Nếu chỉ dừng lại ở kinh doanh cà phê, trà sữa… để kiếm tiền thì các em mới chỉ đang lập nghiệp, còn khởi nghiệp hướng đến việc tạo ra những giá trị thiết thực.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Dũng (giảng viên chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan) chia sẻ tại buổi nói chuyện trực tuyến
PGS.TS Nguyễn Ngọc Dũng (giảng viên chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, IPP) đã nhấn mạnh điều này với các em sinh viên tại buổi nói chuyện trực tuyến xoay quanh chủ đề “Tư duy khởi nghiệp” diễn ra tại một trường ĐH mới đây.
Tạo ra những giá trị thiết thực cho xã hội, cộng đồng
Tại buổi nói chuyện trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Dũng cho biết nhiều sinh viên vẫn thường hay đặt câu hỏi, bày tỏ những băn khoăn, nhờ góp ý để tham gia con đường khởi nghiệp. Trao đổi với sinh viên, ông lưu ý các em xác định mục tiêu lớn nhất của bản thân khi muốn đặt chân vào con đường khởi nghiệp, đồng thời cần hình dung những khó khăn trên hành trình khởi nghiệp đó, có sự chuẩn bị để vượt qua được những khó khăn, thử thách.
Ông Dũng chia sẻ, khi nghe đặt vấn đề các em có từng được những doanh nhân thành đạt chia sẻ về những khó khăn trên con đường khởi nghiệp của họ, nhất là những thất bại gặp phải và cách thức vượt qua; lúc đó nhiều sinh viên mới nhận ra là mình chưa hoạch định kỹ và mục tiêu của các em khi khởi nghiệp chỉ đơn giản là… kiếm được nhiều tiền. Theo ông Dũng, sinh viên khi khởi nghiệp cần có sự mày mò, tìm kiếm khám phá, không bằng lòng với những hiểu biết hiện tại, đồng thời có sự sáng tạo. Nếu chỉ muốn kinh doanh cà phê, trà sữa kiếm tiền thông thường thì các bạn trẻ mới chỉ dừng lại ở lập nghiệp, chưa phải khởi nghiệp. Vì khởi nghiệp thường hướng đến tạo ra các giá trị thiết thực cho xã hội, cộng đồng.
Sinh viên có thể tìm đến những công ty khởi nghiệp để học hỏi, trải nghiệm thực tế. Trong ảnh: Sinh viên trả lời phỏng vấn ứng tuyển việc làm với doanh nghiệp
Ông Dũng dẫn chứng câu chuyện từng được nghe trong chương trình “Phiên chợ khởi nghiệp” tại Cần Thơ vào năm 2017 về hành trình khởi nghiệp của một người dân miền Tây với sản phẩm rượu làm từ mận. Mặc dù khởi nghiệp muộn, sau khi về hưu nhưng người đàn ông này đã tạo ra một giá trị nhân văn cao cả, tạo ra rượu mận, giải quyết được đầu ra cho trái mận của người dân địa phương nhất là vào những thời điểm chín rộ. Tuy vậy, vốn không chuyên và thiếu kinh nghiệm, người đàn ông này đã bao phen thực hiện sản phẩm thất bại, dù ông có tham khảo cách làm rượu từ dừa, bưởi, thanh long… rồi tìm đến nhờ sự chỉ dẫn của các nhà khoa học tại Trường ĐH Cần Thơ. Quá trình thử, sai và sửa sai nhiều lần tốn kém khiến ông phải hai lần bán đất để có kinh phí thực hiện. Và sau những lần thất bại đó, cuối cùng ông cũng đã tạo ra sản phẩm rượu mận thành công. Lúc này, hàng loạt vấn đền liên quan đến việc xin cấp phép kinh doanh, thuyết phục người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu… lại tiếp tục đem đến những thử thách mới mà một mình ông đã phải kham hết. Qua đây, ông Dũng một lần nữa nhấn mạnh, khởi nghiệp là hành trình không ít cam go, gắn với những nỗ lực và không ngừng tìm tòi, sáng tạo.
LAN TỎA TINH THẦN KHỞI NGHIỆP TRONG CỘNG ĐỒNG SINH VIÊN Sắp tới, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) tổ chức chương trình “Công dân tích cực – Tinh thần khởi nghiệp” nhằm ươm mầm các dự án khởi nghiệp và hành động vì sự phát triển bền vững của cộng đồng. Chương trình cũng hướng đến lan tỏa tinh thần công dân tích cực và tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên các trường ĐH tại TP.HCM. Theo đó, các sinh viên tham gia sẽ được trang bị kiến thức lẫn kỹ năng cần thiết về dự án xã hội và khởi nghiệp; được tư vấn và huấn luyện để biến ý tưởng thành các dự án khả thi; có cơ hội học hỏi những doanh nhân, người khởi nghiệp thành công tại Việt Nam… Theo ban tổ chức, sinh viên tuổi từ 18-25 yêu thích, đam mê các hoạt động sáng tạo, phát triển cộng đồng, khởi nghiệp; có mong muốn học hỏi, kết nối mạng lưới để xây dựng, phát triển, triển khai dự án có thể đăng ký tham gia chương trình này. Dự kiến, thời gian tổ chức tập huấn khóa 1 từ ngày 14 đến 17-7 và khóa 2 từ ngày 28 đến 31-7 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. |
Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Thị Diệu Linh (Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) cho rằng hành trình khởi nghiệp là lâu dài, đòi hỏi sinh viên khi khởi nghiệp cần trang bị một lối tư duy đúng. Khởi nghiệp không giống với lập nghiệp, không phải chỉ để kiếm thu nhập mà còn tạo ra giá trị.
Sinh viên nên tập sự ở công ty khởi nghiệp
“Một sinh viên chỉ có kiến thức sách vở thì có nên khởi nghiệp không?” – vấn đề này được nhiều sinh viên trăn trở đặt ra tại buổi nói chuyện. PGS.TS Nguyễn Ngọc Dũng nhận định, nếu sinh viên thực sự muốn khởi nghiệp nên tìm đến những công ty khởi nghiệp để tập sự. Đây chính là môi trường thực tế để trải nghiệm và học hỏi vì quá trình khởi nghiệp đòi hỏi phải học rất nhiều. Những người làm ở môi trường là công ty khởi nghiệp rất khác so với những công ty truyền thống, đòi hỏi tinh thần tự chủ rất cao. Đặc biệt, ông Dũng nhấn mạnh, người có tư duy khởi nghiệp luôn tìm kiếm cơ hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào và hiện thực hóa cơ hội đó không phụ thuộc vào nguồn lực họ đang có trong tay. Theo ông, có những người đứng ra khởi nghiệp không xuất phát từ những gì họ có trong tay mà từ mục tiêu họ cần đạt đến. Nhưng cũng có những người khởi nghiệp từ việc sử dụng nguồn lực có trong tay. Dự án khởi nghiệp “Sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ cây bơ” của nhóm sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM là một điển hình. Xuất thân từ vùng Tây Nguyên với đặc sản nổi tiếng là quả bơ, nguồn lực mà nhóm sinh viên có được chính là kinh nghiệm, sự am hiểu về quá trình sinh trưởng, phát triển cũng như đặc tính của bơ. Và nhóm sinh viên thông qua dự án khởi nghiệp đã “giải cứu quả bơ”, tìm đầu ra, nguồn tiêu thụ cho trái bơ của người dân nơi đây, nhất là vào mùa chín rộ.
Song song đó, ông Dũng cũng khuyên các em sinh viên: Khi khởi nghiệp, nhiều em sẽ giữ vai trò lãnh đạo đội nhóm của mình, dẫn dắt đội nhóm đến thành công. Chính vì vậy, các em nên học hỏi tư duy, xây dựng tinh thần làm chủ và cách thực hành tốt nhất thời điểm này chính là rèn luyện cho mình kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm…
Bài, ảnh: Thục Trân
Bình luận (0)