Nghĩ lớn nhưng thực hiện từ từ từng bước nhỏ và chờ thời cơ phù hợp để khởi nghiệp là định hướng mà ông Trần Văn Phát (Giám đốc điều hành Công ty Robot Việt Nam) gửi đến sinh viên thông qua buổi nói chuyện chủ đề “Thanh niên lập thân, lập nghiệp” vừa diễn ra tại TP.HCM.
Sinh viên ứng tuyển việc làm trực tiếp với nhà tuyển dụng
Theo ông Phát, làm từng bước nhỏ là cách để các bạn trẻ lượng được sức, đảm bảo được độ an toàn và khi có cơ hội, đúng thời cơ sẽ “bung” ra chứ không có nghĩa giậm chân tại chỗ.
Có bước đi phù hợp
Cùng chia sẻ với sinh viên, ThS. Nguyễn Lê Minh Long (Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp – Tư vấn việc làm Trường ĐH Mở TP.HCM) nêu thực tế, câu hỏi “Tốt nghiệp xong rồi làm gì nữa” không phải chỉ của số ít sinh viên, đây chính là tâm tư của rất nhiều em đang ngồi trên giảng đường. Qua quan sát nhiều năm có thể nhận thấy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên đứng trước 3 ngã rẽ: Đi làm thuê, làm chủ và đi học tiếp. Trong đó, lựa chọn đi làm thuê chiếm đông nhất. Ông Long cho rằng các sinh viên đừng quá đặt nặng suy nghĩ về khái niệm làm thuê; chỉ cần hiểu đó là quá trình đi làm cho một công ty, doanh nghiệp, cá nhân để hưởng lương, thu nhập, hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật. Còn việc làm chủ chỉ thực hiện được khi các bạn có một nền tảng về vốn, về ý tưởng, về mô hình kinh doanh, sản xuất…, từ đó tạo việc làm cho chính bản thân và cho người khác. Để làm chủ tốt, nên làm thuê trước, vì ngoài kiến thức trên giảng đường, người trẻ cần có ý tưởng nung nấu, có va chạm thực tế, có kinh nghiệm vận hành tất cả mọi thứ…
Trong khi đó, ông Trần Văn Phát nêu ra một thực tế tại doanh nghiệp mình là dù tuyển dụng thường xuyên nhưng vẫn không có đủ nhân sự. Một trong các nguyên nhân là sinh viên mới ra trường còn hạn chế kỹ năng, kinh nghiệm nhưng lại lựa chọn ứng tuyển những vị trí cao như trưởng, phó phòng hoặc ứng tuyển nhân viên nhưng đề xuất mức lương của trưởng, phó phòng, rất khó đáp ứng. “Trong định hướng của các sinh viên mới ra trường, hãy chấp nhận làm thuê trước để tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm thực tế, sau đó thăng tiến lên chức vụ cao hơn hoặc làm chủ. Đây chính là bước tiến phù hợp”, ông Phát nói.
ThS. Nguyễn Lê Minh Long (Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp – Tư vấn việc làm Trường ĐH Mở TP.HCM) cho rằng sinh viên mới ra trường không nên “giận lẫy” doanh nghiệp khi họ đưa ra yêu cầu kinh nghiệm một hay hai năm trong tuyển dụng, vì thực tế có những công việc đòi hỏi những kinh nghiệm tích lũy qua quá trình như vậy. Các bạn trẻ có thể ứng tuyển vị trí phù hợp hơn để tích lũy kinh nghiệm cần thiết trước khi ứng tuyển vào vị trí mong muốn đó. |
Ông Phát cũng chỉ ra thêm, trong quá trình làm thuê cũng như làm chủ, sẽ có những lúc khó khăn “lên bờ xuống ruộng”, nhưng đó là điều có thể xảy ra khi làm kinh doanh. Nếu vượt qua được, chắc chắn lần sau các bạn sẽ không rơi vào những thất bại cũ, mắc những sai lầm cũ.
Tập trung cho lĩnh vực thế mạnh
Để có được việc làm và thành công trong công việc, ông Trần Văn Phát khuyên sinh viên nên tập trung đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh. Ông Phát dẫn chứng câu chuyện của mình, khi còn là sinh viên học quản trị kinh doanh, ông đã tập trung mạnh vào 2 môn quản trị chiến lược và quản trị marketing. Có thế mạnh này, sau khi làm luận án tốt nghiệp đề tài “Chiến lược và chính sách kinh doanh của Công ty gạch Đồng Tâm”, ông đã được cất nhắc làm trợ lý giám đốc cho công ty. Bên cạnh đó, theo ông Phát, quá trình học cần “đi đôi với hành”; những cái mới của xã hội, người học cần tìm hiểu, nắm bắt. “Chẳng hạn như năm 1997, khi thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu hình thành, nhờ môn chứng khoán được đưa vào giảng dạy kịp thời, ra thực tế chúng tôi nắm bắt được nghiệp vụ chứng khoán mà không cảm thấy lúng túng. Hiện nay sinh viên cần tìm hiểu để nắm bắt xu thế của thời đại chuyển đổi số. Vì những kiến thức trong sách, trong nhà trường cũng chỉ ở mức độ nền tảng, cập nhật thêm trên thực tế là quan trọng để các bạn làm được công việc, xa hơn có thể khởi nghiệp”, ông Phát nhận định.
Ngay cả bản thân ông, khi đã trải qua quá trình 10 năm kỳ cựu trong ngành vật liệu xây dựng, tận dụng mối quan hệ có sẵn, nhảy ra khởi nghiệp ở lĩnh vực mới mà mình đam mê là ngành thực phẩm, lại… thất bại ngay lập tức. Ông Phát chỉ ra, thất bại ở chỗ chính bản thân đã tạo ra bức tranh ảo, đưa ra một mức doanh thu quá lớn cũng như chi phí kèm theo nhưng khi vận hành thực tế doanh nghiệp, doanh thu đó không đủ, chi phí cũng còn không nhiều. Vì vậy, ông khuyên người khởi nghiệp, kinh doanh chỉ làm đa ngành khi năng lực đủ lớn. Còn khi đang làm ngành này nhảy qua khởi nghiệp ngành khác, khả năng sẽ đối mặt thất bại vì thiếu kinh nghiệm về thị trường, về khách hàng để tạo ra sản phẩm, chi phí không đủ duy trì lâu dài, thua lỗ…
Bên cạnh tập trung vào lĩnh vực thế mạnh, ông Phát cũng khuyến khích sinh viên đặt mục tiêu làm việc lên cao nhất, chủ doanh nghiệp nhận thấy nhân viên có chí tiến thủ mới tập trung đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)