Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP.HCM) vừa tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Khởi đầu” đã tạo ra “tiếng vang” trong học sinh và giáo viên nhà trường. Đây là lần đầu tiên một triển lãm tranh được học sinh THPT tổ chức khi học môn mỹ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một học sinh tự tin giới thiệu tác phẩm tranh của mình đến thầy cô và bạn bè tại triển lãm
Đưa chất liệu đời thường vào bài học
Triển lãm quy tụ 35 bức vẽ ký họa của học sinh lớp 10. Đây là sản phẩm của những học sinh học môn mỹ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các bức tranh được sáng tạo với đa dạng chất liệu, màu sắc, chủ đề, khiến người xem vô cùng ấn tượng khi không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách thức thể hiện mà còn đưa được những góc nhìn của học sinh trong việc cảm nhận đời sống vào tranh. Thầy Nguyễn Hữu Hiếu (giáo viên môn mỹ thuật) cho hay, khác với việc tổ chức đại trà như bậc THCS, ở bậc THPT, môn mỹ thuật được gắn với định hướng nghề nghiệp nên cách thức tổ chức giảng dạy của giáo viên cũng cần phải đổi mới, mang tính đặc thù để làm sao khơi gợi cho học sinh sự ham thích, thể hiện năng khiếu, thông qua đó dẫn dắt các em tìm ra được hướng đi cho mình với môn học. “Môn mỹ thuật có 60 học sinh theo học đến từ nhiều lớp khác nhau, do đây là môn học lựa chọn. Ban đầu, nhiều học sinh có tư tưởng lựa chọn mỹ thuật vì cho rằng môn học nhẹ nhàng, không phải ghi nhớ kiến thức như lý, hóa. Dù vậy, trong quá trình học, một số em đã phải xin chuyển vì cảm thấy không phù hợp. Mỹ thuật là một môn học mang tính đặc thù, ngoài năng khiếu là một phần nhỏ, để theo đuổi được thì học sinh cần có sự kiên trì, bền bỉ, không ngừng sáng tạo và phải có một định hướng rõ ràng với môn học”, thầy Hiếu chia sẻ.
Theo thầy Hiếu, môn mỹ thuật ở lớp 10 có 11 chủ đề, tương đương nhiều ngành nghề như kiến trúc sư, thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, họa sĩ, mỹ thuật đa phương tiện, nhiếp ảnh gia… Do đó, trong quá trình đứng lớp, giáo viên phải đa dạng các trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực ngành nghề để giúp học sinh tiếp cận môn học với nhiều góc cạnh khác nhau, từ đó khảo sát năng lực, khám phá ra khả năng thực sự của mình, định hướng nghề nghiệp sau này. Song song với việc trang bị kiến thức trên lớp, học sinh được khuyến khích thực hành, đưa vào sản phẩm của mình những chất liệu đời sống hàng ngày mà bản thân nhìn thấy, cảm nhận được. “Lớp có 60 học sinh nhưng chỉ có 35 tác phẩm góp mặt trong triển lãm vì nhiều em chưa thực sự sẵn sàng. Cũng học môn mỹ thuật nhưng các em lại có những thiên hướng khác về nghề nghiệp, do vậy triển lãm chỉ là cách để giáo viên mang đến cho học sinh trải nghiệm, khơi gợi lên trong các em định hướng về nghề nghiệp chứ không phải dùng để đánh giá năng lực học sinh. Các tác phẩm của học sinh dù chưa hẳn xuất sắc nhưng đã thể hiện đam mê, quyết tâm của các em với môn học một cách nghiêm túc”, thầy Hiếu nhấn mạnh.
Định hướng nghề nghiệp nghiêm túc, chuyên sâu
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, lần đầu tiên môn mỹ thuật được đưa vào giảng dạy theo hình thức môn học lựa chọn. Năm học 2022-2023, khi chương trình triển khai ở lớp 10, tại TP.HCM do thiếu giáo viên và điều kiện tổ chức nên số trường THPT mở được lớp mỹ thuật không nhiều. Riêng khu vực Q.12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu là đơn vị duy nhất tổ chức được lớp học này với 60 học sinh tham gia, thời lượng 2 tiết/tuần.
Tham gia triển lãm với bức tranh mang tên “Cổ điển”, em Võ Nguyễn Gia Hân (lớp 10C14) sử dụng bút giả kim để thể hiện tác phẩm. Gia Hân cho biết em mất 4 ngày để hoàn thành tác phẩm và bản thân khá hài lòng. “Từ nhỏ em rất thích học môn mỹ thuật. Khi lên lớp 10, biết nhà trường tổ chức môn học này, em đã lựa chọn và cảm thấy thoải mái khi bước vào môn học. Theo đó, môn học không chỉ mang đến cho em định hướng nghề nghiệp sau này mà còn hỗ trợ em rất nhiều khi học các môn khác như thiết kế poster, cảm nhận về các giá trị của môn học, cuộc sống…”, Gia Hân chia sẻ.
Các tác giả chụp ảnh lưu niệm với thầy cô tại triển lãm
Khá bất ngờ với các tác phẩm hội họa của học sinh trong triển lãm, cô Nguyễn Thị Ánh Mai (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu) cho biết cô không nghĩ rằng học sinh của mình có thể vẽ đẹp như thế. Với cô, việc nhà trường “gắng hết sức” để mở lớp học mỹ thuật cho học sinh lớp 10 trong năm học này khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu mang đến “trái ngọt”. “Trong năm đầu triển khai chương trình mới, môn mỹ thuật rất khó để các trường tổ chức vì khan hiếm nguồn giáo viên và cả điều kiện triển khai. Ngay tại trường cũng vậy, ban đầu cũng không biết phải xoay xở giáo viên ở đâu để mở lớp, trong khi nhu cầu học sinh, phụ huynh với môn học là có vì thiên hướng các ngành nghề liên quan đến môn học hiện nay đang ngày càng rộng mở. Mong muốn học sinh có môi trường để phát huy năng khiếu, định hướng nghề nghiệp, trường đã xoay xở hợp đồng thỉnh giảng với một giáo viên mỹ thuật đang giảng dạy ở trường THCS để mở 1 lớp, được phụ huynh và học sinh hết sức ủng hộ”, cô Mai chia sẻ.
Cô Mai thông tin thêm, để tổ chức môn học, trường thiết kế thời khóa biểu theo kiểu “lớp học chạy” để tạo điều kiện cho những học sinh yêu thích tham gia. Vì là môn học mới lại gắn với định hướng nghề nghiệp nên trường luôn tạo điều kiện để giáo viên sáng tạo, đổi mới, mang lại đa dạng những trải nghiệm cho học sinh với môn học, qua đó giúp các em có thể định hướng nghề nghiệp một cách nghiêm túc, chuyên sâu theo đúng mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)