Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khơi dậy năng lực tiềm ẩn của con

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu cha mẹ thật sự yêu thương cũng như vì tương lai của con, mong con thành người có ích cho xã hội thì cần chú trọng bồi dưỡng, khơi dậy những năng lực tiềm ẩn của con theo và phải giáo dục con xuất phát từ đặc điểm tâm – sinh lý vốn có của trẻ.

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Trong quá trình giáo dục con cái, điều mà không ít bậc phụ huynh quan tâm là làm thế nào để khai thác được năng lực tiềm tàng của con cái. Một số bậc cha mẹ bắt ép  “khai thác” tiềm năng của con theo ý muốn của mình, bắt con phát triển theo con đường cha mẹ đã vạch sẵn. Thực tế việc làm này không những không hiệu quả mà còn phản giáo dục, khiến tiềm năng của trẻ phát triển không toàn diện, thậm chí một chút năng khiếu của trẻ cũng bị kìm hãm dập tắt, thui chột.

Trước hết, cha mẹ cần phát hiện sớm năng lực tiềm tàng của con. Để làm được điều đó cha mẹ phải tôn trọng tính độc lập, tự chủ, tự giác và những quyết định cũng như lựa chọn của con. Trẻ thích gì, có hứng thú gì hãy để chúng tự lựa chọn phát triển sở trường theo hướng đó. Mỗi đứa trẻ bình thường đều có tiềm ẩn những khả năng, chỉ cần mỗi cha mẹ biết coi trọng những vấn đề mà trẻ đưa ra, thậm chí cùng trẻ tìm ra câu trả lời, cách giải quyết phù hợp thì trẻ càng hứng thú, càng phát triển được năng lực tiềm tàng của bản thân. Nói cách khác, nếu được cha mẹ tạo điều kiện cho trẻ chủ động phát hiện ra vấn đề, giải quyết vấn đề, tìm hiểu các thông tin liên quan thì dù còn nhỏ, trẻ đều có thể trở thành những nhà “nghiên cứu khoa học nhí”. Tiềm năng của trẻ có thể thể hiện trên nhiều lĩnh vực toán học, ngôn ngữ, âm nhạc, hội họa, vận động cơ thể, cảm xúc… Có không ít trường hợp con có năng khiếu tiềm tàng về hội họa, ngôn ngữ, thích học văn nhưng cha mẹ lại ép theo con đường toán học vì những toan tính của người lớn hoặc có trẻ thích các hoạt động tay chân nhưng bị cha mẹ cấm đoán vì sợ mất thời gian. Như vậy là làm thui chột mòn đi giá trị tiềm tàng sẵn có của trẻ. Không có gì tệ hại bằng tiềm năng của trẻ bị chính người lớn phủ nhận, gạt bỏ, khước từ dần dần. Trách nhiệm của cha mẹ là phát hiện kịp thời và định hướng giúp con tìm đúng hướng đi, tích cực tạo điều kiện để trẻ phát triển một cách tốt nhất từng thế mạnh tiềm năng của bản thân.

Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian gần gũi trẻ, phát hiện những thế mạnh mà trẻ có được khi trẻ tham gia các hoạt động. Tốt nhất là cho trẻ tham gia vào nhiều trò chơi, nhiều lĩnh vực hoạt động như học võ thuật, học âm nhạc, học hội họa… để trẻ bộc lộ rõ mặt mạnh và điểm yếu của bản thân. Đó cũng là cách người lớn phát hiện chính xác từng sở thích và năng lực tiềm ẩn thật sự của bé. Trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp khác nhau để lấy chỗ mạnh bù chỗ yếu.

Năng lực tiềm ẩn chỉ được tỏa sáng khi được gia đình phát hiện sớm và có phương pháp phát huy hiệu quả. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy luôn quan tâm đừng bắt trẻ phải gánh lấy những áp lực khi phải theo những sở đoản. Cha mẹ phải luôn sát cánh bên con để trẻ tự tin tự mình suy nghĩ và bắt tay theo đuổi ước mơ và năng lực tiềm tàng của mình.

Cha mẹ cũng cần lưu ý thêm ngoài sự định hướng, tổ chức giáo dục, quản lý trẻ rất cần quan tâm đến chế độ ăn uống hợp lý và khoa học cho con. Như vậy, năng khiếu tiềm tàng của trẻ mới được khơi dậy và phát triển toàn diện trong một cơ thể khỏe mạnh. Vì thế, cha mẹ phải biết chăm sóc con đúng cách và phù hợp với từng độ tuổi. “Nhân vô thập toàn”, cha mẹ đừng quá cầu toàn trong giáo dục con mình mà hãy hướng con vào các năng khiếu tiềm tàng mà con đang sở hữu, đừng yêu cầu con quá cao, quá lệch so với khả năng vốn có của chúng. Đây cũng là cách giúp cho phụ huynh có thêm niềm lạc quan, tin tưởng khi dạy dỗ, giáo dục con trẻ.

Động viên con thật lòng, kích thích trẻ có mơ ước và dũng khí để chinh phục thế giới.

Trong cuộc sống hằng ngày, khi thấy con làm tốt sở trường của mình, cha mẹ nên động viên, cổ vũ, thật lòng khen ngợi và kích thích trẻ có dũng khí phấn đấu hơn nữa, để hoàn thiện mình. Chẳng hạn, khi phát hiện trẻ có năng khiếu âm nhạc, cha mẹ hãy kích thích lòng say mê, hứng thú với âm nhạc, quyết tâm đến cùng khi tham gia các lớp học về lý luận và kỹ năng chơi nhạc. Trẻ phải được trải nghiệm qua thực tế học tập, rèn luyện thì năng khiếu mới thể hiện. Chỉ khi trẻ có nhiều lần trải nghiệm những kết quả tốt đẹp từ năng khiếu của mình thì lòng tự tin của chúng mới được tăng cường và sẽ tích cực khai thác, thể hiện tiềm năng của mình trong các hoạt động sau này. Nếu cha mẹ chỉ biết quát tháo, đánh đập thì trẻ luôn cảm thấy tự ti và lần sau không muốn thử sức. Nếu trẻ trong quá trình phát huy tiềm năng gặp phải những khó khăn, trở ngại. Cha mẹ hãy là người đồng hành, chia sẻ với con. Cùng con tìm hiểu kỹ nguyên nhân, các cách thức thực hiện, để trẻ được tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần từ cha mẹ mình. Chỉ cần biết cách giáo dục con hợp lý và trên tình yêu thương, tôn trọng con thì tiềm năng ẩn dấu của trẻ sẽ được khai sáng.

Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)