So với những sản phẩm đặc trưng của mùa tết, mứt luôn là mặt hàng được chào hàng khá sớm, vừa đáp ứng cho nhu cầu của người dân trong nước, vừa cung cấp cho Việt kiều và khách vãng lai mua làm quà biếu khi về nước. Tại thời điểm này, giá bán hầu hết các loại mứt vẫn tương đối ổn định.
Hàng chờ khách
Dạo một vòng các chợ loại 1 và 2 của TPHCM như Bến Thành, An Đông, Tân Định…, các loại mứt tết đã được tiểu thương chuẩn bị khá tươm tất, phong phú về chủng loại, đa dạng về màu sắc, mẫu mã, với khoảng 30 loại khác nhau. Trên thực tế, tại các chợ này không chờ đến tết mới bán mứt mà họ bán quanh năm, nhưng chỉ đến khi không khí Giáng sinh tràn ngập phố phường thì các sạp hàng mứt tết cũng ngày càng đầy và phong phú thêm.
Đa dạng các loại kẹo, mứt, bánh cung ứng thị trường Tết 2017. Ảnh: Thành Trí
Gặp chúng tôi tại một gian hàng mứt của chợ Bến Thành, chị Trần Phương Diệp, ngụ quận 2, cho biết kỳ nghỉ đông năm nay con gái lớn của chị Diệp về Việt Nam nghỉ ngơi nên chị đã đặt khá nhiều loại mứt làm quà tết cho bạn bè, người thân đang sinh sống ở Mỹ. Chị Diệp cho rằng đây là món quà có ý nghĩa nhất mỗi khi “tết đến, xuân về”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại thời điểm này, giá bán hầu hết các loại mứt vẫn khá ổn định so với năm ngoái. Cụ thể, tại các chợ Bến Thành, An Đông và một số hệ thống siêu thị, giá bán phổ biến ở mức từ 150.000 – 200.000 đồng/kg đối với nhiều loại mứt. Riêng tại các chợ loại 2 của TP, giá mứt thấp hơn bình quân từ 30% – 40%, dao động ở mức từ 80.000 – 120.000 đồng/kg, tùy loại. Theo lý giải của chủ một sạp hàng bánh mứt ở chợ Bến Thành, giá mứt tại đây luôn cao hơn so với các chợ khác là do nguyên liệu để chế biến được chọn lọc rất công phu, trải qua nhiều lần sên với đường mới xong một mẻ mứt, nên có thể để được khá lâu, từ 3 – 5 tháng mà vẫn không bị nấm, mốc.
Ông Nguyễn Chí Trung, Phó Trưởng ban Quản lý chợ An Đông, cho hay, đến nay sức mua các loại mứt hiện vẫn còn rất chậm nên họ chưa thể chủ động trong việc chuẩn bị nguyên vật liệu, vì lẽ hầu hết nguyên liệu đầu vào đều là thực phẩm tươi sống. Theo ông Trung, lượng mứt tiêu thụ chủ yếu vào thời điểm này là Việt kiều, du khách đến từ lãnh thổ Đài Loan và các nước trong khu vực. Trong khi đó, nhu cầu mua mứt tết của người dân TP phải chờ sau ngày rằm tháng Chạp mới có thể tăng. Giới kinh doanh mứt hy vọng sức mua chỉ cần đạt ngang bằng mùa tết năm ngoái đã là quá tốt.
Thêm nhiều loại mứt mới
Bên cạnh các mặt hàng mứt truyền thống như chúng tôi vừa nêu trên, mùa tết năm nay đã xuất hiện thêm rất nhiều loại mứt mới, được giới sản xuất và kinh doanh mứt gọi là “mứt khéo”. Điển hình như mứt trái sung, mứt trái thơm, mứt xoài các loại, mứt ổi xá lỵ, mứt cam, trần bì, mứt vỏ bưởi, mứt đu đủ… Ưu điểm chung của các loại “mứt khéo” là từng miếng mứt được cắt theo bản lớn, giữ nguyên màu sắc của các loại trái cây và khá thơm ngon. Giá bán các loại mứt mới đứng ở mức khá cao, bình quân từ 300.000 – 400.000 đồng/kg, cá biệt mứt trái cam đang được bán với giá cao ngất ngưởng: 620.000 đồng/kg.
Để giảm bớt lượng đường trong mứt, đồng thời phát triển thêm nhiều dòng mứt mới làm đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng, liên tục trong 3 năm gần đây, Cơ sở sản xuất bánh mứt Thành Long đã nghiên cứu thành công và cho ra lò thêm hàng chục loại mứt mới, được Sở Y tế TPHCM cấp phép với tên gọi “Trái cây sấy dẻo thuần Việt”, giá bán rất cạnh tranh, chỉ dừng ở mức bình quân từ 200.000 – 280.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, phụ trách kinh doanh Cơ sở bánh mứt Thành Long, cho biết: Các loại mứt này (gồm cóc bao tử, xoài, mít, vỏ bưởi, khổ qua, thơm, dâu, dừa, me và bắp bao tử, mứt dừa trà xanh, mứt bí trà xanh…) được sản xuất khép kín, theo công nghệ hiện đại thẩm thấu chân không. Tức là, khi nguyên liệu đã làm sạch, sẽ được đưa vô bồn để hút toàn bộ phần nước thừa, sau đó chuyển qua bồn nấu nóng theo 2 giai đoạn là 1.0000C rồi giảm dần xuống 5000C. Khi nguyên liệu đã được nấu chín theo quy trình sẽ được chuyển ra bồn lạnh rồi đóng gói trực tiếp.
Theo bà Thúy, với công nghệ mới này, 1kg nguyên liệu chỉ cần 200g đường. Lý giải vì sao mứt của cơ sở Thành Long được Sở Y tế chấp thuận tên gọi “Trái cây sấy dẻo thuần Việt”, bà Thúy cho biết thêm, 100% nguyên liệu để sản xuất mứt là từ trái cây trong nước, được chọn lọc rất kỹ từ các vùng miền. Cách làm này không chỉ thuyết phục được các cơ quan quản lý, mà các hệ thống phân phối cũng tin tưởng khi đặt hàng cho cơ sở Thành Long.
Mứt tết cũng như những sản phẩm trái cây sấy khô và sấy dẻo đang bày bán trên thị trường chủ yếu là do các cơ sở, doanh nghiệp trong nước sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình đi thực tế tại các chợ, chúng tôi không thể phân biệt sản phẩm nào có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì kích cỡ, màu sắc của các loại mứt đều rất giống nhau và đều được người bán bảo đó là mứt gia truyền (!?). Cách tốt nhất là người mua cần tìm đến những điểm bán có uy tín, có thương hiệu để chọn mua mứt, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang” trong những ngày tết.
THÚY HẢI/ SGGP
Bình luận (0)