Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Khơi động lực để giáo dục cất cánh

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, tại buổi làm việc với giám đốc sở GD-ĐT của 63 tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Hiện cả nước có khoảng 1,3 triệu giáo viên. Nếu chúng ta tạo được động lực, khơi dậy được tinh thần trách nhiệm, tự trọng nghề nghiệp của gần 1,3 triệu con người ấy, sự nghiệp đổi mới giáo dục chắc chắn sẽ thành công”.

Có vẻ như vị tân Bộ trưởng GD-ĐT đã tìm ra, xác định được “nút bấm” để đưa nền giáo dục nước nhà cất cánh. Đó là tạo động lực (và điều kiện) để giáo viên hăng say thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình.

Thế thì đâu là động lực? Câu trả lời đã có từ… rất lâu!

Vâng, đã nhiều năm nay, tại rất nhiều cuộc hội thảo, rất nhiều diễn đàn và cả rất nhiều bài báo tâm huyết đã chỉ ra rằng cần phải cấp bách thay đổi cách trả lương cho giáo viên. Một chính sách trả lương cho giáo viên phù hợp sẽ tạo động lực làm thay đổi diện mạo nền giáo dục nước nhà. Các ý kiến nhấn mạnh một chính sách lương phù hợp không chỉ tạo động lực để giáo viên gắn bó với nghề nghiệp mà còn thu hút được người giỏi vào trường sư phạm, vị thế xã hội của giáo viên cũng dần được khẳng định trở lại.

Theo một khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về đời sống giáo viên cho thấy, có đến 50% giáo viên khi được hỏi đã cho biết nếu được chọn lại họ sẽ không chọn nghề giáo. Nguyên nhân chính vẫn là chuyện muôn thuở: Lương không đủ sống khiến giáo viên không thể tâm huyết với nghề. Số giáo viên còn ở lại với nghề thì phải dành nhiều thời gian cho việc mưu sinh. Điều này đã tác động trực tiếp lên chất lượng dạy học của họ. Tình trạng dạy thêm, tăng tiết trong và ngoài nhà trường như một giải pháp tạm để bù đắp vào sự thiếu hụt của đồng lương. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng thông cảm và chia sẻ. Thậm chí, phụ huynh cảm thấy không yên tâm khi con em họ bị “nhồi nhét” quá nhiều, bị quá tải với lượng bài vở trên lớp và từ lớp học thêm.

Mặt khác, ngoài việc dạy chữ, nhà giáo còn đảm nhận một vai trò quan trọng khác là dạy người. Bởi vậy người ta coi nghề dạy học là một “thiên chức”. Tiếc thay, vì cuộc sống khó khăn, vì chọn đầu vào trường sư phạm dễ dãi, không ít người khoác lên người tấm áo nhà giáo nhưng lại làm hoen ố đi hai chữ “thiên chức” ấy. Bàn đến thu nhập giáo viên và chuyện tâm huyết với nghề dạy học, GS. Hoàng Tụy đã từng thốt lên: “Chính đồng lương lạc hậu đã tàn phá cả nền giáo dục!”.

Trên thực tế không thiếu những chủ trương, chính sách quan tâm đến đời sống đội ngũ giáo viên. Thế nhưng, đến nay nghề giáo vẫn là nghề có thu nhập thấp trong xã hội! Chúng tôi còn nhớ cuối năm 2006, tại diễn đàn Quốc hội đã đề xuất xây dựng lộ trình nâng cao thu nhập cho giáo viên. Cũng thời điểm đó, Bộ GD-ĐT đã có một đề án điều chỉnh lương giáo viên. Tuy nhiên, từ đó đến nay đề án này hầu như không còn được nhắc đến.

Mới đây, phát biểu tại một hội thảo về nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cải thiện chế độ, chính sách cho giáo viên để giáo viên được làm việc một cách chân chính, tập trung tâm trí vào nhiệm vụ giáo dục, hạn chế những tiêu cực trong ngành.

Và nay, với khẳng định trên của tân Bộ trưởng là nguồn động viên to lớn đối với đội ngũ nhà giáo. Sửa đổi chính sách lương, phụ cấp, đồng thời cải thiện điều kiện nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của nhà giáo và gia đình họ là kỳ vọng không chỉ của giáo viên mà của toàn xã hội. Chăm lo cho đội ngũ làm giáo dục là việc làm hợp đạo lý dân tộc và cần kíp hơn bao giờ hết!

Từ Nguyên Thạch

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)