Nếu ý tưởng kinh doanh thành công, chẳng bao lâu nữa sẽ có sản phẩm nước mía đóng chai, lon trên thị trường phục vụ nhu cầu của mọi người
|
Hành trình khởi nghiệp của nhiều sinh viên bắt nguồn từ những ý tưởng kinh doanh đầu tay như nước mía đóng chai, xe ôm chất lượng cao, rau Việt… Với các bạn trẻ, cứ nỗ lực hết mình theo đuổi ý tưởng kinh doanh thì trước sau gì cũng chạm tới thành công.
Hơn 30 dự án kinh doanh của sinh viên các trường ĐH trên cả nước sẽ được trao giải thưởng Tài năng Lương Văn Can vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) sắp tới.
Sẽ có nước mía đóng chai
Từ những lần đi uống nước mía, tán gẫu với bạn bè, Ngô Văn Thắng (sinh viên ngành tài chính – ngân hàng, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) nảy ra ý tưởng kinh doanh nước mía đóng chai, lon phục vụ nhu cầu “thượng đế”. Theo tìm hiểu của Thắng, cây mía có 70% là đường, còn lại là các chất béo, đạm và bột nên có thể cung cấp cho cơ thể đủ năng lượng và dinh dưỡng cần thiết. Mía còn có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, chống táo bón và nhiều bệnh khác. Thế nhưng hiện nay, hầu hết người sử dụng đều phải đến tận các cửa hàng, điểm bán nước mía nhỏ lẻ cho mỗi lần uống, khá bất tiện. Hơn nữa, phần đông tâm lý khách hàng e ngại nước mía tại các điểm bán lẻ không đảm bảo vệ sinh. Do vậy, ý tưởng sản xuất nước mía đóng chai, lon sẽ giúp khắc phục được những hạn chế này. Ngoài ra, khi dự án triển khai sẽ tạo thêm nguồn tiêu thụ mía ổn định cho người trồng, tránh tình trạng chỉ phụ thuộc vào các nhà máy mía đường như hiện nay. Từ đó, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân tại vùng nguyên liệu. Đồng thời, có thể kết hợp giữa trồng mía và chăn nuôi trâu bò, tăng hiệu quả kinh tế.
Từ thăm dò thị hiếu một số khách hàng ở các điểm bán nước mía ven đường và siêu sạch, sản phẩm nước mía Việt của Thắng sẽ có 6 vị chính là: Nguyên chất, bạc hà, quất, dâu, đào và chocolate. Khách hàng mà dự án nhắm đến có độ tuổi từ 6 đến 35, vì nhóm đối tượng này thường có nhu cầu sản phẩm đóng chai, lon phục vụ cho việc mang đi học, đi làm…
Cũng như Thắng, dự án kinh doanh đầu tay xe ôm chất lượng cao của Nguyễn Hữu Hoàng Thi (sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM) khởi điểm từ thực tế. Theo Thi, xe ôm đã có từ rất lâu và trải qua thời kỳ phát triển rất mạnh mẽ. Thế nhưng gần đây, nó lại mất dần vị thế trước sự cạnh tranh của các phương tiện khác. Tìm hiểu của Thi, tại TP.HCM, hiện các công ty chuyên về dịch vụ xe ôm chỉ mới xuất hiện và số lượng cũng không nhiều. Đa số hoạt động nhỏ lẻ và sau đó biến mất trên thị trường. Trong khi đó, đối tượng xe ôm tự do chiếm gần như chủ đạo với kinh nghiệm chạy xe nhiều, một số có nguồn khách quen riêng. Song họ hoạt động rời rạc, thiếu tổ chức và không chuyên nghiệp.
Đối với ý tưởng xe ôm chất lượng cao của Thi, hành khách đi 2km đầu được tính giá 10 ngàn đồng/người. Từ kilômét thứ 3 trở lên, giá giảm xuống còn 5 ngàn đồng/người. Đặc biệt, với khách hàng có ký hợp đồng thì từ 50km trở lên/tháng được giảm 5% trên tổng hóa đơn. Từ 100km trở lên/tháng được giảm 10%. Thi cho rằng, dịch vụ này được nâng lên ở thái độ phục vụ, có đồng hồ tính cước, có tổng đài gọi đến, thêm vào đó khách hàng còn được bảo hiểm khi sử dụng.
“Cứ đi là sẽ tới!”
Với Thi, dự án thành công nếu em kiếm được nguồn tài trợ để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Nhưng thành công trước tiên của dự án chính là việc em đã học được cách khởi nghiệp, từ đam mê kinh doanh đến nỗ lực tìm kiếm kiến thức phục vụ việc xây dựng dự án. Cô sinh viên này chia sẻ, cũng có thể dự án sẽ không thành công ngay khi ứng dụng vào thực tế nhưng đây sẽ là những kinh nghiệm đáng giá giúp em khởi nghiệp sau này. Trong khi đó, Thắng cũng cho rằng, dự án nhỏ và đơn giản nhưng để thực hiện được nó, em mất khá nhiều công sức, thời gian và gặp không ít khó khăn. “Để ý tưởng đi vào thực tế càng khó khăn hơn bởi dự án “made in sinh viên” như của tụi em sẽ không tránh khỏi những chỗ “chênh” với tình hình thực tế, hơn nữa vấn đề vốn thực hiện không hề dễ dàng. Hiện em cũng đang cố gắng hoàn thiện dự án để kêu gọi tài trợ” – Thắng tâm sự. Nhưng từ đây mà giấc mơ khởi nghiệp kinh doanh của các em được chắp cánh. Theo Thắng, lợi thế của tuổi trẻ khi khởi nghiệp là không ngại thất bại, nếu vấp ngã sẽ có thời gian để đứng dậy, bắt đầu lại. Tuổi trẻ còn nhanh nhạy trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, chưa có nhiều mối ràng buộc (từ gia đình riêng) nên có điều kiện toàn tâm toàn ý cho công việc, đầu tư mạnh dạn, thậm chí mạo hiểm dấn thân. Nhưng cái thiếu ở tuổi trẻ chính là kinh nghiệm bởi những kiến thức học được ở nhà trường là chưa đủ so với yêu cầu thực tế. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực học tập, việc không ngừng theo đuổi, chăm chút giấc mơ kinh doanh bằng những ý tưởng mới là cách để khởi nghiệp thành công.
“Thành công là kết quả của cả một quá trình, cứ cố gắng mỗi ngày một ít, chắc chắn thành quả nhận được sẽ không phụ mình. Cứ đi là sẽ tới!”, cô sinh viên trẻ Nguyễn Hữu Hoàng Thi khẳng định.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Một số dự án kinh doanh “made in sinh viên” được đánh giá cao nhờ tính ứng dụng thực tế như: Cửa hàng cho thuê đồ chơi trẻ em, mô hình tự học – tự làm việc, quán ăn tự phục vụ cho sinh viên, thành lập trung tâm đào tạo trực tuyến, rau Việt… |
Bình luận (0)