Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Khối C và học thuộc lòng

Tạp Chí Giáo Dục

Trước đến nay khối C luôn gắn với suy nghĩ học thuộc lòng. Những người thi khối C bị xem là thiếu tư duy lô-gích.
Sự thật, bản chất của những môn khối C (văn, sử, địa) không phải chỉ học thuộc lòng. Đó chẳng qua chỉ là hệ quả của cách dạy và học trong trường phổ thông hiện nay cũng như thái độ của chúng ta đối với những môn học này.
Theo thống kê năm 2005, một trong những năm đầu xã hội lên tiếng vì điểm thi môn sử vào ĐH theo hướng “3 chung” quá thấp, chỉ có 9,73% thí sinh (TS) đạt điểm 5 trở lên, trong khi đó có 58,5% TS có bài từ 1 điểm trở xuống.
Kỳ tuyển sinh năm nay tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng thông tin từ những trường có tổ chức tuyển sinh khối C, tình hình cũng không khả quan. Trong số 1.564 bài thi môn sử của ĐH Đà Lạt, chỉ có 34 bài đạt điểm 5 trở lên. Trường ĐH Tiền Giang hơn 98% TS điểm thi môn sử dưới trung bình. Tỷ lệ này ở trường ĐH Quảng Nam khoảng 99%. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có 2.142 bài thi đạt từ 5 trở lên.
Theo nhận định của các giáo viên có kinh nghiệm, đề thi tuyển sinh ĐH môn sử những năm gần đây khá hay, buộc TS không thể học thuộc lòng mà phải tư duy, biết vận dụng kiến thức mới có thể làm bài trọn vẹn. Như vậy, đề thi tuyển sinh đã ra theo hướng mới, thoát khỏi định kiến lâu nay là những môn này chỉ cần học thuộc lòng là làm bài tốt. Thế nhưng sự thay đổi này không đồng bộ, chưa triệt để. 
Trong khi cách dạy và học cũng như quan niệm về môn học này và các môn xã hội ở bậc phổ thông chưa được chú trọng, vẫn còn theo lối dạy từ chương, giáo khoa thì việc TS không đạt điểm cao trước một đề thi yêu cầu vận dụng kiến thức là điều dễ hiểu.
Trong trường phổ thông ngoại trừ môn ngữ văn là môn thi bắt buộc ở kỳ thi tốt nghiệp nên học sinh (HS) buộc phải học và giáo viên phải dạy theo đúng quy định. Những môn xã hội khác, chỉ tăng tiết nếu năm đó thuộc các môn thi tốt nghiệp; ngược lại, sẽ giảm tiết, nhường chỗ các môn khác.
Hiện nay, ít có giáo viên dạy các môn xã hội khiến HS say mê, tâm huyết. Không nhiều giáo viên dạy văn truyền được cảm xúc yêu và cảm thụ văn chương đến HS. Phần lớn giáo viên dạy môn sử, địa chỉ đơn thuần cung cấp thông tin, sự kiện lạnh lùng đến HS. Những thông tin này, thật ra trong giai đoạn hiện nay, với internet và phương tiện thông tin khác, ai cũng có thể thu nhận được.
Với những môn xã hội, HS không chỉ dừng lại ở chỗ biết mà còn phải hiểu thì mới cảm thấy thích thú khi học tập. Với cách dạy này, phần lớn HS cốt học đối phó để cho qua chứ không có niềm say mê, tâm huyết. Lâu dần, ngay cả những HS có tư duy tốt cũng lơ là với những môn xã hội.
Hậu quả tất yếu là ngày càng ít HS chọn ban xã hội ở bậc phổ thông, thậm chí có trường THPT không thể mở được ban này vì không có người học. Còn các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi năm đều thưa thớt TS đăng ký dự thi khối C. Trong năm 2011, toàn quốc chỉ có 6,4% TS đăng ký thi khối này. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, từng ngậm ngùi cho rằng ngày nay có 2 đối tượng thi khối C là HS nông thôn hoặc HS có sức học trung bình!  
Thay đổi tư duy trong giáo dục, quan niệm về môn chính – môn phụ, quan trọng là thay đổi cách dạy và học những môn xã hội trong nhà trường sẽ giúp mọi người có cái nhìn đúng hơn về những ngành học xã hội.
Theo Thùy Ngân
(thanhnien)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)