Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khoảng trống bất an ở trường học: Bài cuối: Đừng biến học sinh thành “gà công nghiệp”

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh đón con tại Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 chiều 28-3

Có thể nói, những vụ tai nạn xảy ra trong khu vực trường học thời gian qua có một phần lỗi là ở học sinh. Nhưng lỗi chính vẫn là của người lớn – cha mẹ và thầy cô giáo. Người lớn thay vì trang bị cho con trẻ những kỹ năng để ứng phó với các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra thì chỉ biết “ôm” khư khư các em.
Bi kịch “gà công nghiệp”
Hiện nay, nhiều phụ huynh cưng con như trứng mỏng, lúc nào cũng “ôm chặt”, không để cho trẻ có điều kiện tự tìm hiểu những diễn biến đang xảy ra xung quanh. Ngay cả chuyện đi học cũng vậy, mặc dù con đã lớn nhưng vẫn muốn giao tận tay thầy, cô giáo mới an tâm. Còn ở trường, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để an toàn tuyệt đối, các trường đành chọn giải pháp “nhốt” học sinh trong giờ học.
Thầy Nguyễn Đức Dũng – Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7 thừa nhận: “Học sinh đang được nuôi theo kiểu công nghiệp. Ở nhà bị cha mẹ “nhốt”, đi đâu cũng phải có người lớn đi cùng. Khi tới trường, các em tiếp tục bị “nhốt”. Vì cha mẹ và thầy, cô giáo “ôm” các em quá nên khi người lớn “buông tay ra” là các em “bật ngửa”…”.
Cụ thể như vụ bắt cóc học sinh M.T (Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Gò Vấp) sáng 2-4-2013. Vì không được trang bị kỹ năng sống nên khi nghe người thanh niên lạ mặt rủ lên xe đi lấy sữa, bánh là em đi theo. Cũng may nhà em nghèo – mẹ bán tạp hóa, ba sửa xe nên kẻ bắt cóc mới thả M.T xuống gần chợ An Đông, Q.12, nếu nhà em giàu thì chưa biết hậu quả sẽ như thế nào…
Và gần đây nhất là vụ học sinh L.V.Đ (Trung tâm GDTX Q.6, ngụ tại Q.Bình Tân) bị bạn học cùng Trường Dạy nghề VTC ở Q.Tân Bình là Nguyễn Kim An giết hại để thực hiện hành vi tống tiền 500 triệu đồng đối với gia đình em. Tối 25-2, V.Đ đi chơi cùng An và được mời một ly cà phê, một ly kem, ăn kem xong V.Đ có cảm giác rất đắng, người nôn nao. Đúng lúc đó thì gia đình gọi điện nên V.Đ về và thoát chết. Tối hôm sau (ngày 26-2), An điện thoại gọi V.Đ đến phòng trọ của mình để trao đổi lịch học. Tại đây, An lấy 6 viên thuốc an thần hòa vào chai nuớc trà xanh không độ cho V.Đ uống. Sau khi uống, V.Đ bị sốc thuốc, giãy giụa nên An đè V.Đ xuống khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, hung thủ bỏ nạn nhân vào 2 bao xác rắn, đưa lên xe gắn máy chở đến cầu Phú Mỹ rồi vứt xuống sông Sài Gòn. Nếu V.Đ biết chọn bạn mà chơi, biết nghi ngờ trước những biểu hiện không tốt của An thì em đã không phải chết đau đớn như vậy.
Và đây là một phần bi kịch của việc nuôi dưỡng thế hệ trẻ theo kiểu công nghiệp…
Hãy trao cho học sinh “cái khiên”
“Cha mẹ và thầy cô giáo không thể lúc nào cũng theo sát để bảo vệ học sinh nên người lớn hãy dạy cho trẻ cách tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”, thầy Trần Ái Việt – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh.
Điều đó có nghĩa, học sinh cần được gia đình và nhà trường trao cho “cái khiên” để các em tự chống đỡ lại những nguy hiểm có thể xảy ra xung quanh mình. Và việc này phải được thực hiện ngay từ khi trẻ học mầm non.
Cô Vũ Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 cho biết: “Nếu người lạ (không phải người thường xuyên đưa đón trẻ đi học) đến trường đón trẻ, ngoài việc phụ huynh phải giới thiệu trước với giáo viên thì cô giáo còn phải hỏi trẻ về người này. Chẳng hạn hỏi trẻ là: “Cô, chú đây là gì của con?”. Và khi thấy an toàn thì giáo viên mới giao trẻ cho người này”.
Muốn vậy, phụ huynh và giáo viên phải dạy trẻ không nên đi theo người lạ. Còn ở tiểu học, khi phụ huynh không còn được lên tận lớp để đón con mà học sinh phải tập trung dưới sân trường, thậm chí nhiều trường còn để học sinh ra khỏi cổng thì phụ huynh và giáo viên lại càng phải chú ý đến an toàn cho trẻ. “Thực tế xã hội luôn tồn tại những cám dỗ, tệ nạn và hiểm nguy có thể gây tổn hại cho học sinh bất kì lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Vì thế, việc trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng nhằm xoay chuyển vấn đề khi gặp khó khăn, giải quyết những nguy hiểm bằng tư duy của bản thân là việc làm vô cùng cần thiết. Vì vậy, ngày 20-3 vừa qua, trường đã mời tiến sĩ tâm lí Võ Văn Nam – giảng viên ĐHSP TP.HCM tới nói chuyện chuyên đề nhằm giúp học sinh có kỹ năng phát hiện nguy hiểm và tự bảo vệ bản thân”, cô Phan Thị Thúy Trang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp cho biết.
Cuối tuần qua, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7 cũng đã mời Công an P.Tân Kiểng, Q.7 tới nói chuyện với các em học sinh về tình hình an ninh – trật tự trên địa bàn. Trong đó nhấn mạnh những loại tội phạm có liên quan đến lứa tuổi học sinh. Đồng thời cũng nêu ra cách xử lý để nếu chẳng may gặp phải những tình huống như vậy thì học sinh biết cách tránh.
Ngoài ra, “Hàng tuần, thầy, cô giáo đều đưa ra những tình huống mà học sinh có thể gặp phải như: Có người lạ tới gặp em và nói: “Mẹ cháu bị tai nạn, bây giờ cô, chú phải đưa cháu tới bệnh viện gặp mẹ”, kẻ gian tạo ra những tình huống va chạm nhỏ để trấn lột. Sau đó hỏi các em xử lý như thế nào với những tình huống như vậy. Cuối cùng thầy cô giáo sẽ nêu ra những cách giải quyết hợp lý nhất. Chẳng hạn với trường hợp mẹ bị tai nạn thì không nên lên xe của người lạ mà phải chạy vào nhà người dân gần nhất và gọi điện về nhà hỏi thăm. Trường hợp tạo ra va chạm cũng vậy, trước tiên phải chạy vào nhà dân hay cơ quan, công sở gần nhất và nhờ người lớn giúp đỡ… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường khuyên phụ huynh hãy để học sinh được trải nghiệm thực tế bằng cách thả cho các em bắt xe buýt đi Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức rồi sau đó quay trở về bằng xe buýt. Chúng ta không thể bảo học sinh không được đi chơi, chúng ta cũng không thể đi cùng các em mãi mãi vì vậy cần phải trang bị kỹ năng phòng chống nguy hiểm cho các em”, thầy Việt – Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)