Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khơi dòng chảy nghĩa tình trong đời sống

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc vận động viết bút ký về đề tài thương binh, liệt sĩ đã khép lại. Những tác phẩm không chỉ nêu lên sự tích anh hùng, dũng cảm, hy sinh của thương binh, liệt sĩ mà còn làm toát lên những đau thương mất mát. Từ đó không ngừng nâng cao ý chí bảo vệ Tổ quốc đồng thời phát đi ước vọng lớn nhất của dân tộc ta là giữ gìn hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.


Tác giả Huỳnh Dũng Nhân và đại diện của tác giả Bùi Minh Tuệ nhận giải nhì

Cuộc vận động do Hội Nhà văn TP.HCM, Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ TP và Tạp chí Văn nghệ TP.HCM phối hợp tổ chức, phát động từ tháng 12-2021 đến tháng 9-2022. Chưa đầy 10 tháng, cuộc vận động đã có 150 tác giả gửi gần 200 tác phẩm tham gia. Cuộc vận động còn có sự hưởng ứng của nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi. Đặc biệt còn những bài viết của nhiều tướng lĩnh, nhiều cựu chiến binh, những người đã xông pha trong lửa đạn chiến tranh. Họ cũng chính là những người đã từng vuốt đôi mắt đồng đội, nén đau thương khi chôn cất nhiều đồng chí của mình góp phần làm hàm lượng cảm xúc phong phú và lắng đọng hơn.

Trải qua quá trình chấm điểm, tuyển chọn, ban tổ chức đã chọn ra những tác phẩm xứng đáng để trao giải. Cuộc vận động không có giải nhất. Hai giải nhì thuộc về tác giả Huỳnh Dũng Nhân với tác phẩm “Những người suốt đời “mua vé ngồi”” và tác giả Bùi Minh Tuệ với tác phẩm “Nước mắt rơi khi trùng khơi cuộn sóng”. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn trao 3 giải ba và nhiều giải khuyến khích.

Theo nhà văn Trịnh Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM), chủ đề đền ơn đáp nghĩa, truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt đã tiếp tục thôi thúc người cầm bút kể câu chuyện về những con người đã chiến đấu ngoan cường, xông pha trước hòn tên mũi đạn hay bất khuất trước đòn thù tra tấn chốn lao tù; những người ngã xuống cho thanh bình đất nước hôm nay và những người còn sống mải miết đi tìm đồng đội, chăm lo cho những gia đình thương binh, liệt sĩ như một cách tri ân máu xương, sự hy sinh của những người đã ngã xuống.


Nhà văn Bùi Anh Tấn (Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ TP.HCM) trao giải khuyến khích cho các tác giả

Nhà văn Bích Ngân cho rằng, với các tác phẩm tham gia cuộc vận động, ban tổ chức dễ dàng nhận ra sự tươi mới của câu chữ và cảm xúc dù nhiều câu chuyện đã phủ bụi thời gian. Tác phẩm “Những người suốt đời “mua vé ngồi”” của tác giả Huỳnh Dũng Nhân cho chúng ta thấy rõ hơn những con người, câu chuyện có thể ta nghe, đọc đâu đó nhưng đọc lại vẫn ngập tràn xúc động. Các anh sống gần như trọn đời trên chiếc xe lăn, sống với nghị lực phi thường, sống trong tình cảm lớn lao những người vợ thương binh chịu thương chịu khó, chịu tất cả những thiệt thòi, mất mát.

Trong “Nước mắt rơi khi trùng khơi cuộn sóng” của tác giả Bùi Minh Tuệ, hình ảnh trên con tàu giữa Trường Sa, những kỷ vật, lá thư cô giáo nhờ nhà báo thả xuống biển khơi, gởi về người yêu là liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa làm cay mắt bao người, day dứt biết bao trái tim yêu nước thương nòi.

“Từ cuộc vận động viết này, những người cầm bút sẽ tiếp tục góp phần khơi dòng chảy nghĩa tình trong đời sống tinh thần xã hội đối với những người có công với Tổ Quốc. Bởi trong dòng đời vạn biến này, chỉ có lòng tri ơn mới là giá trị bất biến và luôn là giá trị bất biến”, nhà văn Bích Ngân khẳng định.

Nhà văn Trần Thế Tuyển (đồng trưởng ban tổ chức) nhận định: “Điều đáng trân trọng, các tác phẩm đều cố gắng ở mức cao nhất nhằm khắc họa phẩm chất anh hùng, bản sắc Việt của mỗi công dân Việt Nam dù họ là tướng lĩnh, chỉ huy hay là một người lính bình thường. Đặc biệt hơn nữa, trong các tác phẩm ấy, hình ảnh các bà mẹ, người vợ, người yêu chiến sĩ – liệt sĩ với việc làm, suy nghĩ bình thường đã chạm vào trái tim người đọc” .

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)