Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khơi dòng văn hóa đọc

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay, 21-4, là Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai. Nhân sự kiện này, hàng loạt hoạt động phong phú đã được diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tại TP HCM, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức từ ngày 19 đến 23-4 với thông điệp: "Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo"; "Sách cho tôi, cho bạn"; "Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc". Ngày sách và văn hóa đọc tại TP HCM có khoảng 100 hoạt động được tổ chức trên khắp các quận, huyện của thành phố. Trong đó, Hội sách dự kiến được tổ chức tại Công trường Công xã Paris và Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) quy tụ gần 80 hoạt động…

Khi đưa thành Ngày sách của quốc gia và tổ chức định kỳ, rõ ràng sách và văn hóa đọc đã chứng tỏ tầm quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đọc sách chính là con đường đi đến kho tàng tri thức của nhân loại, để mỗi cá nhân làm giàu vốn hiểu biết của mình. Vì nhiều lý do và hoàn cảnh lịch sử mà tỉ lệ người đọc sách cũng như số đầu sách người Việt Nam đọc mỗi năm đều vào loại thấp trên thế giới. Đó là con số không vui khi vào năm 2022, bình quân mỗi người Việt Nam chỉ đọc 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo. Nhìn ra nước ngoài, tỉ lệ đó rất cao ở Israel, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức… và cả Thái Lan, Malaysia. Lên tàu điện ngầm hay đến các khu du lịch, công viên…, dễ thấy nhiều người ở các quốc gia này đọc sách khi rảnh rang, thư giãn.

Dĩ nhiên, còn có yếu tố gia đình. Nhiều gia đình Việt chuộng trang trí tủ rượu, dàn karaoke hơn là một tủ sách nhỏ và cha mẹ không biết tặng con món quà quý giá là thói quen, niềm đam mê đọc sách. Một tác động khác là sự phát triển của mạng xã hội và các phương tiện nghe nhìn càng lấy đi thời gian của nhiều người, làm phai nhạt thói quen đọc sách và đẩy nhiều người ra khỏi trang sách từng ngày… Nhưng may mắn là vẫn còn nhiều gia đình giữ được nền nếp, giữ được văn hóa đọc cho các thành viên, truyền dẫn niềm đam mê sách cho các thế hệ sau.

Khơi dòng văn hóa đọc - Ảnh 1.

Đường sách TP HCM – một địa chỉ quen thuộc của giới trẻ hiện nay. Ảnh: Tấn Thạnh

Văn hóa đọc như dòng suối miệt mài chảy, lúc lặng lẽ khi ầm ào để tự tin ra với sông dài, biển rộng. Từ thói quen, niềm yêu thích, cần thêm sự giáo dục của nhà trường, sự tiếp sức của xã hội để bồi đắp kiến thức qua đọc sách, dần dần trở thành văn hóa đọc, lan tỏa sâu rộng và bền bỉ. Từ đó góp phần xây dựng nhân cách, giáo dục lối sống và khơi nguồn sáng tạo cho mỗi cá nhân, đóng góp xây dựng xã hội ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Thời kỹ thuật số, khơi dậy tình yêu của thế hệ trẻ với từng trang sách không phải là dễ dàng, song không phải là không thể khi những giá trị sống được truyền tải nhanh hơn, được lắng lại và thấm sâu. Đó là một hành trình dài, có tính liên tục, sẽ thành công nếu được cộng đồng chung tay và mỗi cá nhân giữ thói quen đọc sách, hun đúc tình yêu sách; là nền tảng xây dựng xã hội học tập; nuôi dưỡng niềm tin, lý tưởng sống cao đẹp.

Trên góc nhìn đó, sách và văn hóa đọc mang sứ mạng cao cả. Niềm tin đã thắp sáng, điều còn lại là bước đi như thế nào trên hành trình khai sáng, làm giàu tri thức của mỗi con người và góp sức dựng xây đất nước mạnh giàu.

Theo Nguyễn Thiên Di/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)