Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khoảng trống khách sạn ba sao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thống kê của các công ty du lịch, có đến 60 – 75% khách du lịch trong nước chọn khách sạn ba sao. Khách quốc tế đến Việt Nam, 50 – 55% chọn khách sạn bốn sao, 30% chọn khách sạn năm sao cho mục đích nghỉ dưỡng, nhưng khi du lịch khám phá, họ cũng chọn tiêu chuẩn cao nhất là khách sạn ba sao.

Với khách lẻ Việt Nam đi các tour trong nước, công ty du lịch Hoà Bình cho biết khách sạn ba sao được lựa chọn lên đến 70 – 80% lượng khách, tỷ lệ này ở công ty Vietravel, TST Tourist là 60%, Saigontourist khoảng 50%, Du lịch Việt là 65%, Du lịch Thanh niên xung phong (VYC), Lửa Việt là 75%…

Resort Hải Âu (ba sao) ở Mũi Né. Ảnh: TL

Nhu cầu tiện nghi vừa đủ
Nhận định về sự lựa chọn này, các công ty du lịch phân tích, cho dù kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, người Việt Nam có nhu cầu du lịch vẫn rất nhiều, nhưng phần lớn du khách chú trọng tour có bao nhiêu điểm tham quan, phục vụ ăn uống thế nào, còn nghỉ ngơi chỉ cần khách sạn hai, ba sao, tiện nghi vừa đủ, miễn là sạch sẽ.
Trong cùng một chương trình tham quan với tiêu chuẩn ăn uống như nhau, nếu chọn khách sạn bốn, năm sao, bình quân tiền thuê phòng chiếm 45 – 50% chi phí tour, trong khi chọn khách sạn ba sao thì tiền phòng chiếm 30%, còn chọn khách sạn hai sao thì tiền phòng khoảng 20%.
Giải thích thêm về sự chọn lựa khách sạn ba sao của khách, bà Hoàng Lệ Quyên, phó giám đốc du lịch Hoà Bình nhận xét mấy năm gần đây, các nhà đầu tư đã chú ý trang bị phòng khách sạn ba sao tốt tương đương khách sạn bốn sao để thu hút khách như có bồn tắm đứng, két giữ tiền, wifi tận phòng miễn phí; trong khuôn viên khách sạn còn có hồ bơi miễn phí, khu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khu giải trí, nhà hàng… Nếu chỉ chi thêm khoảng 100.000 – 150.000 đồng/ngày/người (phòng tiêu chuẩn) mà tiện nghi đầy đủ và có thêm bữa ăn sáng thì khách sạn ba sao vẫn hay hơn khách sạn hai sao.
Khách quốc tế vào Việt Nam cũng chọn khách sạn ba sao đã khiến công suất thuê phòng giữa khách sạn bốn sao và ba sao cũng thay đổi. Sáu tháng đầu năm 2011, ở TP.HCM, các khách sạn bốn sao đạt công suất cho thuê 80%, khách sạn ba sao chỉ đạt trên 60%; sang quý 3, công suất phòng khách sạn bốn sao chỉ còn khoảng 65 – 68%, trong khi khách sạn ba sao vọt lên trên 70%.
Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, trưởng phòng tiếp thị công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, chọn tiêu chuẩn ba sao, khách không so sánh sự sang trọng với khách sạn bốn, năm sao nhưng rất chú ý tiêu chí “sạch, xanh, an toàn”.
Chưa đủ lượng cung
Theo ông Robert McIntosh, giám đốc điều hành CBRE Hotels châu Á – Thái Bình Dương, tiềm năng đầu tư khách sạn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam còn khá cao, đặc biệt cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự tăng trưởng dài hạn thì phân khúc khách sạn, khu nghỉ dưỡng ba sao là điều nên nghĩ tới vì vốn đầu tư xây dựng thấp, dễ kinh doanh và lợi nhuận cao hơn.
Tập đoàn Accor đã nhảy vào phân khúc khách sạn ba sao, khi năm 2012 sẽ chính thức quản lý hai khách sạn thương hiệu ibis tại TP.HCM – ibis Saigon và ibis Saigon South, mở đầu cho hệ thống khách sạn bình dân tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Trong lúc đó, nhiều địa phương chưa nhận ra được cơ hội này. Ninh Bình, Bình Định, Sóc Trăng chuẩn bị khá công phu cho những buổi giới thiệu thắng cảnh, di sản thiên nhiên, văn hoá, thiết kế những tour mẫu đến hai, ba, thậm chí bốn ngày, hy vọng khách lưu trú nhiều ngày tại địa phương để tăng chi tiêu. Thế nhưng, ở Bình Định chỉ có một khách sạn ba sao, ba khách sạn hai sao, và bốn khách sạn/resort bốn sao. Ninh Bình chỉ có một khách sạn bốn sao, mười khách sạn hai sao. Sóc Trăng quảng bá tích cực cho festival lúa gạo và lễ hội Oóc-om-boc, nhưng chỉ có một khách sạn ba sao và bảy khách sạn hai sao thì khó thể nói đến chuyện giữ khách nhiều ngày.
Ông Nguyễn Tuấn Quyền, giám đốc công ty VYC cho biết, mỗi năm đều phải kiểm tra lại chất lượng phòng khách sạn của đối tác, nhận thấy khách sạn ba sao ở TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Mũi Né có chất lượng trang bị đồng đều và phục vụ tốt. Nhiều đơn vị lữ hành có chung nhận xét ở Hà Nội, du khách ngày càng tỏ ra e ngại khách sạn ba sao vì giá thuê phòng cao, khách sạn lâu năm xuống cấp không được chú ý sửa sang, thái độ phục vụ coi thường khách. Ở Nha Trang, Vũng Tàu tình trạng nâng giá vô tội vạ của nhiều khách sạn ba sao vào những dịp lễ, tết đi đôi với phục vụ bữa ăn sáng xuề xoà khiến khách chẳng thà chọn nhà nghỉ nếu như không có khả năng chi thêm để nghỉ khách sạn bốn sao. Về miền Tây, ngoài số ít khách sạn ba sao được đầu tư tốt như Ngọc Thu (Sóc Trăng), Ninh Kiều, Đông Phương (Cần Thơ), Ánh Nguyệt, Dest CM (Cà Mau), Châu Phố (An Giang)…, nhiều khách sạn ba sao chỉ đáp ứng được tầm hai sao ở khu vực khác.

Các Ngọc / SGTT
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)