Sự kiện giáo dụcTin tức

Khởi nghiệp cần đặt mục tiêu sống còn trước khi vươn tầm thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Khởi nghiệp không thể thành công thần tốc mà là hành trình người trẻ phải đi từng bước nhỏ. Khởi nghiệp cũng cần đặt mục tiêu sống còn trước khi vươn tầm thế giới…

Ngày 3-11, Khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông (Trường ĐH Văn Lang) tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Khởi nghiệp: Khởi đầu địa phương, tư duy toàn cầu”. Hơn 2.000 sinh viên đã tham dự và “tác nghiệp” tại sự kiện.

Các diễn giả giải đáp thắc mắc của sinh viên

Tạo sự khác biệt

Trong khuôn khổ sự kiện, hàng loạt câu hỏi của sinh viên đã được đặt ra với đại diện các doanh nghiệp liên quan đến việc tìm nguồn vốn, đầu ra cho dự án khởi nghiệp; làm sao tạo sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn; có nên đặt mục tiêu khởi nghiệp vươn tầm thế giới hay chọn giải pháp “an toàn”…

Chia sẻ với sinh viên, ông Nguyễn Trung Dũng (Chủ tịch, Giám đốc điều hành Dh Foods) cho rằng, thế hệ những người như ông trước đây khởi nghiệp đối diện với câu chuyện sống còn, nếu dự án khởi nghiệp thất bại thì gia sản có thể mất và gia đình rơi vào cảnh sống khó khăn.

Nhưng thời nay, nhiều bạn trẻ có sự hậu thuẫn tốt hơn từ gia đình, đây là một thuận lợi lớn cho các em trên hành trình khởi nghiệp, bởi khi va vấp có thể được gia đình hỗ trợ.

Tuy nhiên, ông cũng khuyên sinh viên nên đầu tư mạnh vào việc học tập kiến thức ở bậc ĐH bởi khởi nghiệp không hề dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Đặc biệt, theo ông, khởi nghiệp của các bạn trẻ nên bắt đầu ở địa phương trước để đảm bảo yếu tố sống còn, tìm được nguồn đầu ra cho dịch vụ, sau đó mới có thể tính chuyện vươn tầm thế giới.

Sinh viên đặt câu hỏi tại buổi nói chuyện

Để doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ và nhỏ cạnh tranh được với các “ông lớn”, ông Dũng cho rằng cần sản phẩm tốt, tạo được sự khác biệt, dịch vụ cần chất lượng.

Xây dựng nền tảng tốt để vươn tầm

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Lực (Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English) dẫn chứng câu chuyện khởi nghiệp của chính bản thân. Ông cho hay, điểm khác biệt lớn mà ngay từ đầu doanh nghiệp của ông hướng đến chính là cung cấp các khóa học với mức học phí cao trong khi sĩ số lớp lớn. Điều này đi ngược lại với xu hướng học phí cao và sĩ số lớp nhỏ như thông thường.

Ông Lê Đình Lực (Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English) chia sẻ với sinh viên câu chuyện khởi nghiệp của bản thân

Chính sự khác biệt này đã đặt doanh nghiệp của ông trước nhiều thử thách, trong đó có việc khó chiêu mộ giáo viên thực sự tài năng. Tuy nhiên, bằng cách đầu tư vào chất lượng giáo viên, sự tận tâm trong cách giảng dạy, cùng với sự hỗ trợ từ công nghệ…, từng bước hoạt động khởi nghiệp của ông đã đạt được những thành quả.

Từ đây, ông đưa ra cho sinh viên 2 lời khuyên. Trước tiên, khi khởi nghiệp, các em nên bắt đầu từ những vấn đề mà thực tiễn chưa giải quyết được. Cùng với đó, các em cần có lộ trình thực hiện vững chắc, thậm chí có thể đi từng bước chậm, tránh nôn nóng thành công.

“Khởi nghiệp không thể thành công thần tốc sau một đêm mà kết quả chỉ thấy được từ những thay đổi nhỏ sau mỗi ngày, mỗi tháng”- ông Lực nói.

Để vươn tầm thế giới, ông khuyến khích các bạn trẻ nên xây dựng nền tảng vững chắc cho dự án khởi nghiệp từ bên trong. Trong đó, có việc xây dựng đội ngũ, văn hóa, hệ thống quản trị… Khi đã có đội ngũ vững chắc, nền tảng tốt, điều kiện thuận lợi, các nhà khởi nghiệp trẻ có thể mơ lớn hơn, đặt mục tiêu xa hơn.

Còn PGS. TS Trần Hữu Đức (Nhà đồng sáng lập BCC và Better Living) thì gửi đến sinh viên 5 thông điệp đối với hành trình khởi nghiệp. Đó là, hãy bắt đầu bằng khát vọng lớn; tìm ra được năng lực cốt lõi của bản thân; kết nối các nguồn lực; lên kế hoạch, thực thi và dám thất bại.

Bởi theo ông, chính khát vọng lớn, tinh thần dám thất bại mới thôi thúc các bạn trẻ vượt qua trở ngại, giữ vững mục tiêu, kiên trì theo đuổi đam mê để khởi nghiệp.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)