Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khởi nghiệp ở ngoại thành: Khó lường rủi ro và khát vốn

Tạp Chí Giáo Dục

Khởi nghiệp gắn với nông nghiệp khó lường trước rủi ro vì phụ thuộc thời tiết, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra sản phẩm bấp bênh với điệp khúc “được mùa rớt giá”. 
Khởi nghiệp ở ngoại thành: Khó lường rủi ro và khát vốn
Chị Thanh Lan (huyện Hóc Môn) cho biết sẽ mở rộng cơ sở may gia công của mình nếu nhận được nguồn vốn vay ưu đãi – Ảnh: Ngọc Hiển

Nhưng với không ít những dự án khởi nghiệp ở vùng nông thôn hiện nay, khó khăn trước mắt chính là nguồn vốn vay ban đầu.

Nhiều cơ sở Đoàn khu vực ngoại thành cho biết hiện một số dự án vay vốn của thanh niên đang phải chờ giải ngân.

“Đối với nhiều dự án về nông nghiệp, chăn nuôi, chỉ cần chờ vốn hai tháng đôi khi cũng đã muộn rồi. Nên làm sao linh hoạt hơn trong xét duyệt hồ sơ để cấp vốn nhanh hơn

Anh Phạm Huỳnh Minh Thiện (phó chủ tịch Hội LHTN VN huyện Bình Chánh)

Ngủ một đêm sáng dậy trắng tay

Nhớ lại lúc mới gầy dựng mô hình trồng nấm, Đoàn Văn Toản (huyện Nhà Bè) còn ám ảnh bởi trận lốc năm 2012 cuốn phăng các nhà nấm đang cho thu hoạch đổ ụp xuống đất. Những căn chòi mái lá dừa mới dựng chưa thu lại vốn đã tan tành. Huyện đoàn phải đưa thanh niên cùng phụ với gia đình dựng lại trại nấm.

“Mới đầu nhìn cảnh tan hoang sau một đêm ngủ dậy, tưởng phải bỏ cuộc nhưng sự động viên của gia đình, mấy bạn bên huyện đoàn gợi ý tìm nguồn vốn vay ưu đãi nên mình mới có động lực lại làm từ đầu” – Toản bộc bạch.

Hiếu “cá lăng” của huyện Củ Chi cũng từng nhiều phen thất bại, thậm chí phát hoảng sau một cơn mưa đêm chuyển mùa, sáng dậy thấy đàn cá bố mẹ hàng trăm con phơi bụng trên ao. Họ kiên trì và bước đầu thành công.

Nhưng với nhiều bạn trẻ khác, họ thật sự “tần ngần” khi bắt tay khởi nghiệp gắn với nông nghiệp.

“Các bạn trẻ khởi nghiệp theo nghề nông tại huyện thường gặp nhiều rủi ro vì thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Có lần mô hình nuôi tôm của thanh niên dù được vay vốn từ nguồn tín chấp của Đoàn nhưng thất bại vì bỗng dưng nguồn nước bị ô nhiễm.

Chính vì thế, các bạn trẻ khởi nghiệp với các mô hình nghề nông tại huyện không còn nhiều. Việc tiếp cận nguồn vốn cũng là một khó khăn với các bạn.

Hơn sáu tháng nay, một số dự án vay vốn của thanh niên gửi đến quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của cấp thành phải chờ đợi để phát vay” – anh Nguyễn Thanh Tuấn, phó chủ tịch thường trực Hội LHTN VN huyện Nhà Bè, cho biết.

Khó tìm nguồn vốn giải ngân nhanh

Tháng 11-2015, chị Mai Thanh Lan (Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) làm đơn gửi đến Hội LHTN VN huyện Hóc Môn vay số tiền 30 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của TP.HCM. Chị muốn vay vốn để mua thêm máy may, thuê thêm nhân công mở rộng xưởng may gia công của mình. Tuy nhiên, từ khi gửi đơn đến nay chị Lan vẫn chưa nhận được vốn.

Theo chị Lan, đa số thanh niên khu vực nông thôn muốn làm ăn ngay tại quê hương mình nhưng khó khăn về nguồn vốn ban đầu nên phải đi làm công nhân, làm thuê ở các công ty, nhà máy. Bản thân chị Lan cũng phải dành dụm tiền trong một thời gian dài mới quyết định mở xưởng may để làm ăn riêng.

“Nhu cầu về vốn ở khu vực nông thôn là rất lớn nhưng nhiều thanh niên còn e ngại đứng ra vay vì thủ tục khá phức tạp và lãi suất cũng tương đối cao” – chị Lan nói.

Còn anh Nguyễn Sơn Hùng (Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) cho biết đã hai lần vay vốn khởi nghiệp với số tiền 150 triệu đồng.

Theo anh Hùng, tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp là nhu cầu cấp thiết của đông đảo thanh niên. Tuy nhiên, anh Hùng cho rằng lãi suất 0,8% mỗi tháng là tương đối cao và phải trả một phần tiền gốc ngay sau tháng được cho vay là rất khó cho thanh niên.

“Tôi vay 50 triệu đồng để nuôi bò sữa, ít nhất 1-2 năm mới có lãi, nhưng từ tháng thứ hai đã bắt đầu đóng 2,5 triệu mỗi tháng kèm theo lãi suất 0,8%. Do đó, cần phải có chính sách giãn thời gian trả tiền gốc ra dài hơn và giảm lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên mạnh dạn vay vốn” – anh Hùng chia sẻ.

Anh Nguyễn Lê Trọng Tâm, chủ tịch Hội LHTN VN huyện Hóc Môn, cho biết trở ngại lớn nhất của thanh niên trên địa bàn huyện khi khởi nghiệp là nguồn vốn. Theo anh Tâm, các nguồn vốn thanh niên tiếp cận được có nhược điểm là lãi suất tương đối cao và thời gian làm hồ sơ đến khi nhận được vốn lâu.

Ngoài ra, thanh niên còn gặp khó khăn trong công nghệ, “đụng đâu làm đó” bởi ít người được đào tạo bài bản qua trường lớp.

“Để giải quyết những khó khăn đó, chúng tôi đã linh động cho thanh niên tiếp cận những nguồn vốn chính sách xã hội và đưa thanh niên tham gia các lớp học cần thiết cho các bạn” – anh Tâm cho biết.

Anh Phạm Huỳnh Minh Thiện, phó chủ tịch Hội LHTN VN huyện Bình Chánh, cho biết hiện nay có hơn 300 thanh niên huyện Bình Chánh đang sử dụng các nguồn vốn khởi nghiệp do Đoàn, Hội quản lý với tổng số tiền 50 tỉ đồng.

Theo anh Thiện, thanh niên khu vực ngoại thành lúc khởi nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn bởi họ chưa phải là trụ cột gia đình, không sở hữu tài sản, giấy tờ nhà đất nên khó giao dịch với ngân hàng.

Thanh niên muốn vay vốn khởi nghiệp của hệ thống Đoàn, Hội phải có dự án hoặc đang thực hiện dự án, còn người mới hình thành ý tưởng thì chưa được tiếp cận các nguồn vốn.

Bên cạnh đó, thời gian xét duyệt, thẩm định hồ sơ vay vốn khá lâu, nhiều dự án khi nguồn vốn đến tay thì họ đã bỏ lỡ thời cơ khởi nghiệp. Do đó, anh Thiện cho rằng đơn vị cho vay vốn cần đặt niềm tin vào thanh niên để họ tiếp cận những nguồn vốn không cần thế chấp và kéo dài thời gian thanh toán đối với các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp để họ tự tin khởi nghiệp.

“Đối với nhiều dự án về nông nghiệp, chăn nuôi, chỉ cần chờ vốn hai tháng đôi khi cũng đã muộn rồi. Nên làm sao linh hoạt hơn trong xét duyệt hồ sơ để cấp vốn nhanh hơn.

Bên cạnh nguồn vốn khởi nghiệp lên đến hàng trăm triệu đồng như hiện nay, thành phố nên có những nguồn quỹ cho thanh niên vay “chữa cháy” khi cần vốn với số tiền 5 triệu, 10 triệu không cần thế chấp trong vài ngày để họ bước qua những thời điểm khó khăn của dự án” – anh Thiện nói.

“Phải đặt cược với thanh niên”

Anh Phạm Huỳnh Minh Thiện, phó chủ tịch Hội LHTN VN huyện Bình Chánh, cho rằng: “Đôi khi mình phải đặt cược với thanh niên, mình tin họ thì hãy đặt cược với họ. Họ chưa có tiền trả mình liền nhưng mình đặt cược rồi sẽ thấy họ cố gắng như thế nào”.

Theo anh Thiện, có những dự án vay 100-200 triệu đồng nhưng sẽ trả vốn trong vòng 1-2 tháng. Tuy nhiên, có những ngành nghề người ta chỉ vay 20-30 triệu đồng nhưng phải cần đến một, hai năm mới hoàn trả vốn vay.

Ví dụ anh Phan Hoài Phúc (huyện Bình Chánh) kinh doanh thức ăn gia súc, khi cần trữ nguồn hàng, anh Phúc vay đến 100 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhưng chỉ trong tháng tiếp theo là có thể hoàn trả nguồn vốn ban đầu.

 

NGỌC HIỂN – KIM ANH (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)