Khối A có thể thi vào những trường nào? Ngành kiến trúc thi khối gì? Ngành tự động hóa và ngành điện tử – viễn thông của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo những gì, điểm chuẩn hằng năm bao nhiêu?… là những thắc mắc thí sinh hỏi về tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009.
Thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2008 tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM chiều 17-4 – Ảnh: Quốc Dũng |
* Em hiện đang học năm thứ 2 của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Năm nay em định thi thêm một trường nữa, nếu em đậu thì em có được học hai trường ĐH cùng lúc không? (Nguyễn Rê, rehoabk@…)
– Theo quy chế, sinh viên đang học một trường ĐH, CĐ nào đó muốn dự thi lại thì phải được sự đồng ý của ban giám hiệu trường mình đang học. Hằng năm, sinh viên ĐH, CĐ của các trường công lập được Nhà nước đầu tư một khoản kinh phí cho việc học. Vì lý do đó, bạn không được phép tự ý bỏ học để thi lại ĐH, mà phải được phép của hiệu trưởng nơi bạn đang theo học cho phép mới được quyền dự thi ĐH. Theo quy định, bạn phải bồi hoàn kinh phí Nhà nước đã cấp trước khi nhận được quyết định cho phép dự thi ĐH.
Phần lớn các trường đều tạo điều kiện để sinh viên tìm đúng ngành nghề phụ hợp với khả năng nên sẽ không làm khó cho bạn. Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, nếu bạn còn giữ bằng tốt nghiệp THPT thì bạn nên xin dấu xác nhận tại địa phương mình có hộ khẩu thường trú để thuận tiện hơn.
Bạn cũng cần lưu ý, sinh viên có thể theo học hai trường hoặc hai ngành, nhưng trên thực tế thì điều kiện thời gian, sức khỏe, tài chính sẽ không cho phép sinh viên làm điều này. Hơn nữa, sinh viên phải đảm bảo ít nhất 80% số tiết có mặt trên lớp mới được dự thi kiểm tra hết môn. Do đó, rất nhiều sinh viên học hai trường nhưng không đảm bảo đủ điều kiện này. Vì vậy, theo khuyến cáo của các trường, sinh viên nên chọn một trong hai trường để học tập cho tốt.
* Em muốn thi Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng em ở ngoài Bắc, rất xa TP.HCM. Vậy em có thể đăng ký dự thi vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội rồi gửi kết quả thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM không? (meoconhoney2007@…)
– Muốn dự thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bạn phải vào TP.HCM để dự thi. Vì Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là trường có tổ chức thi tuyển nên bạn không thể mượn một trường khác thi để lấy điểm xét tuyển vào được.
* Cho em biết khối A thì có thể thi vào được những trường nào? Ngành kiến trúc thì thi khối gì và gồm những môn nào? (Nguyễn Hoàng Anh, candy_babyboy_no1@…)
– Khối A sẽ thi tuyển các môn toán, lý, hóa. Hầu hết các trường ĐH đều tuyển sinh khối A, trừ một số trường đào tạo các ngành năng khiếu như ĐH Văn hóa TP.HCM, ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Nhạc viện TP.HCM, ĐH Nghệ thuật (ĐH Huế)…
Ngành kiến trúc thi tuyển khối V gồm toán, lý (thi đề khối A), vẽ mỹ thuật (vẽ đầu tượng). Tùy từng trường mà điểm thi lấy hệ số 1 hay hệ số 2 (như ĐH Kiến trúc TP.HCM lấy hệ số 1 môn vẽ nhưng ĐH dân lập Văn Lang lấy hệ số 2 môn vẽ).
Và cũng tùy theo từng trường sẽ có quy định riêng, chẳng hạn nếu thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thì điểm thi các môn năng khiếu phải đạt từ 5 điểm trở lên mới được xét tuyển (thí sinh thuộc diện tuyển thẳng vào khối V cũng phải thi các môn năng khiếu và điểm thi cũng phải đạt từ 5 điểm trở lên mới trúng tuyển).
* Em đang học lớp 12 ở Bình Định, em dự định thi vào ngành tự động hóa hoặc điện tử – viễn thông của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng không biết ngành này đào tạo những gì và cơ hội việc làm ra sao? Điểm chuẩn đầu vào hằng năm là bao nhiêu, học phí có quá cao không? (troi_nam_dat_viet@…)
– Chuyên ngành tự động hóa xí nghiệp công nghiệp thuộc ngành điện của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Chuyên ngành này trang bị cho sinh viên các kiến thức chung dành cho khối khoa học tự nhiên tương tự như sinh viên chuyên ngành hệ thống điện, cùng với những kiến thức cơ bản về chuyên ngành: truyền động điện, cung cấp điện, khí cụ điện, vật liệu điện, an toàn điện, kỹ thuật đo lường, điện tử tương tự… đồng thời còn cung cấp kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành: phần tử tự động, điều khiển logic, trang bị điện – điện tử cho máy công cụ, trang bị điện – điện tử cho máy công nghiệp, tự động hóa quá trình sản xuất, robot…
Sinh viên sẽ được thực hành thiết kế, vận hành các thiết bị thuộc lĩnh vực truyền động điện, tự động khống chế, ứng dụng điện tử và tin học trong điều khiển và tự động hóa xí nghiệp… Sau khi tốt nghiệp có thể công tác tại các viện, trung tâm về điện tử, tin học, tự động hóa; các cục, vụ; các công ty, đơn vị truyền tải điện, điện lực; các sở Công nghiệp; giảng dạy, nghiên cứu tại các trường ĐH, CĐ, TCCN có đào tạo ngành điện.
Ngành điện tử – viễn thông có các chuyên ngành: kỹ thuật điện tử – viễn thông, kỹ thuật điện tử – hàng không, kỹ thuật điện tử – tin học, kỹ thuật diện tử – sinh học. Sinh viên học các chuyên ngành trên được học ngoài những kiến thức chung dành cho sinh viên khối A như đại số và hình giải tích, giải tích, hình họa, xác suất thống kê, vật lý, phương trình vi phân… còn được cung cấp các kiến thức cơ bản về ngành kỹ thuật mạch điện tử, vi điện tử, ngôn ngữ lập trình, truyền số liệu, hệ thống viễn thông…
Đồng thời ứng với mỗi chuyên ngành sinh viên sẽ được trang bị một số môn học chuyên sâu của chuyên ngành trong số các môn học: kỹ thuật truyền số liệu, thiết bị đầu cuối, tổ chức mạng viễn thông, trí tuệ nhân tạo, CAD/CAM, chuyển mạch điện tử… Sinh viên sẽ được học trực tiếp trên máy và được thực hành tất cả những kiến thức đã được đào tạo để khi tốt nghiệp có khả năng nghiên cứu, thiết kế, cải tiến, khai thác, bảo dưỡng các hệ thống và thiết bị điện tử trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Sau khi tốt nghiệp ngành điện tử – viễn thông sinh viên có thể công tác tại: các viện, trung tâm điện tử – tin học – tự động hóa; các cục, vụ; Tổng công ty Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; các đài truyền hình, đài phát thanh; các Sở Thông tin truyền thông; giảng dạy, nghiên cứu tại các trường ĐH, CĐ, TCCN có đào tạo ngành điện tử – viễn thông.
Học phí hằng năm từ 1,8 – 2 triệu đồng. Thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ học chung, sau đó sẽ lựa chọn ngành học sau năm thứ nhất. Trường xét điểm chuẩn trúng tuyển theo khối thi. Năm 2008 khối A: 21, khối D1: 24 (đã nhân hệ số 2) – hệ CĐ là 14. Năm 2007 khối A: 23, khối D1: 25 (môn ngoại ngữ hệ số 2). Năm 2006 khối A: 22,5, khối D1: 24 điểm (môn chuyên ngữ nhân 2). Năm 2005 khối A: 25,5, khối D1: 29,5 (đã nhân hệ số).
QUỐC DŨNG (TTO)
Bình luận (0)