Ngày 22-11, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – Ban Tuyên giáo Trung ương – Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam Kỳ – Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam” nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa 23-11-1940/ 23-11-2020).
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi.
Đến dự có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang; Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê và các đồng chí đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã khẳng định 80 năm trôi qua nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn là mốc son quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho Tổ quốc. Cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Son và binh biến Đô Lương, khởi nghĩa Nam Kỳ là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam cũng như dân tộc Đông Dương. Giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cần được chắt lọc, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn nhận cuộc khởi nghĩa để lại cho hôm nay bài học sâu sắc về xây dựng Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng.
“Xây dựng Đảng hiện nay trước hết là giữ vững và bồi đắp lý tưởng, khát vọng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng cần nâng cao nhận thức lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phấn đấu theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn”.
Mặt khác, “Cần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, củng cố tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc của Đảng trong đó tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đề cao trách nhiệm nêu gương trong Đảng và nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên thật sự mẫu mực về đạo đức, tiêu biểu về trí tuệ, năng động, sáng tạo trong hành động và uy tín cao trong Đảng và với quần chúng nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.
PGS. TS Nguyễn Danh Tiên – Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, Đảng bộ Nam Kỳ sớm nắm bắt và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, xây dựng được hệ thống tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức quần chúng rộng khắp; tạo dựng được đội ngũ cán bộ đảng viên trung thành, dũng cảm và tiên phong, gương mẫu, luôn gắn bó, tin tưởng, hòa mình trong quần chúng để dẫn dắt quần chúng tiến lên đấu tranh với kẻ thù. Hơn nữa, khởi nghĩa Nam Kỳ còn chứng tỏ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân vô cùng sâu sắc. Khi Đảng ra lời kêu gọi, hạ lệnh khởi nghĩa thì nhân dân yêu nước sẵn sàng xông lên trận tiến.
Quang cảnh hội thảo
“Hiện nay, trong lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cần được chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, PGS.TS Nguyễn Danh Tiên cho biết.
Nhìn lại 80 năm trôi qua, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn là dấu son trong lịch sử của vùng đất Nam Bộ. Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ vào hiện tại, Trung tướng Nguyễn Văn Bạo – Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng – cho biết, trước tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực,… đòi hỏi nước ta phải tiếp tục vận dụng bài học phát huy sức mạnh tổng hợp. Cụ thể, tập trung phát huy cao độ sức mạnh chính trị, tinh thần, lòng yêu nước, mà trước hết là của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tạo sự đồng lòng, nỗ lực cao độ tranh thủ thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức, phấn đấu cho sự thắng lợi của công cuộc đổi mới và hội nhập. Tiếp tục khơi dậy phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và quốc tế, góp phần tạo cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín cho đất nước.
Khởi nghĩa Nam Kỳ để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam “thành đồng Tổ quốc” Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên – cho biết, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có rất nhiều sự kiện chứa đựng những bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý báu cho Đảng và Nhà nước ta, khởi nghĩa Nam Kỳ 23-11-1940 là một trong những sự kiện quan trọng ấy. Cuộc khởi nghĩa đã để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam “thành đồng Tổ quốc”. Là một trong những cơ sở thực tiễn để Đảng ta đưa ra những chính sách đúng đắn dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành độc lập tư do và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần cho đại thắng mùa Xuân 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Tuy chưa thành công nhưng tinh thần đấu tranh oanh liệt và ý chí kiên cường bất khuất, dám chấp nhận hy sinh của những người cộng sản và nhân dân Nam Bộ vẫn mãi trường tồn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. “Thời gian ngày càng lùi xa, đất nước ta ngày càng phát triển. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín ngày càng tăng lên thì giá trị của sự hy sinh cao cả của cả dân tộc ta càng được khẳng định sâu sắc hơn, toàn diện hơn. 80 năm qua, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã có nhiều cuộc hội thảo, sách sử đã ghi rất đậm nét nhưng chắc chắn còn nhiều vấn đề để chúng ta bổ sung, tôn vinh cho tương xứng tầm vóc lịch sử. Bổn phận của hội thảo hôm nay là tiếp tục thực hiện tinh thần ấy”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. |
Trong khi đó, phát huy truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, Thiếu tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, Công an TP cần làm tốt hơn nữa công tác nắm tình hình, ứng dụng phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại để phục vụ tốt nhất yêu cầu đấu tranh với các loại tội và các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm mới phát sinh. Đồng thời tăng cường công tác giáo dục tính tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện cải tiến quy trình công tác nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác.
Hội thảo lần này nhận được gần 70 tham luận khoa học của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương; các nhà khoa học. Các tham tập trung làm rõ bối cảnh lịch sử, chủ trương và sự chuẩn bị cuộc khởi nghĩa của Xứ ủy và các Đảng bộ Nam Kỳ; làm rõ quy mô, tính chất và thành quả cuộc khởi nghĩa; đồng thời khẳng định truyền thống bất khuất, kiên cường của nhân dân Nam Kỳ và dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)