.

Thể loại văn xuôi có tới 3 tác phẩm nhận giải. Đó là: tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của tác giả Nguyễn Một, tập truyện ngắn Một mùa hè dưới bóng cây của tác giả Nguyễn Tham Thiện Kế và tiểu thuyết Tuyệt không dấu vết của Nguyễn Việt Hà. Ông Nguyễn Bình Phương cho biết: "Lựa chọn trao cho cùng lúc cả 3 tác phẩm cũng thể hiện bản lĩnh của Ban Chấp hành Hội Nhà văn VN, bởi động thái này, dù muốn hay không, cũng phần nào khiến giới yêu văn học có dịp gợi liên tưởng và so sánh với sự kiện trao giải văn xuôi năm 1991, cách đây 33 năm".

Sự kiện trao giải văn xuôi năm 1991, cách đây 33 năm, đã cùng lúc trao cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng. Đây là những cuốn sách vẫn tái bản đều, được bạn đọc nhớ tới. Phát biểu của ông Phương, cũng là đại diện Hội, cho thấy chính Hội cũng có những suy tư về mặt bằng văn học hiện nay: liệu nó đi lên, đi ngang, hay đi xuống so với hơn 30 năm về trước. Tuy nhiên, nếu ngắm nhìn "đỉnh cao" Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, chắc chắn người đọc vẫn mong có những tác giả đương thời viết hay hơn nữa.

Cũng trong sáng 27.2, Hội Nhà văn VN tổng kết Cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi, đợt 1. Tác phẩm nhận giải A là Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp của Dương Thị Thảo Nguyên (văn xuôi – bản thảo).

Báo cáo đánh giá cho biết, cuộc thi có đối tượng phản ánh trải trên biên độ khá rộng, từ lứa tuổi thiếu niên, đến lứa tuổi nhi đồng, mẫu giáo. Điểm nổi trội nhất, người viết đã hạn chế những bài học gượng ép, giáo điều to tát, mà chú trọng đến khơi gợi trí tưởng tượng trong từng chi tiết nhỏ của đời sống để giáo dục về nhân tính. Bên cạnh việc mang tới bài học giàu tính nhân văn cho trẻ, các tác phẩm còn góp phần giúp người lớn thâm nhập vào thế giới riêng của các em, từ đó thấu hiểu và có cách ứng xử cho tế nhị, hài hòa phù hợp trên tinh thần tôn trọng.

Theo Trinh Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)