Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Khoảng trống ban C

Tạp Chí Giáo Dục

Tại tỉnh Phú Yên, rất ít trường THPT tồn tại các lớp thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Năm học 2011-2012, trường chuyên của tỉnh này đã xóa xổ hai lớp chuyên sử và địa, chỉ duy trì lớp chuyên văn.

Một số trường THPT khác ở Phú Yên như Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa), Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa), ban khoa học xã hội đã biến mất từ năm học 2008-2009. Hệ quả là các năm sau, đến kỳ thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ, các trường này có rất ít học sinh đăng ký thi khối C. Một giáo viên dạy ở trường “trắng” ban khoa học xã hội cho rằng nếu nói thầy cô là tấm gương cho học sinh soi thì ai cũng thấy thầy cô dạy các môn khoa học tự nhiên và tiếng Anh hầu hết có cuộc sống đỡ căng hơn. Ngược lại, thầy cô dạy các môn khoa học xã hội hầu hết chỉ sống bằng lương, thiếu thốn trăm bề. Chưa kể tâm lý cố hữu của phụ huynh cho rằng học văn, sử, địa rồi ra làm gì? Những yếu tố này đã tác động không ít đến sự chọn ngành học và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Lãnh đạo nhiều trường THPT cho biết họ phải theo học sinh chứ không thể ép các em học ban khoa học xã hội. Vì thế, năm học này, một số trường đã chuyển ban C (văn, sử, địa) thành ban D (toán, văn, tiếng Anh) để vớt vát đủ học sinh cho một khối lớp. Thực trạng teo tóp học sinh ban khoa học xã hội diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước.
Trong kỳ thi ĐH-CĐ vừa qua, số thí sinh đăng ký thi khối C thấp kỷ lục, chỉ có 125.264/1.471.808 hồ sơ thi ĐH (chiếm 6,4%). Càng đáng buồn hơn khi các trường ĐH, CĐ công bố hàng ngàn điểm 0 môn sử. Nguồn tuyển sinh thiếu khiến nhiều trường dần đóng cửa hàng loạt ngành xã hội. Như vậy, vòng luẩn quẩn “thưa vắng học sinh ban khoa học xã hội – chất lượng tuyển sinh thấp – đóng cửa ngành ĐH – thiếu nhân lực ngành xã hội” sẽ lại tiếp diễn trong năm nay và khó để nói là sẽ không “phá sản” ban khoa học xã hội.
Mục tiêu của chương trình phân ban nhằm phát huy sở trường, năng khiếu ở mỗi học sinh đồng thời đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa đất nước sẽ khó thành hiện thực khi đại đa số học sinh hờ hững với các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục và văn hóa đang báo động về một thế hệ tương lai thực dụng, một chiều, mù mờ lịch sử cũng như văn hóa dân tộc. Đã đến lúc không nên chỉ đổ lỗi cho cơ chế xã hội, sách giáo khoa hay giáo viên thiếu ngọn lửa đam mê trong quá trình giảng dạy mà cần phải xem lại hậu quả của việc phân ban để trả lời câu hỏi: Có nên tiếp tục phân ban trong trường phổ thông?
Theo Đào Tấn Trực
(NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)