Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khóc cười chuyện góp tiền xây phòng trọ

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngôi nhà trọ tạm bợ thế này do chủ đất và người thuê góp vốn dựng nên. Ảnh: T.A

Nhiều người có đất nhưng không đủ điều kiện xây phòng cho thuê. Giải pháp tốt nhất để đất của họ “đẻ” ra tiền là kêu gọi người thuê góp vốn dựng nhà. Xem ra, cách làm này cũng hay, lợi cả đôi đường, nhưng…
Lợi thì có lợi
Còn khoảng hơn 200m2 đất nhưng ông Ba Hào (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM) không muốn bán vì chờ lên giá. Định xây phòng cho thuê nhưng lại không đủ tiền, thế là ông Hào tìm công nhân để góp vốn dựng nhà. Đem chuyện nói với đứa cháu đang làm việc ở Khu chế xuất Tân Thuận, hai ngày sau có công nhân đến đặt vấn đề hợp tác. Tùy theo điều kiện của người thuê mà tỉ lệ góp vốn có thể 5-5; 7-3 hoặc 6-4. Theo đó, hàng tháng người thuê sẽ không trả tiền nhà mà khấu trừ vào khoản đã bỏ ra cho chủ đất. Thường hợp đồng thuê nhà kéo dài nhiều năm, tương ứng với số tiền mà người góp vốn đã bỏ ra. “Kinh phí xây dựng mỗi phòng trọ (từ 12-15m2) khoảng từ 40-42 triệu đồng. Tôi chỉ hợp tác với những người thuê do người quen, có uy tín giới thiệu đến. Hầu hết là công nhân đã lập gia đình, có công việc làm ổn định ở các nhà máy, xí nghiệp”, ông Ba Hào nói.
Anh Nguyễn Văn Hậu, quản đốc một phân xưởng bao bì không ngần ngại góp 20 triệu đồng để xây một căn phòng trọ tươm tất nằm ở rẻo đất sau vườn ông Ba Hào. Anh Hậu tính toán: “Nếu cầm 20 triệu đồng đi gửi ngân hàng thì một năm không được bao nhiêu lãi mà hàng tháng phải trả tiền nhà gần 2 triệu đồng. Góp vốn kiểu này cũng giống như mình đưa trước tiền nhà cho chủ, hàng tháng không phải lo nghĩ nhiều”. “Có khi nào bị “lật kèo” không?”, tôi hỏi. “Có hợp đồng, chữ ký xác nhận của chính quyền địa phương thì làm sao mất được”, anh Hậu trả lời chắc nịch. Khuôn viên đất của ông Ba Hào còn có hai hộ gia đình cũng góp vốn xây phòng trọ như thế. Nhiều người có kiểu làm ăn như ông Hào nhưng họ chỉ dựng nên những ngôi nhà lá đơn sơ. Bởi theo họ, dựng nhà kiểu ấy không nặng vốn, tạo điều kiện cho người thuê có thể ở phòng trọ giá rẻ.
Nhưng…
Anh Hậu chia sẻ: “Mình cũng bỏ tiền ra xây phòng nhưng lại lệ thuộc chủ nhà đủ thứ chuyện. Từ chuyện đi đứng, sinh hoạt, giờ giấc… đều phải chịu sự ràng buộc cái gọi là “nội quy” khu trọ. Nhiều lúc muốn dọn đi nhưng nghĩ lại thấy tiếc tiền nên thôi”.
Còn anh Tấn Chung (công nhân Công ty Giày Hưng Phú, Q.8) than thở: “Cuối tuần anh em bạn bè đến chơi cũng không thoải mái. Mình bỏ tiền ra nhưng lại bị chủ nhà quản lý khắt khe mà đâu dám nói lời nào”. Sở dĩ người góp vốn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì sợ vi phạm những điều khoản trong hợp đồng, không khéo lại mất tiền như chơi. Đã có trường hợp chỉ ở chưa đến phân nửa thời gian theo hợp đồng phải cuốn gói ra đi vì dẫn bạn bè về rượu chè, gây mất trật tự trị an trong khu trọ. Ông Ba Hào cho biết: “Mọi điều khoản trong hợp đồng đã được thỏa thuận giữa hai bên, có chính quyền địa phương làm chứng, xác nhận. Một khi xảy ra rắc rối, địa phương đến làm việc, mình có can thiệp cũng không giải quyết được gì. Nhưng nói vậy không có nghĩa người thuê mất tiền, tôi đều trả số tiền còn lại. Nhà mình còn đó chứ có mất đâu. Người ta khổ mới đi thuê nhà. Tằn tiện bao năm mới có số tiền ấy, ai lại làm cái điều thất nhân ấy chứ”.
Dù đã hết hợp đồng góp vốn xây nhà trọ với ông Ba Hào nhưng anh Trần Quang Kiên (chuyền trưởng Công ty Juki, Khu chế xuất Tân Thuận) vẫn bịn rịn không muốn dọn đi. Giá như ông Hào không lấy lại phòng cho đứa cháu vợ ở thì anh sẽ tiếp tục thuê, dù tiền nhà có tăng. “Thuê lâu quá nên giờ mình coi nó cứ như là ngôi nhà của mình vậy”. Căn phòng trọ ấy do 4 người làm cùng công ty góp vốn cùng ông Hào xây dựng nên. Thời gian xây dựng phòng trọ này đã nảy sinh mâu thuẫn giữa anh em với nhau và cả chủ nhà nữa. Nguyên nhân là mỗi bên bỏ một nửa tiền nhưng toàn quyền quyết định lại là chủ đất. Từ việc mua nguyên vật liệu đến kiểu cách… người góp vốn không được can thiệp. Anh Kiên kể khổ: “Mỗi lần góp ý là chủ đất giận lẫy, trong khi cửa, gạch nền, thiết bị nhà vệ sinh… đều là hàng cũ bán với giá bèo”.
Tuy An – Lan Hương

 

Với đồng lương công nhân, lo cái ăn, chỗ trọ đã “đuối” nên ước mơ có một căn nhà được cho là quá viển vông. Rõ ràng, giải pháp góp vốn xây phòng trọ có lợi đôi đường. Tuy nhiên, ngoài cái lợi trước mắt, người thuê không thể lường trước được những phiền toái xảy ra sau này.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)