Khoảng trống trong giáo dục đạo lý cho HS
Nhiều học sinh (HS) tỏ ra am hiểu về đạo lý dân tộc, lên án tố cáo những hiện tượng xấu và ngợi ca tấm gương tốt nhưng lại cư xử với bạn bè thầy cô chưa đúng mực…
Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, một bộ phận HS hiện nay thích ứng nhanh với những trào lưu mới của thế giới nhưng mơ hồ về đạo lý dân tộc, ngay cả những đạo lý cơ bản nhất. Trong ảnh: Giờ học môn sử tại một trường THPT ở TP.HCM. Ảnh: A.Khôi
Trên thực tế, có tới 57% HS tự đánh giá là còn thiếu hiểu biết về lịch sử, truyền thống đạo lý dân tộc; 42% thiếu tôn trọng và hay nói xấu thầy cô giáo. Bên cạnh đó, các em còn thường xuyên nói dối, lười giúp đỡ cha mẹ, sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất, thiếu nhân ái và sống vô cảm… Đây là kết quả khảo sát của PGS.TS Ngô Minh Oanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – thực hiện trên 20 trường THPT ở 12 quận, huyện TP.HCM trong đó có 12 trường công lập và 8 trường ngoài công lập. Kết quả này được công bố tại hội thảo “Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho HS THPT TP.HCM” vừa được Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức.
Không dám nêu chính kiến
Đề thi yêu cầu trình bày cảm nhận cá nhân nhưng một lớp 40 HS đều viết giống nhau. Tại sao các em được trao cơ hội trình bày ý kiến, cảm nhận của bản thân nhưng lại e ngại không dám bộc lộ, chỉ lặp lại những điều giáo viên đã giảng?
TS. Dương Thị Hồng Hiếu – Trưởng bộ môn phương pháp dạy học ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – đặt ra vấn đề này và nhấn mạnh nhiều giáo viên hiện lúng túng không biết dạy cách nào để HS vận dụng được nội dung liên quan đến đạo lý dân tộc, ý thức công dân vào thực tiễn cuộc sống. Phương pháp dạy lại đơn điệu, nhàm chán, chủ yếu gói gọn trong phòng học với phấn trắng bảng đen. Thay vì chỉ cho HS nghe và ghi chép như trước, hiện giáo viên đã tổ chức thảo luận nhưng lại hướng HS trao đổi theo ý người dạy. Ít nội dung để HS được thể hiện chính kiến và nếu có thì các em cũng ngần ngại vì nếu nói những vấn đề không trúng ý giáo viên thì giáo viên không hài lòng, thậm chí la mắng hay diễu cợt các em trước lớp. Đó là lý do HS không bày tỏ thật suy nghĩ của mình, thường lựa ý giáo viên để nói.
Thậm chí, có giáo viên nghĩ HS khó hiểu được những nội dung đạo lý dân tộc và ý thức công dân nên tự đưa ra các lý giải và áp HS theo. Việc phát đề cương môn học (hệ thống đầy đủ ý, thậm chí có khi còn diễn giải thành đoạn văn hoàn chỉnh để HS học thuộc) hiện rất phổ biến tại nhiều trường phổ thông. Khi làm bài, HS thường viết giống ý thầy cô để đạt điểm cao. “Lâu dần, HS thường không dám, không thể và không muốn bộc lộ ý kiến của mình. Những phát biểu của các em về đạo lý dân tộc, quan niệm sống, cách hành xử phần lớn theo sách và theo thầy cô chứ chưa xuất phát từ đáy lòng. Điều này đã dẫn đến chai lì cảm xúc. Chính giáo viên cũng không biết suy nghĩ thật của HS. Nhiều em tỏ ra am hiểu về đạo lý dân tộc, lên án tố cáo những hiện tượng xấu và ngợi ca tấm gương tốt nhưng lại cư xử giống như chính những gì các em… phê phán” – TS. Hiếu nói.
Nhiều đại biểu cùng cho rằng, việc giáo dục đạo lý dân tộc, ý thức công dân cho học sinh cần thông qua những hoạt động gần gũi, thiết thực.
Chính vì vậy, theo TS. Hiếu, cần đổi mới cách kiểm tra đánh giá trong giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho HS bởi đạo đức và ý thức cần được thấm nhuần và thể hiện qua hành động, cách sống, cách cư xử chứ không phải qua những bài kiểm tra viết.
Không dạy suông mà phải sát thực tế
PGS.TS Ngô Minh Oanh nhìn nhận, một bộ phận HS hiện nay thích ứng nhanh với những trào lưu mới của thế giới nhưng mơ hồ về đạo lý dân tộc, ngay cả những đạo lý cơ bản nhất. Nguyên nhân do giáo dục gia đình, môi trường sống của xã hội, giáo dục về đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho HS trong nhà trường còn nhiều bất cập. Sự bất cập này thể hiện ở nội dung chương trình, phương pháp giáo dục và sự kết hợp giữa các môn văn, sử, giáo dục công dân… |
Ông Đỗ Công Đoán – Trường Trung học Thực hành, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – nêu thực tế: Đầu vào lẫn ra của trường đều cao, phần lớn HS khá, giỏi và hạnh kiểm tốt nhưng ý thức chưa cao. Có hiện tượng HS nói tục, xả rác thậm chí không chào mỗi khi gặp giáo viên, ban giám hiệu. Theo ông Đoán, giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho HS cần những hoạt động thực tế gần gũi, chạm được cảm xúc của các em. Đồng thời, chính giáo viên phải là người làm gương.
Cùng quan điểm này, bà Dương Thị Trúc Bạch – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – cho rằng: Dạy HS về đạo lý dân tộc và ý thức công dân nên bắt đầu từ những điều rất nhỏ, gần gũi. Thực tế, tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, HS ngay từ khi vào trường đã được dạy về truyền thống trường thông qua việc yêu bộ đồng phục, và từ yêu mái trường, mới dạy đến yêu quê hương đất nước. Để dạy các em thượng tôn pháp luật, trường cũng bắt đầu từ việc giáo dục HS nề nếp, tôn trọng kỷ luật của trường như: Chào thầy cô giáo, nhường đường cho người lớn tuổi, không vứt rác bừa bãi… Cũng theo bà Bạch, người lao công trong trường được HS quý trọng, yêu mến hơn sau khi các em thấy được những hình ảnh lao động nhọc nhằn của họ. Từ đó, nhiều em đã ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp hơn.
Thay đổi cách kiểm tra đánh giá trong giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho HS cũng được TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – tiếp tục nhấn mạnh. Theo ông Minh, không chỉ đánh giá đạo đức qua thi hay kiểm tra mà trong suốt quá trình học tập, rèn luyện của cuộc sống. Trong đó, chú trọng giáo dục HS về tính trung thực, kỹ năng tự đánh giá mình bằng những bài học, yêu cầu cụ thể chứ không chỉ qua những lời động viên giản đơn, thiếu tác dụng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)