Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khoảng trống trong mảng sách thiếu nhi và thanh thiếu niên

Tạp Chí Giáo Dục

Văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên là một phân khúc quan trọng của thị trường sách Việt Nam. Thế nhưng thực tế cho thấy, số lượng tác giả – tác phẩm trong nước vẫn còn rất ít.

Những tín hiệu đáng mừng 

Với sự phát triển của văn hóa đọc, cũng như sự hình thành nhiều cộng đồng đọc sách, sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên ngày càng chiếm được tỷ trọng lớn. Từ năm 2014, khi Chính phủ ấn định ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào tháng Tư hằng năm, bức tranh văn học thiếu nhi cũng phong phú và chất lượng hơn. 

Mảng văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên hiện vẫn chủ yếu là các tác phẩm của  những tên tuổi quen thuộc, thiếu vắng  các tác giả mới, trẻ - ẢNH: T.P.

Mảng văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên hiện vẫn chủ yếu là các tác phẩm của những tên tuổi quen thuộc, thiếu vắng các tác giả mới, trẻ 

Bà Trần Lê Thùy Linh – Trưởng phòng Thiếu nhi của Công ty sách Nhã Nam – cho biết kể từ giai đoạn 2010, thị trường sách thiếu nhi đang rất phát triển, số lượng đầu sách có sự “bùng nổ” rất đáng ghi nhận. Đơn cử ở Nhã Nam, giai đoạn 2005-2010 chỉ có khoảng hơn 100 tựa sách thiếu nhi được ra mắt. Thế nhưng từ 2010-2020, con số đó lên đến 900, chiếm khoảng 36% tổng số đầu sách hiện có trên thị trường của đơn vị này.

Ông Nguyễn Thành Nam – Phó Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản (NXB) Trẻ – cho biết tỷ trọng của mảng sách thiếu nhi và thanh thiếu niên vẫn đang chiếm khoảng 40% doanh số của NXB Trẻ. Thực tế cho thấy, với một cơ cấu dân số trẻ và điều kiện kinh tế ngày càng cải thiện, văn chương dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, cách tiếp cận độc giả cũng như công tác quảng bá rất cần được quan tâm. 

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên – Phó Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Kim Đồng – cho rằng sự phát triển của nhiều hội nhóm đọc sách trên mạng xã hội, cũng như các kênh đối tác của riêng tác giả… là một đóng góp quan trọng, giúp đem sách thiếu nhi đến với đa dạng đối tượng. Bên cạnh đó, việc ngày càng có nhiều giải thưởng cho mảng sách này như các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Dế Mèn… tổ chức hằng năm, cũng là một niềm khích lệ đối với dòng sách đang còn tồn tại rất nhiều khó khăn.

Khoảng trống không nhỏ 

Tuy có nhiều tín hiệu đáng mừng, nhưng theo bà Thùy Linh, điều đáng lo là hiện nay sách dịch vẫn đang vượt trội so với tác phẩm trong nước. Truyện tranh manga Nhật Bản vẫn đang dẫn đầu về số lượng, tiếp theo là các tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của thế giới. Theo bà, những tác phẩm như Totto-chan bên cửa sổ (Nhật), series Nhóc Nicolas (Pháp), Pippi tất dài (Thụy Điển)… đã đi vào lòng rất nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, và được tái bản liên tục trong thời gian qua. Phần lớn sách bán chạy của Nhã Nam cũng là sách thiếu nhi, có thể kể đến như Chuyện con mèo dạy hải âu bay, hay Cây cam ngọt của tôi… Các câu chuyện hiện thực, nhân hóa con vật, xoay quanh đời sống – sinh hoạt hằng ngày… vẫn được các tác giả Việt ưu tiên khai thác. Còn các tác phẩm giả tưởng, hiện thực kỳ ảo hay phiêu lưu huyền ảo… dường như vẫn còn vắng bóng. 

Chuyện xứ LangBiang tác phẩm kỳ ảo

Chuyện xứ LangBiang, tác phẩm hiếm hoi có sức sống lâu dài

Có thể thấy những dòng sách này có phần phù hợp với lứa độc giả là thanh – thiếu niên hơn các em nhỏ. Và muốn thành công, thì vẫn cần nhiều chiến lược marketing, chẳng hạn như ra mắt đồng thời với các bộ phim chuyển thể. Điều này đã được chứng minh qua các bộ sách Đấu trường sinh tử, Mái ấm lạ kỳ của cô Peregrine hay Bóng tối và xương trắng… Dù các tác phẩm này đều nổi tiếng trên thế giới nhưng vẫn phải “lay lắt” rất lâu trước khi đạt hiệu ứng nhờ phim chuyển thể. Ông Nguyễn Thành Nam cho biết từ năm 2010 đến nay, văn học kỳ ảo sáng tác trong nước vẫn là một “trận địa trống”. Dường như chỉ có bộ truyện Chuyện xứ LangBiang của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là có sức sống lâu dài. NXB Trẻ tuy rất cố gắng xuất bản những bộ sách khác cùng đề tài như Ngũ quái Sài Gòn, Hiệp sĩ Z Men… của tác giả Việt, nhưng nhìn chung là thất bại. Trong khi văn học kỳ ảo nước ngoài vẫn bán rất chạy, như các series Harry Potter, Pendragon

Bà Thùy Linh cho biết thị trường hiện đang thiếu rất nhiều tác giả trẻ, tác phẩm mang đậm bản sắc Việt Nam. Các tác phẩm nổi bật trong nước vẫn quanh quẩn các tên tuổi có phần quen thuộc từ thế hệ trước. Thời gian gần đây cũng xuất hiện thêm những tác giả mới như Bình Ca, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy… Tuy thế, đây vẫn là hồi ức do người lớn kể lại, chứ không hẳn là dành riêng cho thế hệ trẻ em. Hiện nay với khả năng nắm bắt nhanh các xu thế mới, các cây bút 9X đang có rất nhiều tìm tòi trong các đề tài khoa học – viễn tưởng, họ thậm chí còn viết bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, phần nhiều vẫn còn xem sáng tác như một niềm vui, chưa xác định con đường sáng tạo một cách rõ ràng, lâu dài.

Có thể thấy, tuy có nhiều sự phát triển trong việc phát hành cũng như lan rộng nền văn hóa đọc, nhưng sự thiếu vắng các cây bút trẻ, đa dạng đề tài trong sáng tác văn học thiếu nhi vẫn là điểm yếu đang tồn tại. Hy vọng với sự đồng hành, hỗ trợ, khích lệ không ngừng từ các NXB cũng như các công ty sách, văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên Việt Nam sẽ có những bước tiến mới trong tương lai. 

Theo Thuận Phát/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)