Ngay khi học sinh tiểu học trở lại trường (ngày 8-5) để tiếp tục việc học tập sau kỳ nghỉ phòng chống dịch Covid-19, nhiều phụ huynh đã đề nghị tôi: “Thầy nhớ cho bài về nhà nhiều để cháu làm, vì cháu chơi nhiều quá rồi thầy!”. Có lẽ, phụ huynh lo lắng vì biết tôi thường không cho học sinh bài về nhà nên nhắc nhở. Không chỉ phụ huynh mà đồng nghiệp của tôi cũng nói phải tăng tốc dạy để ôn kiến thức học sinh đã quên trong kỳ nghỉ dài hơn cả kỳ nghỉ hè và dạy lại, dạy bổ sung bài học mà các em đã học trực tuyến, học qua truyền hình nhưng không hiệu quả. Theo kế hoạch, học sinh lớp 4 và lớp 5 phải kiểm tra định kỳ giữa học kỳ II vào cuối tháng 5. Điều này càng làm cho phụ huynh và giáo viên lo lắng vì quá lo ngại kiến thức các em chưa vững đã phải làm bài kiểm tra.
Sau kỳ nghỉ quá dài, đa số học sinh đều náo nức muốn đến trường nhưng đến trường với các em là để được gặp thầy cô, bạn bè; để được trò chuyện, vui chơi cùng các bạn chứ không phải nôn nao đến trường để học hành. Đó là tâm lý hết sức bình thường của tuổi học trò. Chính vì thế, theo tôi, khi học sinh trở lại trường, điều quan trọng nhất giáo viên và cả phụ huynh phải cùng chung tay giúp các em là khởi động lại việc học. Về phía phụ huynh, trong tuần đầu tiên học sinh đi học lại, cha mẹ đừng gây áp lực bằng việc bắt tập trung học ngày đêm, không cho các em vui chơi, giải trí vì nghĩ rằng đã chơi quá nhiều rồi, bây giờ chỉ phải học thôi. Điều cần thiết khi học sinh đi học lại là phụ huynh nhắc nhở các em sinh hoạt theo đúng giờ giấc trước đây như không thức khuya, dậy đúng giờ, soạn sách vở đồ dùng học tập theo thời khóa biểu… Về phía giáo viên, những ngày đầu tiên trở lại trường, thầy cô khoan vội ôn kiến thức, dạy bù bài mà hãy để các em được thoải mái, từ từ bắt nhịp lại với việc học. Việc nhồi nhét kiến thức ngay khi các em mới trở lại trường chỉ làm học sinh chán ngán và lười biếng hơn. Giáo viên cũng phải trấn an phụ huynh, đứng về phía học sinh khi phụ huynh “quan trọng hóa” việc học của con em.
Nghỉ học nhiều, học sinh quên kiến thức, bài học của chương trình cần phải dạy đầy đủ nên việc các em cần phải chú tâm việc học hơn khi trở lại trường là điều hoàn toàn đúng. Thế nhưng, học tập là một quá trình dài, giáo viên và phụ huynh đừng vội bắt ép, gây áp lực học tập cho học sinh mà điều cần làm là phải giúp các em khởi động lại việc học tập, rồi từng bước tăng tốc. Có như thế, các em mới học tập có hiệu quả.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)