Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình tư vấn học đường lần 3 năm học 2019-2020 với chủ đề “Tinh thần khởi nghiệp trong kỷ nguyên số” tổ chức tại Trường THPT Phước Long (Q.9) ngày 30-12. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH FPT tổ chức với mục tiêu trang bị những kỹ năng cần thiết giúp học sinh THPT tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân, nuôi dưỡng khát vọng làm giàu trong thời đại công nghệ số.
Học sinh Trường THPT Phước Long bày tỏ băn khoăn về các kỹ năng khởi nghiệp thành công
Tự mình vẽ ra bức tranh của tương lai
Chia sẻ cùng đông đảo học sinh trong trường, TS. Bùi Quang Tín (phụ trách Phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho hay, nói đến khởi nghiệp nghe có vẻ lớn lao, thế nhưng, nói một cách đơn giản khởi nghiệp là sự bắt đầu của một ngành nghề. Theo ông Tín, nhiều học sinh cho rằng khởi nghiệp chỉ là bắt đầu một hoạt động kinh doanh, tuy nhiên đó là cách nghĩ chưa đầy đủ và trọn vẹn. Không chỉ nói đến sự bắt đầu của một hoạt động kinh doanh, làm giàu, khái niệm khởi nghiệp còn bao quát rộng hơn là sự bắt đầu để chọn cho mình một ngành nghề trong tương lai. Ví dụ như nghề kỹ sư, bác sĩ, giảng viên… Để có sự lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp thành công trong tương lai, ngay từ trên ghế nhà trường, học sinh cần có những sự chuẩn bị tốt nhất. Ví dụ, các em muốn làm giảng viên ở trường ĐH, ít nhất các em phải tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ… Do đó, sự chuẩn bị của các em là phải xác định được mình yêu thích giảng dạy ở lĩnh vực nào, sau đó phải nỗ lực học tập tốt để từng bước thực hiện được lộ trình mà mình đã đặt ra.
Khởi nghiệp là một lộ trình được chuẩn bị nghiêm túc và chu đáo. Đối với lứa tuổi học sinh THPT, bước đầu tiên trong lộ trình ấy là bản thân mỗi em cần khám phá, xác định rõ ràng mình mong muốn làm ngành nghề gì trong tương lai. Bên cạnh đam mê, sở thích, các em nên soi chiếu với yếu tố năng lực của chính mình. Khi các yếu tố trên cân bằng, một bức tranh tương lai sẽ được vẽ ra, giúp học sinh không bị mơ hồ, lẩn quẩn. Theo các chuyên gia kỹ năng, bước xác định bản thân rất quan trọng, xác định đúng đồng nghĩa rằng học sinh sẽ lựa chọn đúng ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với mình, lựa chọn đó sẽ mang lại khả năng thành công cao trong tương lai; ngược lại, xác định sai ngay từ đầu thì lộ trình tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải bỏ cuộc, mất thời gian bắt đầu lại từ đầu.
Ông Tín hóm hỉnh đưa ra lời khuyên: “Ba bí kíp dành cho các em là, trước hết phải hiểu rõ chính mình, hiểu bản thân đam mê những gì. Để khám phá bản thân, các em có nhiều cách như học hỏi từ thầy cô, bạn bè, người thân. Khi đã “biết mình biết ta” thì “trăm trận trăm thắng”. Thứ hai, các em cần hiểu về ngành nghề, lĩnh vực mà mình lựa chọn. Cuối cùng là tìm hiểu rõ các bậc học, các trường học để có sự lựa chọn phù hợp”. Ông Tín nhấn mạnh thêm: “Để khởi nghiệp trong thời kỷ nguyên số, các em cần nhanh chóng cập nhật các thông tin. Bởi thời đại công nghệ số luôn liên tục cập nhật thông tin mới. Song song đó là thái độ chịu khó học tập, trau dồi năng lực của bản thân thì sẽ dễ thành công hơn trong tương lai”.
Đừng… ngại khó
Chia sẻ về kế hoạch khởi nghiệp của mình cùng em trai, Gia Bảo (lớp 12A1) cho hay: “Em đam mê về lập trình, còn em trai thì có tố chất lãnh đạo. Do vậy, em và em trai đang chuẩn bị một kế hoạch là trong tương lai, sau khi tốt nghiệp ĐH sẽ phát triển về lập trình game trước, khi tích lũy được số tiền vừa đủ thì hai anh em sẽ lập ra một công ty lập trình game. Như vậy có khả thi không?”. Trước chia sẻ của Gia Bảo, ông Tín hoàn toàn ủng hộ ý tưởng cũng như bức tranh tương lai mà Gia Bảo đã vẽ lên. Bên cạnh ủng hộ, ông Tín đưa ra lời khuyên: Lĩnh vực lập trình, công nghệ thông tin là những lĩnh vực đặc thù, rất vất vả, ngoài đòi hỏi yếu tố đam mê thì các em cần học giỏi các tổ hợp môn toán, lý, hóa hoặc toán, lý, ngoại ngữ. Về kỹ năng, các em cần có thêm tố chất kiên trì, nhẫn nại, đặc biệt là không ngại khổ.
Tiếp theo, một học sinh nữ lớp 12 bày tỏ băn khoăn: “Em có dự định chọn ngành marketing, thế nhưng em chưa hiểu rõ về ngành này. Mong các chuyên gia giúp đỡ em hiểu rõ thêm về ngành này và lựa chọn trường như thế nào?”. Theo ông Tín, hiện nay nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng marketing là bán hàng. Tuy nhiên, marketing là ngành học mà sau khi ra trường, người lao động sẽ là người chuyển tải thông tin sản phẩm, dịch vụ của công ty, doanh nghiệp đến với khách hàng; còn quảng cáo, tiếp thị chính là công cụ. Hiện nay, rất nhiều trường ĐH đang đào tạo ngành marketing, tuy nhiên khi chọn trường, các em nên lưu ý những yếu tố như: Chọn trường ở khu vực gần nhà để thuận lợi di chuyển; chọn trường có mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình; ngoài ra trường đó phải có dịch vụ, câu lạc bộ để các em được hỗ trợ trong quá trình học. Đặc biệt là trường đó có hỗ trợ cơ hội thực tập, cơ hội kiếm việc làm sau tốt nghiệp hay không. Để chọn được trường phù hợp, các em nên vào website, fanpage của các trường tìm hiểu thêm thông tin. Sau khi chọn được trường đúng với đam mê, năng lực, các em nên tập trung tối đa vào học tập, trau dồi kiến thức và kỹ năng, tự rèn luyện cho mình tinh thần không ngại khó, ngại khổ. Sau khi ra trường, các em cũng sẽ bắt đầu khởi nghiệp với tinh thần đó thì thành công sẽ luôn chờ đợi ở phía trước.
Bài, ảnh: Hoài Thương
Bình luận (0)