Chở hàng hóa như thế này là không đảm bảo an toàn |
Theo Bộ Giao thông Vận tải Chương trình đánh giá an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn quốc tế (IRAP) tại Việt Nam vừa được khởi động. Thông qua IRAP, các cơ quan quản lý Nhà nước và WB sẽ có được cái nhìn toàn diện hơn về an toàn giao thông (ATGT), từ đó có những giải pháp kỹ thuật phù hợp và hiệu quả hơn.
Tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp
Theo WB, hàng năm trên thế giới có khoảng 1,2 triệu người chết và hơn 50 triệu người bị thương hoặc tàn tật vĩnh viễn vì tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ. Hầu hết các vụ TNGT là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em và thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 10 – 24 tuổi. Chi phí chữa trị và những thiệt hại trực tiếp do TNGT gây ra ước tính chiếm từ 1 – 3% GDP toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, tình hình TNGT trong 10 năm qua đã gióng lên một hồi chuông báo động. Trong năm 2008, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã thống kê tình hình TNGT giảm cả 3 mặt so với năm 2007. Cụ thể là TNGT đường bộ xảy ra 12.163 vụ, làm chết 11.318 người, bị thương 7.885 người (giảm: 2.055 vụ – 14,5%, 1.539 người chết – 12%, 2.746 người bị thương – 25,8% so với năm 2007). TNGT đường sắt xảy ra 442 vụ, làm chết 190 người, bị thương 262 người (so với năm 2007 tăng 67 vụ, 4 người chết; giảm 4 người bị thương). Việc chấp hành đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy và tình trạng xe ô tô khách chở quá số người quy định cũng giảm nhiều. Tuy nhiên, trật tự ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp. Số người chết do TNGT vẫn ở mức cao. Đáng chú ý là cả nước xảy ra 132 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 396 người, bị thương 493 người. Mặc dù trong năm 2008, lực lượng CSGT cả nước triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân nhưng số trường hợp vi phạm trật tự ATGT bị xử lý vẫn còn ở mức rất cao (5.431.191 trường hợp). So với năm 2007, số vi phạm bị xử lý tăng 1.250.930 trường hợp.
Mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do TNGT
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu quốc gia về ATGT đường bộ tới 2010 là giảm tỷ lệ tử vong do TNGT xuống còn 4,5 người/10.000 phương tiện và 12,6 – 12,8 người bị thương/100.000 dân. Muốn đạt được mục tiêu này thì ngay từ bây giờ cần phải có kế hoạch để thực hiện, có các biện pháp bảo đảm kỹ thuật đường bộ với chi phí thấp nhưng hiệu quả phải cao. Từ đó, chương trình đánh giá ATGT đường bộ quốc tế – IRAP được thiết kế trên nền kiến thức rút ra từ các chương trình đánh giá đường bộ trên thế giới như: EuroRAP, AusRAP and UsRAP. Đây là một phương pháp chủ yếu sử dụng dữ liệu kiểm tra trực tiếp trên đường nên tính xác thực rất cao. Được biết, IRAP sẽ giúp thiết lập và ưu tiên những chương trình lớn, phù hợp và khả thi về tài chính, nhằm thực hiện các giải pháp kỹ thuật áp dụng thống nhất trong tất cả các dự án; xây dựng hệ thống vận hành trên cơ sở tiết kiệm chi phí và có thể quản lý tốt các dự án để giảm số người chết và bị thương do TNGT; đưa ra phương pháp luận và quy trình thủ tục để triển khai thực hiện việc theo dõi, giám sát đối với các tổ chức tài trợ trong dự án ATGT; chia sẻ kinh nghiệm trong những chương trình ATGT đường bộ trên toàn thế giới và tổ chức đào tạo, cung cấp công nghệ, công cụ báo cáo nhằm phát huy năng lực quản lý Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương.
Chương trình IRAP Việt Nam sẽ tiến hành khảo sát trên 9 tuyến quốc lộ, gồm: QL1A (Hà Nội – Cần Thơ), QL3 (Hà Nội – Thái Nguyên), QL5 (Hà Nội – Hải Phòng), QL9 (Đông Hà – Lao Bảo), QL18 (Nội Bài – Hạ Long), QL51 (Đồng Nai – Vũng Tàu), QL19 (Bình Định – Gia Lai) và QL20 (Dầu Giây – Đà Lạt) với tổng chiều dài 3.500 km. Việc khảo sát này sẽ được thực hiện bằng các thiết bị thu thập, phân tích dữ liệu thông qua máy camera GPS và số liệu kích thước hình học Hawkeye 2000 (thiết bị thu hình kỹ thuật số). Tất cả các hoạt động và thuộc tính của giao thông đường bộ sẽ được ghi lại đầy đủ, sau đó được truyền sang phần mềm tiện ích IRAP để xử lý. Theo kế hoạch, Chương trình IRAP tại Việt Nam sẽ hoàn tất và công bố kết quả khảo sát, đánh giá vào tháng 11-2009.
Phương Vy
Bình luận (0)