Vấn đề này được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028, diễn ra sáng 27-9.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân TP.HCM
Đại hội diễn ra với sự tham dự của 300 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 57.000 hội viên nông dân trên địa bàn TP.HCM.
Đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững
Tham dự và phát biểu tại đại hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá nhiệm kỳ khóa X vừa qua, các cấp hội và hội viên nông dân đã chung sức đồng lòng cùng Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân TP nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.
Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả: 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5/5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống của nhân dân các địa bàn nông thôn không ngừng được cải thiện.
Các cấp hội đã có nhiều đổi mới tổ chức, hoạt động; tiếp tục duy trì các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, nhất là phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Cuộc vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới đã lan tỏa đến nhiều địa bàn nông thôn…
Theo ông, Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM có 14 chương trình, đề án cụ thể, trong đó có đề án chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021-2030. Hiện có nhiều chương trình, đề án cần quan tâm hơn như: Chương trình chuyển đổi số, cải cách hành chính, TP thông minh… Thế nhưng, đề án chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021-2030 lại được quan tâm nhiều hơn.
Quang cảnh đại hội Đại biểu Hội Nông dân TP.HCM
Ông nhấn mạnh việc chuyển từ huyện lên TP là xu hướng tất yếu, nhưng cũng phải quan tâm đến đời sống, chất lượng sống của người dân. Đây mới là mục tiêu chính, không nên chạy theo hình thức. Đặc biệt, cần hết sức bình tĩnh, thận trọng, chặt chẽ trong quản lý đất đai, không để bị lợi ích nhóm.
Mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp nông dân
Bí thư Thành ủy TP.HCM thống nhất với đánh giá các mặt hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của Hội.
Về phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ khóa XI, ông nhấn mạnh một số vấn đề, trước hết là tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông đề nghị trong thời gian tới cần tập trung huy động mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.
Xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, là trụ cột của TP trong bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống ô nhiễm môi trường, biển đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.
Đồng thời, đi đôi với việc chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và xây dựng Hội Nông dân vững mạnh toàn diện, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối trong mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, nông dân.
Để thực hiện những mục tiêu trên, ông đề nghị Hội Nông dân TP quan tâm đổi mới phương thức hoạt động nhằm mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp nông dân.
Trước hết là nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sinh hoạt chi hội, tổ hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ nông dân; chú trọng phát triển hội viên mới là tri thức, nhà khoa học, chuyên gia.
Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống dân tộc, lối sống văn hóa, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên nông dân.
Bên cạnh đó, phát huy tiêu chí xây dựng người nông dân mới TP.HCM “yêu nước, gương mẫu, năng động, sáng tạo, đoàn kết, nghĩa tình”. Quan tâm bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng và cán bộ từ hội viên nông dân ưu tú.
Phát huy vai trò của các cấp Hội trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân trong sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản…
Ông cũng đề nghị đổi mới công tác truyền thông chuyển đổi số. Đặc biệt, bằng nhiều biện pháp truyền tải được đến người nông dân tư duy hệ thống, thích ứng chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống “khai thác – chế biến – sử dụng – vứt bỏ” sang mô hình “khai thác – sản xuất – sử dụng – tái sử dụng – tái chế”. Đó là bản chất của kinh tế tuần hoàn, khôi phục – tái tạo, phát triển bền vững.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo an sinh xã hội cho hội viên nông dân nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, cần trợ cấp thường xuyên.
Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước của Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”; đi đôi với việc thúc đẩy phong trào thi đua khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.
Theo người đứng đầu Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, nhiệm vụ xây dựng Hội Nông dân vững mạnh là trách nhiệm không chỉ của tổ chức Hội mà của cả hệ thống chính trị. Ông đề nghị các cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Quan tâm đúng mức việc kiện toàn bộ máy, bố trí cán bộ và các chính sách có liên quan, thường xuyên sâu sát, lắng nghe và giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân.
N.Trinh
Bình luận (0)