Hướng nghiệp - Tuyển sinh

Khoảng trống trong đào tạo y khoa

Tạp Chí Giáo Dục

Khoảng trống giữa đào tạo lâm sàng và lý thuyết trong giáo dục y học đang đặt ra những đòi hỏi cấp bách cho khối trường đào tạo y dược trong bối cảnh kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề do Luật Khám chữa bệnh quy định sẽ triển khai từ năm 2027.

Khoảng trống giữa đào tạo lâm sàng và lý thuyết trong giáo dục y học đang đặt ra những đòi hỏi cấp bách cho khối trường đào tạo y dược trong bối cảnh kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề do Luật Khám chữa bệnh quy định sẽ triển khai từ năm 2027.
Khoảng trống trong đào tạo y khoa ảnh 1
Sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội trong lễ tốt nghiệp 2023. Ảnh: Trung tâm truyên thông Trường ĐH Y Hà Nội

Nhóm nghiên cứu của ThS Cao Thị Ngọc Bích, Trung tâm Kỹ năng và Sáng tạo Mô phỏng Lâm sàn, Trường Đại học (ĐH) Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã khảo sát kiến thức về quy trình đo huyết áp (HA) chính xác của bác sĩ thực hành 18 tháng tốt nghiệp tại trường ĐH này. Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 10/2022, trên đối tượng là 43 bác sĩ thực hành 18 tháng, tốt nghiệp từ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Kết quả đánh giá nhìn chung, kiến thức về quy trình đo HA chính xác ở nhóm bác sĩ thực hành 18 tháng không cao. Bác sĩ vẫn chưa có đủ kiến thức về quy trình đo HA chính xác.

Trong nghiên cứu này, 2,3% – 25,6% bác sĩ không biết ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến trị số HA. Một tỷ lệ lớn bác sĩ (trên 46%) trả lời sai câu hỏi cần cho bệnh nhân nghỉ bao nhiêu phút trước khi đo HA. Điều này đã phản ánh đúng thực tiễn đo HA tại phần lớn các bệnh viện đa khoa của Việt Nam, là chỉ sử dụng một kích cỡ túi hơi cho tất cả bệnh nhân người lớn. Chỉ 65% trả lời đúng câu hỏi về lựa chọn máy đo HA phù hợp nhất khi bệnh nhân có loạn nhịp tim hoàn toàn.

Liên quan đến các câu hỏi về kỹ thuật đo HA, gần 50% không biết cần phải ước lượng trước HA tâm thu bằng sờ mạch cánh tay, có thể là hậu quả của việc thiếu kiến thức về khoảng trống HA. Thật vậy, với câu hỏi về khoảng trống HA, 42% bác sĩ trả lời sai.

Thiếu kiến thức về khoảng trống HA là vấn đề cần đặc biệt quan tâm vì bằng chứng cho thấy, khoảng trống HA liên quan đến xơ vữa động mạch cảnh và tăng độ cứng thành động mạch ở bệnh nhân tăng HA. Đặc biệt, hơn 30% bác sĩ không tự tin hoặc chưa rõ kiến thức về quy trình đo HA chính xác.

“Vấn đề này cần được giải quyết sớm, có thể thông qua huấn luyện và cho phản hồi bởi vì đây là đối tượng đã tốt nghiệp, chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ làm việc độc lập trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, trực tiếp chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân”, nhóm nghiên cứu khẳng định. Đồng thời kết luận khảo sát này cho thấy, còn khoảng trống lớn kiến thức về quy trình đo HA đúng ở bác sĩ thực hành 18 tháng tốt nghiệp từ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Do đó, cần xem xét điều chỉnh lại cách giảng dạy kỹ năng đo HA cho sinh viên của trường để hiệu quả hơn. Ngoài ra, nên xem xét đổi mới hình thức lượng giá sinh viên (đánh giá trình độ người học trong đào tạo y khoa), cùng với việc đào tạo lại cho giảng viên dựa theo khuyến cáo của các Hội tim mạch toàn cầu hoặc Hội tim mạch quốc gia, đồng thời bổ sung các buổi huấn luyện và lượng giá lại mỗi hai năm một lần cho sinh viên là cần thiết để đảm bảo đo HA đúng kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Hơn nữa, hy vọng rằng kết quả từ khảo sát này có thể giúp cải thiện chất lượng đào tạo nhân viên khối ngành sức khỏe tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Một nghiên cứu khác của nhóm giảng viên, bác sĩ Trường ĐH Y Hà Nội đã được thực hiện trên đối tượng sinh viên hệ bác sĩ Y khoa, khóa 2020 – 2026 (493 sinh viên), đề tài Phát hiện khoảng trống trong kỹ năng Y khoa qua kỳ thi đánh giá kỹ năng y khoa. Kết quả cho môn Kỹ năng y khoa I có 11/26 kỹ năng có sinh viên không đạt.

Với môn Kỹ năng y khoa II có 4/25 kỹ năng có sinh viên không đạt. Tỷ lệ sinh viên không đạt ở các nhóm kỹ năng là kỹ năng giao tiếp là 0,2%, kỹ năng thăm khám là 0,4%, kỹ năng thực hành thủ thuật là 0.,2%, kỹ năng phiên giải kết quả có tỷ lệ không đạt cao nhất là 2,8%.

Qua hai khảo sát trên có thể thấy trong y khoa vẫn còn những khoảng trống ở đào tạo lâm sàng và lí thuyết.

Đổi mới đào tạo lý thuyết và lâm sàng

Hội Giáo dục Y học vừa tổ chức Hội nghị giáo dục y khoa toàn quốc năm 2023 có chủ đề “Lượng giá trong giáo dục y học dựa trên năng lực: Thách thức – giải pháp” . Tại đây, GS.TS Lê Quang Cường, Chủ tịch Hội Giáo dục Y học Việt Nam cho hay nội dung quan trọng đang được quan tâm đó là lượng giá trong giáo dục y học.

GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết với chương trình đào tạo y khoa đổi mới, tất cả nội dung của các mô đun, các môn học đều được xây dựng dựa trên chuẩn năng lực, và mục tiêu học tập cụ thể, rõ ràng.

Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh, Việt Nam sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực phục vụ việc cấp phép hành nghề cho bác sĩ từ năm 2027.

Cấu trúc chương trình mới đảm bảo được tính tích hợp theo chiều ngang giữa các mô đun và môn học trong cùng một năm và tích hợp theo chiều dọc giữa các năm học với nhau. Điều này giúp sinh viên rèn luyện khả năng tư duy tích hợp để có thể giải quyết các vấn đề thực tế trên lâm sàng.

Thực hành lâm sàng sớm và bao gồm thực hành tại bệnh viện và cơ sở y tế cộng đồng cho phép sinh viên có những trải nghiệm đa dạng, phong phú, tiếp cận với chăm sóc ban đầu tại cộng đồng và hệ thống y tế cơ sở.

Các học phần tự chọn cho phép sinh viên theo đuổi những sở thích và đam mê riêng, và chuẩn bị cho sự lựa chọn chuyên ngành trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết trường ĐH đã có những sáng kiến, triển khai theo mô hình của các nước tiên tiến trong việc dạy và học, kiểm tra, đánh giá năng lực. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các ý kiến thảo luận giúp Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế hoàn thiện, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.

Trên cơ sở này, các trường sẽ triển khai nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo để đáp ứng quy hoạch tổng thể quốc gia với yêu cầu 19 bác sĩ/1 vạn dân vào năm 2030.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)