Mặc dù được coi là chất gây hại cho sức khỏe và tính mạng con người, nhưng tại một số khu vui chơi cũng như trên mạng xã hội, bóng cười và một số chất kích thích khác vẫn được rao bán, sử dụng công khai như một loại đồ chơi vô hại.
Bóng cười được rao bán công khai trên mạng |
Đã có không ít bạn trẻ phải nhập viện và thậm chí tử vong khi tham gia các trò chơi có sử dụng chất kích thích và cả bóng cười tại các quán bar, vũ trường, lễ hội âm nhạc tập thể.
Thế nhưng, tại một số điểm vui chơi ở TP.HCM, bóng cười đang được coi là món hàng bán thoải mái cho các bạn trẻ “trải nghiệm”. Nhiều người muốn sở hữu mấy chiếc bóng cười thì không cần phải đi xa mà ngồi ở nhà cũng có thể mua được vì loại hàng này đang được rao bán công khai trên mạng với các nick name như: Bóng cười Sài Gòn, Bóng cười 24/7, Ship bóng cười SG…
Trong vai người mua bóng cười để kinh doanh, chúng tôi được người bán quảng cáo các loại bóng cười có hương vị trái cây ngọt thơm với các loại bình khí có trọng lượng từ 3 đến 6kg. Theo lời người bán mỗi bình khí 6kg giá 1,3 triệu đồng có thể bơm được 55 bóng với lời hứa: “Nếu không bơm đủ số lượng đó thì sẽ được hoàn trả lại”. Người bán còn đưa ra chương trình khuyến mãi tặng kẹo ngủ và hoạt huyết dưỡng não “cắt cơn ghiền của bóng để có một giấc tuyệt vời”.
Theo BS.CK2 Huỳnh Thanh Hiển – Trưởng khoa T3 (BV Tâm thần
TP.HCM) chất khí được bơm vào quả bóng chính là khí cười N2O dùng để gây mê toàn thân trong y khoa. Thế nhưng hiện nay, “khí cười” được lạm dụng ra khỏi phạm vi y tế, nó được bán dưới hình thức một bình xịt. Người sử dụng sẽ bơm vào một bong bóng và thở ra hít vào trong cái bong bóng đó. “Nếu hít trực tiếp từ bình xịt thì có thể bị phỏng lạnh niêm nạc hầu họng và đường hô hấp. Việc sử dụng thường xuyên “khí cười” thì có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ và các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12. Ngoài ra, việc dùng quá liều N2O sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức hay co giật…” – bác sĩ Hiển nói.
PGS.TS Phạm Hồng Côn – Khoa Hóa (ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cảnh báo, khí cười tạo ra hưng phấn ảo, rất giống cảm giác phê ma túy, sử dụng nhiều có thể gây nghiện, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh. Tùy theo cơ địa, bóng cười khiến người dùng lờ đờ, ngơ ngơ, đi đứng loạng choạng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim, thiếu máu. Khi đã quen cảm giác “phê” ảo giác, người dùng rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn như ma túy, thuốc lắc. Thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển, thần kinh còn chưa ổn định nên lạm dụng loại khí cười này rất nguy hiểm. Đặc biệt, người mắc bệnh về tim mạch, hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp, hít N2O lâu có thể dẫn tới ngừng thở. Nhiều trường hợp bị ngộ độc khí N2O do hít bóng cười đã phải nhập viện trong thời gian dài. Với các biểu hiện rối loạn cảm giác, giảm vận động, tê bì chân tay, đi lại không vững, nhiều bệnh nhân sau đó bị tổn thương tủy sống, mất tủy, tổn thương hệ thần kinh do lạm dụng bóng cười mà sự kiện 7 người tử vong trong lễ hội âm nhạc tại Hà Nội là một minh chứng rõ ràng. “Không nên giải trí bằng bóng cười, giới trẻ cần sáng suốt khi chọn những thú chơi có ích để không ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân mình” – PGS. Côn đưa ra lời khuyên.
Nguyễn Phương Đăng
Bình luận (0)