Thi trắc nghiệm khối C? Điểm chuẩn Trường ĐH Luật TP.HCM khối C hằng năm bao nhiêu? Ngành công tác xã hội Trường ĐH Lao động – xã hội học những gì? Hai nguyện vọng 1 vào hai trường ĐH được không?… là những thắc mắc thí sinh hỏi về tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009.
Thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2008 tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT ở TP.HCM chiều 17-4 – Ảnh: Quốc Dũng |
* Năm nay khối C có thi trắc nghiệm không, vì em nghe nói hai khối A và B đều thi trắc nghiệm. Khối C của Trường ĐH Luật TP.HCM có điểm chuẩn bao nhiêu? (ngochau838@…)
– Nguyên tắc ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 là Bộ GD-ĐT ra đề thi chung cho các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi. Theo đó, các môn ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật), vật lý, hóa học và sinh học đề thi theo phương pháp trắc nghiệm, các môn còn lại đề thi theo phương pháp tự luận (các môn tự luận thi 180 phút; các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm thi 90 phút).
Như vậy, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay thí sinh thi khối C không phải thi trắc nghiệm mà thi tự luận các môn văn, lịch sử, địa lý. Thí sinh dự thi khối A và B vẫn còn thi tự luận môn toán; thí sinh thi khối D thi tự luận môn văn, toán.
Điểm chuẩn năm 2008 của Trường ĐH Luật TP.HCM khối C là 18,5 điểm ngành luật thương mại, các ngành khối C còn lại là 16,5 điểm. Năm 2007 là 18 điểm (ngành luật thương mại), các ngành khối C còn lại là 16 điểm. Năm 2006 là 19 điểm (ngành luật thương mại), các ngành khối C còn lại là 16,5 điểm. Năm 2005 là 16,5 điểm (ngành luật thương mại), các ngành còn lại là 15 điểm…
* Năm nay em muốn thi Trường ĐH Lao động – xã hội ngành công tác xã hội. Em muốn biết ngành này sẽ học chuyên sâu những gì? Em được biết năm ngoái trường không tổ chức thi mà xét tuyển. Vậy năm nay trường có tiếp tục hình thức xét tuyển không? Nếu vẫn xét tuyển thì em sẽ phải thi nhờ một trường ĐH khác phải không?
Nếu em thi nhờ Học viện Hành chính quốc gia thì khi em đủ điểm đỗ vào Học viện Hành chính, em có đươc coi là đỗ vào học viện không? Hay em chỉ được xét trúng tuyển Trường ĐH Lao động – xã hội? Trong trường hợp em làm hai nguyện vọng 1 là vào cả hai trường trên thì khi xét kết quả em có đươc chấp nhận ở cả hai trường không? (emvancho_1587@…)
– Ngành công tác xã hội của Trường ĐH Lao động – xã hội đào tạo cán bộ xã hội nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành về nghề công tác xã hội, có khả năng phát hiện giải quyết vấn đề trong mối quan hệ xã hội và nâng cao năng lực con người. Ngành này có các bộ môn: công tác xã hội, tâm lý xã hội, an sinh xã hội, xã hội học.
Sinh viên được trang bị kiến thức cung ứng dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở và tổ chức xã hội; làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như: sức khỏe, giáo dục, pháp luật, kinh tế, truyền thông, xã hội, văn hóa, trường học…; làm việc trực tiếp tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến công tác xã hội.
Sinh viên có kỹ năng vận dụng thành thạo các kỹ năng công tác xã hội vào việc giúp đỡ cá nhân, nhóm và cộng đồng; tham mưu với lãnh đạo lập chương trình, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức các hoạt động chăm sóc, nâng cao đời sống đối tượng, tổ chức các huy động nguồn lực nhằm phát triển các hoạt động chăm sóc đối tượng.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các phòng, ban thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội; Ủy ban Dân số và gia đình – trẻ em; các trường ĐH, CĐ, TCCN, THPT; Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên và các tổ chức đoàn thể khác; các tổ chức quốc tế; các ban ngành cơ quan nhà nước khác; Công đoàn và các doanh nghiệp tư nhân…
Trường ĐH Lao động – xã hội hằng năm đều xét tuyển. Năm nay dự kiến là năm cuối cùng tổ chức thi ĐH nên có lẽ trường cũng sẽ xét tuyển. Thông tin chính thức bạn phải chờ đến tháng 3-2009 sẽ biết chính xác hơn.
Tuy nhiên, nếu trường thi thì bạn đăng ký dự thi trực tiếp. Còn nếu trường xét tuyển thì bạn phải mượn một trường ĐH khác có tổ chức thi để thi nhờ. Trường tuyển sinh theo ba khối A, C, D1. Điểm chuẩn xét theo từng ngành và từng khối thi.
Quy trình xét tuyển vào trường gồm hai đợt:
+ Đợt 1 xét tuyển cho những thí sinh có đăng ký nguyện vọng (NV) 1 học tại trường. NV này thí sinh phải ghi trong hồ sơ dự thi. Vì trường không tổ chức thi tuyển nên thí sinh đăng ký NV1 sẽ thi nhờ tại một trường ĐH khác có tổ chức thi tuyển theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Sau khi có kết quả thi, các trường ĐH có thí sinh thi nhờ sẽ chuyển kết quả thi của thí sinh đó về trường. Căn cứ trên mặt bằng điểm và điểm sàn của Bộ GD-ĐT, trường sẽ quyết định điểm chuẩn của từng khối thi, từng ngành cụ thể. Những thí sinh trúng tuyển trường sẽ gửi giấy báo trúng tuyển trong thời gian sớm nhất có thể.
+ Đợt 2 xét tuyển NV2. Thí sinh xét tuyển NV2 vào trường sẽ buộc phải khai đầy đủ thông tin vào giấy chứng nhận kết quả thi ĐH bản số 1 (bạn gốc) và nộp về phòng đào tạo của trường qua đường bưu điện trong thời gian từ 25-8 đến 10-9. Sau 10-9 phòng đào tạo sẽ nhập toàn bộ dữ liệu của thí sinh vào máy tính và xử lý. Nguyên tắc xét tuyển là xét từ cao xuống thấp theo chỉ tiêu, xét theo từng cơ sở, từng khối thi, từng ngành học. Mỗi khu vực ưu tiên 0,5 điểm; mỗi đối tượng ưu tiên 1,0 điểm theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Lao động – xã hội lấy điểm đầu vào khá cao (từ 18 đến 21 điểm) thuộc các trường tốp 2 sau các trường tốp trên như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, ĐH Ngoại thương… trong việc xét tuyển điểm đầu vào do đó chất lượng tuyển sinh luôn ổn định tương đương so với những năm trước. Năm 2008 trường đã dành trên 50% tổng chỉ tiêu để xét NV1 vào hệ ĐH và 30% tổng chỉ tiêu xét NV1 vào hệ CĐ.
Điểm chuẩn năm 2008 ngành quản trị nhân lực, bảo hiểm A-D1: 16,5, C: 20; kế toán A-D1: 17; công tác xã hội C: 18, D1: 15. Hệ CĐ năm 2008 ngành quản trị nhân lực A-D1: 11, C: 14; kế toán A-D1: 12; bảo hiểm A-D1: 10,5, C: 14; công tác xã hội C: 13, D1: 10.
Tuy nhiên, điểm chuẩn NV2 lại rất cao. Ngành quản trị nhân lực, bảo hiểm A-D1: 17, C: 20,5; kế toán A: 20,5, D1: 18; công tác xã hội C: 18,5, D1: 15,5. Đối với hệ CĐ lấy theo điểm thi ĐH và CĐ. Theo đó, ngành quản trị nhân lực A: 13,5, C: 17,5, D1: 13 (điểm ĐH) – A: 19,5, C: 20,5, D1: 19 (đề CĐ); kế toán A: 15, D1: 14,5 – A: 20,5, D1: 20; bảo hiểm A-D1: 13, C: 17,5 – A: 19,5, C: 20,5, D1: 18,5; công tác xã hội C: 16, D1: 12,5 – C: 19, D1: 17.
Riêng điểm chuẩn NV1 và NV2 của trường tại cơ sở 2 TP.HCM thì hệ ĐH khối A-D1: 13, khối C: 14; hệ CĐ khối A-D1: 10, khối C: 11. Tại cơ sở 2 đào tạo các ngành quản trị nhân lực, kế toán, công tác xã hội cho cả hai hệ ĐH và CĐ.
Bạn cần lưu ý, trong một hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh chỉ có một NV vào một trường ĐH hoặc CĐ. Nếu bạn có NV1 học tại trường tổ chức thi thì ghi vào mục 2, không ghi gì vào mục 3. Còn nếu bạn có NV1 học tại trường không tổ chức thi thì sau khi ghi mục 2 (tức mượn Học viện Hành chính để thi), bạn phải ghi mục 3 (mục 3 là trường bạn muốn xét tuyển theo NV1, tức Trường ĐH Lao động – xã hội).
Như vậy, nếu bạn mượn Học viện Hành chính để thi thì khi bạn đạt 18 điểm mà Học viện Hành chính có điểm chuẩn là 16 thì bạn không được trúng tuyển vào học viện, vì bạn chỉ thi nhờ để xét tuyển trường khác. Tất cả hồ sơ của bạn đã chuyển sang Trường ĐH Lao động – xã hội. Do đó, nếu ĐH Lao động – xã hội có điểm chuẩn là 18 thì bạn trúng tuyển, còn nếu điểm chuẩn là 18,5 trở lên thì bạn không trúng tuyển.
Trường hợp bạn làm hai NV1 vào hai trường, một tổ chức thi (Học viện Hành chính) và một không tổ chức thi (Trường ĐH Lao động – xã hội) thì đến ngày thi, bạn chọn trường nào để thi sẽ được quyết định bằng việc bạn cầm giấy báo dự thi đó đến trường thi.
Tuy nhiên, khi bạn chọn hai trường (ngành) khác đợt thi thì không vấn đề (khối A thi đợt 1 ngày 4 và 5-7; khối B, C, D thi đợt 2 ngày 9 và 10-7). Nghĩa là hai NV1 của bạn không trùng khối thi và đợt thi.
Ví dụ khối A bạn có NV1 vào Học viện Hành chính thì thi vào học viện và trúng tuyển sẽ vào trường này. Còn khối C bạn có NV1 vào Trường ĐH Lao động – xã hội (thi nhờ Học viện Hành chính) thì khi trúng tuyển sẽ vào trường này (không vào học viện), lưu ý Học viện Hành chính không tuyển khối D1.
QUỐC DŨNG (TTO)
Bình luận (0)