Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Khối D thi được mấy trường?

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh dự thi khối D5 vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) sáng 9-7 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008 – Ảnh: Quốc Dũng

Trường nào đào tạo ngành tiếng Anh tại TP.HCM? Thi khối D4 ngành quản trị kinh doanh và quản lý du lịch – khách sạn trường ĐH nào ở TP.HCM? Ngành quản trị kinh doanh của ĐH Nông lâm TP.HCM đào tạo những gì?… là những thắc mắc tuyển sinh 2009 thí sinh gửi về Tuổi Trẻ Online.

* Em dự định thi khối D. Vậy em có thể thi bao nhiêu trường ĐH, CĐ ở khối này? (Thùy Linh, how_are_you89@…)

– Khối D gồm D1, D2, D3, D4, D5, D6. Trong đó, hai môn văn, toán thi chung thì môn thi thứ ba của D1 là tiếng Anh, D2 tiếng Nga, D3 tiếng Pháp, D4 tiếng Trung, D5 tiếng Đức, D6 tiếng Nhật.

Khối D sẽ thi cùng với khối B, C, H, N, M, T, S, R, K vào ngày 9 và 10-7. Do đó, thi khối D bạn chỉ thi được vào một trường ĐH và một trường CĐ (nếu CĐ có tổ chức thi, vì dự kiến CĐ sẽ xét tuyển dựa theo điểm thi ĐH, đến ngày 17-1 Bộ GD-ĐT sẽ có quyết định chính thức).

* Ngành tiếng Anh của Trường ĐH Mở TP.HCM đào tạo những gì, sau khi tốt nghiệp em có thể làm ở đâu và điểm chuẩn năm ngoái bao nhiêu? Học phí của trường bao nhiêu? Ở TP.HCM có trường ĐH nào dạy ngoại ngữ nữa không? (Nguyễn Thị Liên, happycook891@…)

– Chương trình cử nhân tiếng Anh ở bậc ĐH của Trường ĐH Mở TP.HCM đào tạo theo hai chuyên ngành: phương pháp giảng dạy tiếng Anh; biên – phiên dịch thương mại và du lịch. Chương trình đào tạo nhằm cung cấp kiến thức ngôn ngữ, văn hóa, xã hội Anh – Mỹ để ứng dụng trong công tác chuyên môn và hội nhập xã hội.

Về kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng thực hành, sinh viên được trang bị khả năng thích ứng cao về ngoại ngữ ứng dụng trong giao tiếp, thông thạo các kỹ năng văn phòng và giao dịch bằng tiếng Anh, có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa, văn học Anh – Mỹ, được trang bị lý thuyết và phương pháp thực hành giảng dạy tiếng Anh ở bậc phổ thông và các trung tâm ngoại ngữ, có kiến thức tổng quát và kỹ năng biên – phiên dịch thương mại và du lịch, kế toán, văn phòng. Ngoài ra, sinh viên được chọn học một trong hai ngoại ngữ Hoa/Pháp ở trình độ căn bản có thể giao tiếp và tham khảo tài liệu.

Sinh viên tốt nghiệp cử nhân Anh văn có năng lực làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các công ty liên doanh về giao dịch thương mại, kế toán, du lịch, giảng dạy tiếng Anh bậc THPT hay các trung tâm Anh ngữ, làm công tác biên – phiên dịch thương mại và du lịch, theo học các chương trình thạc sĩ Anh văn trong nước và quốc tế.

Trường ĐH Mở TP.HCM đã chuyển từ trường bán công sang trường công lập theo Quyết định số 146/2006/QĐ-TTg ký ngày 22-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trường phải tự chủ về tài chính, do đó học phí của trường vẫn cao hơn các trường ĐH công lập khác (3,5-4,5 triệu đồng/năm).

Hiện có nhiều trường ĐH đào tạo ngoại ngữ như ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH dân lập Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH dân lập Hùng Vương, ĐH dân lập Văn Lang, ĐH dân lập Văn Hiến…

* Em muốn biết có trường ĐH nào ở TP.HCM tuyển sinh ngành quản trị kinh doanh và quản lý du lịch – khách sạn theo khối D4 không? (jane_hanh@…)

– Khối D4 thi tuyển tiếng Trung Quốc nên hiếm có trường ĐH nào thi tuyển khối này cho ngành quản trị kinh doanh và quản trị du lịch khách sạn. Các trường tổ chức thi đều không thi tuyển khối này. Các trường sau có tuyển sinh nhưng đều là trường ĐH dân lập và bạn phải mượn một trường ĐH khác để thi nhờ, vì những trường này không tổ chức thi: ĐH dân lập Hùng Vương TP.HCM, ĐH dân lập Văn Hiến, ĐH dân lập Hồng Bàng, ĐH tư thục Công nghệ thông tin Gia Định.

* Em không biết Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có đào tạo ngành quản trị kinh doanh không? Nếu không thì trường có ngành nào liên quan đến ngành này không? Cho em biết điểm chuẩn và điểm xét tuyển của những ngành đó. Học ngành quản trị kinh doanh (hoặc liên quan đến kinh doanh) của trường học những gì và khi ra trường làm ở đâu? (Thái Nguyễn Vinh, vinhnguyen1107@…)

– Ngành quản trị của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM gồm hai chuyên ngành quản trị kinh doanh (tổng hợp) và quản trị kinh doanh thương mại. Cả hai chuyên ngành này đều thi tuyển khối A, D1. Điểm chuẩn năm 2008 cả hai khối của ngành quản trị kinh doanh (tổng hợp) là 15, ngành quản trị kinh doanh thương mại là 14. Điểm chuẩn năm 2007 hai ngành này khối A: 15, khối D1: 14. Điểm chuẩn năm 2006 khối A: 14, khối D1: 15. Điểm chuẩn năm 2005 khối A: 15, khối D1: 16…

+ Chuyên ngành quản trị kinh doanh (tổng hợp) đào tạo cán bộ, chuyên viên quản trị trung và cao cấp; trước mắt phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; chuyên viên quản trị có năng lực sử dụng thành thạo các nghiệp vụ quản trị và kinh doanh trong hoạt động doanh nghiệp, có khả năng hoạt động độc lập, năng động cũng như công tác tốt trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các thành phần kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước…

Sau bốn năm học, sinh viên có khả năng xây dựng dự án đầu tư trong kinh doanh và phát triển nông thôn; xây dựng các mô hình kinh doanh; nghiên cứu phân tích định lượng và xử lý thông tin trong kinh doanh, nghiên cứu và ứng dụng tin học trong quản lý kinh tế.

+ Chuyên ngành quản trị kinh doanh thương mại trang bị kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn để đảm trách các công việc cụ thể sau: thực hiện các hợp đồng kinh doanh thương mại trong và ngoài nước qua các giai đoạn marketing, đàm phán, giao dịch; tiến hành các nghiệp vụ bảo hiểm, chuyển giao và thanh toán; phân tích và đánh giá quá trình các hoạt động kinh doanh thương mại; quản lý điều hành cũng như xúc tiến các hoạt động kinh doanh thương mại; xây dựng các chính sách tầm vi mô doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh thương mại hoặc ở tầm vĩ mô các cơ quan chức năng quản lý nhà nước và xúc tiến các hoạt động thương mại trong nền kinh tế.

Cử nhân ngành quản trị có thể làm công tác tư vấn, quản lý và kinh doanh trong các loại hình kinh tế sản xuất, đặc biệt có lợi thế trong lĩnh vực sản xuất và chế biến về nông lâm ngư nghiệp hoặc có thể làm việc tại các doanh nghiệp ngành du lịch như cơ quan quản lý du lịch, tổ chức nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái (du lịch sinh thái, văn hóa…) hay tại các đơn vị xuất nhập khẩu, khu chế xuất, liên doanh hoặc các tổ chức hợp tác quốc tế về thương mại…

* Ngành kinh tế đối ngoại của Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) học những gì, ra trường làm việc ở đâu? Cho em biết điểm chuẩn trúng tuyển ba năm trở lại đây. (Đặng Thị Hoàng Anh, hoanganh_vinhlong@…)

– Ngành kinh tế đối ngoại của Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đào tạo các cử nhân có kiến thức chuyên sâu và trình độ chuyên môn cao về thương mại quốc tế, quản lý thị trường ngoại hối và đầu tư quốc tế, có khả năng phân tích đánh giá hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu, sự biến động tỷ giá hối đoái và đầu tư quốc tế, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách thương mại và các dự án đầu tư.

Tốt nghiệp ngành này có thể công tác ở các doanh nghiệp xuất  nhập khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực ngoại thương… hoặc làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở các trường, viện.

Điểm chuẩn trúng tuyển ngành này năm 2008 là 19,5 cho hai khối A, D1. Điểm chuẩn năm 2007 và 2006 là 20,5; năm 2005 khối A: 21,5, khối D1: 20,5.

Các bậc phụ huynh và các bạn học sinh có những yêu cầu thắc mắc về tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009, thắc mắc các ngành học, quy chế… có thể gửi email đến

Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: tuyensinh@tuoitre.net.vn.

Tuổi Trẻ Online sẽ trả lời thắc mắc của bạn đọc trong thời gian sớm nhất. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu (font chữ Unicode).

QUỐC DŨNG (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)