Được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng, đi xuyên suốt tất cả lĩnh vực của đời sống, công nghệ thông tin (CNTT) đang là ngành được nhiều bạn trẻ quan tâm và lựa chọn để tạo dựng tương lai.
Theo chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Thành đoàn TP.HCM), các dự án về công nghệ luôn chiếm từ 35-47% trong tổng số các dự án gửi về tham gia Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Startup Wheel trong những năm qua. Đã có nhiều dự án CNTT thành công, tạo được tiếng vang trong nước và các hội nghị khởi nghiệp quốc tế như: BabyMe, vexere.com… Đó là chưa kể sự thành công của Zalo, Cốc Cốc, Flappy Bird… đã kích thích các cá nhân hay nhóm lập trình viên tích cực xây dựng các dự án khởi nghiệp.
Nhiều “cạm bẫy chết người”
Tại buổi trao đổi với những sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, anh Huỳnh Ngọc Duy, Giám đốc điều hành Mắt Bão Media, cho rằng: Ngành CNTT tại Việt Nam đang được đẩy mạnh với hàng loạt chủ trương của Chính phủ về phát triển cơ sở hạ tầng cũng như nâng cao chất lượng nhân lực. So với các ngành khác, không quá khó để một bạn trẻ thử sức trong ngành công nghệ bởi chỉ cần trải qua một quá trình đào tạo bài bản, một chiếc máy tính, một không gian cùng một số vốn khởi điểm nhỏ là có thể bắt đầu. Vì thế, với kỹ năng và kiến thức được đào tạo bài bản, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT đang ngày càng lớn và chia đều cho tất cả bạn trẻ.
Anh Huỳnh Ngọc Duy (Giám đốc điều hành Mắt Bão Media) đối thoại với sinh viên tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Startup Wheel
Tuy nhiên, việc này lại tạo nên sức ép cạnh tranh trong việc tìm kiếm thị trường, gọi vốn đầu tư, tạo ra vô vàn những “cạm bẫy chết người” khác. Một trong những cạm bẫy đầu tiên mà nhiều nhóm khởi nghiệp CNTT thường mắc phải là trong nhóm có 2-3 người có thể làm việc trên nhiều ngôn ngữ lập trình như Java, C++, ASP.Net, Visual Basic… Điều này dễ dẫn đến việc bất đồng, người này không tôn trọng ý kiến người kia vì khả năng lập trình của họ đều ngang nhau. Tiếp theo nữa là cạm bẫy liên quan đến cơ cấu tổ chức, cũng là vấn đề mà bất cứ nhóm khởi nghiệp nào cũng từng mắc phải. Đó là sự thiếu rạch ròi trong việc phân định vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền lợi của mỗi cá nhân tham gia. “Ngay cả lợi nhuận thu được ban đầu cũng là một trong số này. Sẽ có người phẩy tay và nói rằng: “Có đáng bao nhiêu đâu, mới khởi nghiệp mà, chúng ta là bạn thân mà”. Đúng, những lợi nhuận ban đầu đó sẽ không có gì đáng kể, nhất là khi lợi nhuận đó lại rất nhỏ so với đồng vốn ít ỏi của các bạn bỏ ra để khởi nghiệp. Nhưng chính việc thiếu rạch ròi ngay từ đầu đã dẫn đến việc nội bộ đấu đá, sản phẩm bị bỏ rơi, thậm chí là “chết yểu” chỉ vì những lý do mà các bạn cho là nhỏ nhặt đó”, anh Ngọc Duy phân tích.
Để minh họa cho phân tích này, một cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết: “Tôi cũng đã từng khởi nghiệp với sản phẩm là một website dạy và học tiếng Anh. Trong quá trình hoạt động, tôi hợp tác với hai người bạn chuyên về công nghệ để lập trình. Tuy nhiên, hai người này lại mâu thuẫn nhau trong việc lựa chọn nền tảng cơ sở dữ liệu muốn sử dụng trong khi bản thân tôi lại muốn dự án của mình phát triển nhanh. Những bất đồng đó đã dẫn đến việc website bị thất bại sau 4 tháng hoạt động”.
Đừng cho rằng “ý tưởng của mình to”
Với kỹ năng và kiến thức được đào tạo bài bản, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT đang ngày càng lớn và chia đều cho tất cả bạn trẻ. |
Một trong những trở ngại khiến những dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT dễ va vấp, thất bại ngay từ đầu là thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing hay quản trị nhân sự, hoặc bị hạn chế về những mối quan hệ kinh doanh với các lĩnh vực khác. Điều này sẽ trở nên vô cùng khó khăn nếu người đứng đầu mảng phát triển sản phẩm của dự án muốn rời bỏ công ty sau một thời gian hoạt động. Đó là chưa kể một sản phẩm khi được làm ra nếu chỉ từ góc nhìn của người làm kỹ thuật sẽ rất khó để tiếp cận khách hàng và gặp khó khăn trong vấn đề thương mại hóa. “Công ty thuộc lĩnh vực CNTT là viễn thông FPT cũng từng rơi vào trường hợp khó tiếp cận khách hàng. Ban đầu, khi bước chân vào thị trường Mỹ, FPT nghĩ rằng chỉ cần thuê một người Mỹ làm giám đốc bán hàng thì có thể đi vào thị trường này. Nhưng rồi, FPT lại không bán được đồng nào, lỗ hàng tỷ đồng và đích thân Chủ tịch FPT phải đi chào hàng và thuyết phục Tập đoàn IBM mua giải pháp dịch vụ Digital Fall và cử đại diện sang Việt Nam khảo sát tình hình thực tế”, anh Trần Hoàng Bảo, Chủ tịch Công ty cổ phần Onnet, dẫn chứng.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, anh Hoàng Bảo cho rằng ý tưởng là quan trọng, nhưng cách làm còn quan trọng hơn. Khi đưa ra ý tưởng, ai cũng khăng khăng cho rằng ý tưởng khởi nghiệp của mình là hay, sản phẩm của mình là tiên phong trong khi thực tế những ý tưởng, sản phẩm tương tự đã xuất hiện nhan nhản trên thị trường. “Nếu đã có ý định đi vào thị trường “ngắt” (thị trường đã có người thực hiện – PV) thì bạn phải “đãi cát tìm vàng”, phải nghĩ cách để đánh bật sản phẩm trên thị trường chứ không phải ôm khư khư cái ý tưởng. Ai cũng có những vấp váp, thất bại, và càng kinh qua nhiều thất bại thì cơ hội thành công sau này càng cao”, anh Hoàng Bảo chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Mất 3-5 năm cho một dự án khởi nghiệp Anh Trần Hoàng Bảo, Chủ tịch Công ty cổ phần Onnet, cho biết điều mà người trẻ cần làm khi khởi nghiệp là phải tập trung vào việc đánh giá thị trường, nghiên cứu sản phẩm và hoạch định thị trường chiến lược trong thời gian dài. Người trẻ thường sẽ mất khoảng 3-5 năm cho một dự án khởi nghiệp nên đừng nản chí khi gặp những va vấp buổi ban đầu. |
Bình luận (0)