Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Khối B: Điểm chuẩn chênh lệch nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

Có sự chênh lệch lớn giữa điểm chuẩn của ngành Y và các ngành khác cùng khối B trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2008. Nếu muốn trúng tuyển vào các trường Y, thí sinh phải có điểm mỗi môn từ 8 điểm trở lên, trong khi để thi đậu vào các ngành khác, thí sinh chỉ cần đạt điểm trung bình.

Sinh viên tình nguyện giữ điện thoại di động cho thí sinh dự thi. Ảnh Đ.T

Phải thật giỏi mới vào được trường Y
Nếu muốn có một “vé” vào các trường đại học Y Dược trên cả nước, thí sinh phải nắm chắc tổng điểm ba môn Toán, Hóa, Sinh phải từ 20 trở lên. Thậm chí, có không ít thí sinh đạt tổng điểm là 27 điểm đến 28 điểm, nhưng vẫn không có cửa vào đại học.
ĐH Y Hà Nội luôn dẫn đầu về mức điểm chuẩn cao. Năm 2008, ngành Bác sĩ Răng Hàm Mặt của trường có điểm chuẩn là 28,5 điểm, một mức mà nhiều chuyên gia cho rằng thực sự gây sốc. Các ngành khác của trường cũng có điểm chuẩn khá cao, trong đó ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Cử nhân Kỹ thuật Y học: 23 điểm.
Năm 2007, ĐH Y Hà Nội cũng ấn định điểm trúng tuyển khá cao. Ngành Bác sĩ đa khoa có điểm chuẩn cao nhất: 27,5 điểm. Điểm chuẩn thấp nhất là 22 điểm dành cho ngành Bác sĩ Y học dự phòng. Trước đó 1 năm (2006), điểm chuẩn của trường chưa đến mức làm nhiều thí sinh phải “né”. Mức cao nhất chỉ là 25,5 và thấp nhất là 20 điểm.
Sau ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP.HCM được xếp thứ 2 về mức điểm chuẩn cao. Năm 2008, ngành Bác sĩ đa khoa của trường lấy điểm chuẩn là 27 điểm. Các ngành khác của trường cũng có điểm chuẩn từ 20 trở lên. Điểm chuẩn của năm 2008 không chênh lệch nhiều so với năm 2007, nhưng lại cao hơn nhiều so với năm 2006, năm mà điểm chuẩn của một số ngành như Y tế công cộng, Hộ sinh chỉ ở mức 14,5 điểm đến 15,5 điểm.
Các trường đại học Y khác như Thái Nguyên, Đà Nẵng, Huế, Phạm Ngọc Thạch, Cần Thơ… cũng có mức điểm chuẩn khá cao trong năm 2008. Hầu hết các ngành đào tạo ĐH Y Thái Nguyên có điểm chuẩn trên 21 điểm. Ví dụ, ngành Bác sỹ đa khoa có điểm chuẩn là 24,5 điểm; Bác sĩ Răng Hàm Mặt: 24 điểm; và Điều dưỡng và Y tế dự phòng: 21,5 điểm.
Hai ngành Bác sĩ đa khoa và Dược sĩ đại học của ĐH Y Đà Nẵng cũng có điểm chuẩn lần lượt là 23 điểm và 23,5 điểm. Các ngành đào tạo của ĐH Y Huế cũng có mức điểm chuẩn từ 20 điểm trở lên, trong đó, ngành Bác sĩ đa khoa và Răng Hàm Mặt có điểm chuẩn là 25 điểm.
Không chỉ ở những ngành thuộc khối Y Dược mới có mức điểm chuẩn khiến nhiều thí sinh phải… khóc, mà một số ngành “thời thượng” của các trường đại học khác cũng có điểm chuẩn khá cao.
Ngành Sư phạm Sinh học của Khoa Sư phạm (ĐH QG Hà Nội) ấn định điểm chuẩn là 23 điểm, trong khi đó, cũng thi vào ngành này nhưng thí sinh thi khối A chỉ cần 18,5 điểm. Ở ĐH Tự Nhiên Hà Nội, các ngành tuyển sinh khối B cũng có mức điểm chuẩn khá cao, từ 22 đến 26 điểm. Cụ thể, ngành Khoa học môi trường có điểm chuẩn là 26 điểm; ngành Công nghệ sinh học: 25 điểm; Sinh học: 24 điểm và ngành Khoa học đất có điểm chuẩn 22 điểm.
Cũng không kém các trường ở phía Bắc, ĐH Tự nhiên TP.HCM có mức điểm trúng tuyển từ 20 trở lên. Ví dụ, ngành Công nghệ sinh học có điểm chuẩn là 25; ngành Môi trường: 24; Khoa học môi trường: 22…
Điều đáng lưu ý, hầu hết các ngành và các trường có điểm chuẩn cao như trên đều không dành chỉ tiêu xét tuyển NV2. Vì thế, so với khối A, các thí sinh dự thi khối B ít có cơ hội được xét tuyển NV2 hơn. Cho nên, trước khi đặt bút chọn những ngành thi khối B, thí sinh cần cân nhắc kỹ hơn về sức học của mình.
Dễ thở” hơn với điểm chuẩn 15 – 21 
Cũng theo khối B nhưng nhận thấy không đủ sức vào các trường Y, nhiều thí sinh đã chọn những ngành học thuộc “top dưới” ở các trường khác với mức điểm chuẩn từ 15 điểm đến 21 điểm.
Năm 2008, ĐH Lâm Nghiệp ấn định điểm chuẩn của các ngành khối B từ 17 điểm trở lên. Chẳng hạn, 2 ngành Lâm học và Lâm nghiệp xã hội có điểm chuẩn là 17; Lâm nghiệp đô thị: 17,5 điểm; Quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường: 18,5 điểm… Riêng ngành Công nghệ sinh học có điểm chuẩn là 20 điểm.
So với năm 2007, mức điểm này không cao hơn nhiều. Ví dụ như ngành Công nghệ sinh học, năm 2007 có điểm chuẩn là 19 điểm, hay ngành Quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường có điểm chuẩn là 16 điểm.
Ở ĐH Quy Nhơn, điểm chuẩn cho khối B của năm 2008 cũng từ 15 điểm đến 21 điểm. Trong đó, có khá nhiều ngành có điểm chuẩn ở mức 17 điểm, như Sư phạm Giáo dục đặc biệt, Sư phạm Tâm lý giáo dục, và Sinh học. So với năm 2006 và 2007, điểm chuẩn của năm 2008 cao hơn từ 1 điểm đến 2 điểm.
ĐH Nông Lâm TP. HCM là một trong những trường có nhiều ngành đào tạo tuyển sinh khối B, với mức điểm chuẩn cũng từ 15 điểm đến 21 điểm. Cụ thể, ngành Lâm nghiệp, Nông lâm kết hợp, Quản lý tài nguyên rừng… điểm chuẩn chỉ là 16 điểm. Trong khi các ngành như Công nghệ hóa học, Công nghệ sinh học, Chế biến thủy sản… lại có điểm chuẩn cao, từ 20  điểm đến 21 điểm.
So với năm 2007, điểm chuẩn của các ngành khối B thuộc ĐH Nông Lâm TP.HCM không có nhiều bất ngờ. Các ngành không nổi tiếng như Lâm nghiệp, Nông lâm kết hợp, Quản lý tài nguyên rừng, Chăn nuôi… giữ mức điểm chuẩn là 16 ổn định trong vòng 2 năm. Còn những ngành như Công nghệ sinh học, Công nghệ hóa học, Chế biến thủy sản, Quản lý môi trường… thì luôn có điểm chuẩn trên 20 điểm. 
Theo các chuyên gia tuyển sinh, nhóm ngành công nghệ luôn luôn có điểm chuẩn cao vì nhiều thí sinh chọn đăng ký vào nhóm ngành này. Trong khi đó, các ngành đào tạo thuộc nhóm nông nghiệp, lâm nghiệp, nông thôn thì lại có ít thí sinh chọn học, mặc dù nhu cầu xã hội đối với những ngành này rất lớn.
Chính vì thế, điểm chuẩn giữa các khối ngành này có sự chênh lệch khá cao. Chẳng hạn như ngành Nông học của ĐH Quy Nhơn có điểm chuẩn là 15, trong khi nhiều ngành khác có điểm chuẩn từ 17 đến 21 điểm. Hay như ở ĐH Tôn Đức Thắng, các ngành thuộc khối công nghệ có điểm chuẩn ở mức 19 điểm hoặc 20 điểm, nhưng các ngành khác thì chỉ có điểm chuẩn là 15 điểm hoặc 16 điểm.
Đoan Trúc (Vietnamnet)

Bình luận (0)