Xuất phát từ thực tế đọc sách cho con nghe mỗi tối, chị Lê Thị Cẩm Trinh (SN 1989) ở Đà Nẵng đã nghiên cứu tạo ra app đọc sách cho trẻ Umbalena. Hiện ứng dụng này đã tích hợp được 700 cuốn sách tiếng Việt và 300 cuốn sách tiếng Anh dành cho trẻ mầm non và tiểu học…
Sáng lập ra app Umbalena, chị Lê Thị Cẩm Trinh mong muốn góp phần nâng cao văn hóa đọc cho trẻ nhỏ
Thiết kế app đọc sách vì con trẻ
Tôi tình cờ gặp chị Trinh vào một ngày cuối tuần, trong không gian yên tĩnh của quán cà phê, chị chăm chú cùng con đọc từng cuốn sách có chủ đề Tết trên iPad. Thi thoảng, hai mẹ con lại phá lên cười giòn tan khi đoán đúng nội dung một chủ đề nào đó. Tôi bắt chuyện với chị Trinh giữa khoảng nghỉ giải lao của hai mẹ con. Chị Trinh nói: “Đây là app khơi dậy sự ham đọc của trẻ – cũng là startup khởi nghiệp đầu tiên của tôi ở tuổi… 30. Nói thành công thì quá sớm nhưng bước đầu đã tháo gỡ được trăn trở tìm một phương pháp nào đó giúp trẻ tiếp cận với sách, với văn hóa đọc ngay cả khi ba mẹ không có thời gian dành cho con”.
Chị Trinh cho biết chị tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, từng trải qua nhiều vị trí công việc ở các công ty chuyên về công nghệ. Khi có con nhỏ, mỗi tối chị thường đọc sách, kể chuyện cổ tích qua sách cho con nghe. Rồi chị thấy con cũng mê xem các video dạy học tiếng Anh trên YouTube. Đó là điều tốt nhưng việc quản lý trẻ cần sâu sát vì trên mạng có quá nhiều video chứa nội dung độc hại, trong khi đó ứng dụng đọc sách tiếng Việt cho trẻ chưa có, vì vậy chị Trinh nảy ra ý tưởng xây dựng app đọc sách. “Tôi vốn rất mê đọc sách và luôn muốn con mình cũng mê đọc sách để trau dồi kỹ năng, tích lũy vốn sống nên khi bắt tay khởi nghiệp từ app Umbalena, tôi lấy đó làm động lực”, chị Trinh cho biết.
Nhận được cái gật đầu ủng hộ từ chồng, chị Trinh dừng các công việc đang làm, đầu quân về công ty của chồng để tập trung hoàn thiện ý tưởng cho dự án Umbalena. Chị bảo, động lực đã có nhưng khi bắt tay xây dựng app không phải là chuyện đơn giản. Thành thạo lĩnh vực công nghệ nhưng chị Trinh cũng phải lên kế hoạch tuyển thêm thành viên để thành lập nhóm. “Ngay từ đầu, tôi đã tính toán thiết kế giao diện làm sao để app bắt mắt, thu hút được người đọc mà cụ thể là phụ huynh và trẻ nhỏ. Phần khó nhất là chọn lọc nội dung để đưa vào. Hiện sách trên thị trường thì nhiều nhưng không vì thế mà đưa vào ồ ạt, cần phải đọc và chọn lựa những nội dung bổ ích, thiết thực nhất phù hợp với độ tuổi để mang lại hiệu quả cao”, chị Trinh chia sẻ. Với ý nghĩ đó, chị Trinh đã liên kết với nhiều chuyên gia giáo dục, ngôn ngữ, tìm đến các đơn vị sáng tác truyện ký kết phối hợp để nâng cao chất lượng. Điểm ưu việt của app là nội dung truyện được bố trí theo chủ đề, có kèm ứng dụng đọc dành cho trẻ chưa biết chữ, đồng thời phụ huynh có thể quản lý việc đọc của con mình cũng như xem lại lịch sử con đã đọc sách.
App Umbalena được tích hợp một cách khoa học và phong phú nội dung cho trẻ lựa chọn
Chị Trinh cho biết nhóm làm việc rất thận trọng, tỉ mẩn, thật chậm để hoàn thiện app. Sau khi xây dựng được nội dung tương đối ổn định thì việc kế tiếp cũng khá khó khăn là tiếp cận thị hiếu của phụ huynh để thay đổi phương thức đọc sách cho trẻ. Việc này tưởng dễ mà khó, vì vốn dĩ sách giấy ở một góc độ nào đó vẫn chiếm ưu thế trong quan niệm tiếp cận văn hóa đọc chính thống. “May mắn là các phụ huynh trẻ tiếp cận app rất nhanh và chính họ trở thành nhân tố lan tỏa, giới thiệu đến bạn bè, người thân. Nhờ đó số lượng tiếp cận tăng cao mỗi ngày và nhóm nhận lại được nhiều sự chia sẻ, đồng tình ủng hộ”, chị Trinh cho biết.
Giúp trẻ ở nước ngoài tiếp cận văn hóa cội nguồn
Sau 3 năm, app Umbalena được xây dựng cơ bản hoàn chỉnh dành cho lứa tuổi mầm non, tiểu học với khoảng 1.000 đầu sách tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài lượng sách cần trả phí khi đọc thì có khoảng 60 đầu sách miễn phí để phụ huynh và trẻ trải nghiệm. Theo chị Trinh, để tiếp cận, người đọc chỉ cần tải app hoặc vào đường dẫn umbalena.vn là có thể lựa chọn sách theo chủ đề thông qua các hình vẽ và đọc được các cuốn sách theo ý thích. Không đơn thuần là một ứng dụng chứa đựng kho nội dung sách trực tuyến mà còn là một kho tri thức lớn bao gồm đầy đủ các nội dung từ truyện cổ tích, văn học, bảo vệ môi trường đến kiến thức học tập hữu ích đối với trẻ, góp phần giải bài toán nâng cao văn hóa đọc.
Với những tính năng tích cực, app Umbalena xuất sắc đạt giải Tiên phong tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Trước đó, dự án đã giành giải nhất hội thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” năm 2020 do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Đà Nẵng tổ chức. |
Ra mắt đầu năm 2020, đến nay app Umbalena đã có hơn 60 ngàn lượt tải, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dùng. Đặc biệt, trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát, học sinh không thể đến trường thì nhiều phụ huynh đã lựa chọn app cho con tiếp cận trong kỳ nghỉ kéo dài. Cũng theo chị Trinh, có khoảng 10 trường mầm non đã xin phép đưa ứng dụng vào câu lạc bộ ngoại khóa đọc sách cho trẻ ở trường. Không chỉ lan tỏa ứng dụng trong nước để giúp trẻ tiếp cận với sách, nâng cao văn hóa đọc mà nhiều phụ huynh ở nước ngoài cũng đã tiếp cận và có phản hồi tích cực với app. Chị Trinh chia sẻ: “Nhiều lúc nửa đêm, tôi nhận được tin nhắn Messenger hay Zalo từ các phụ huynh xa lạ ở Úc hoặc Mỹ nói về tiện ích của app đối với việc giúp họ dạy tiếng Việt cũng như đọc sách tiếng Việt để hiểu hơn về văn hóa cội nguồn, nhất là truyện cổ tích cho con em họ. Tôi rất vui và thấy việc làm của mình mang lại hiệu quả”.
Nói về dự định sắp tới, chị Trinh cho biết app tiếp tục tích lũy các đầu sách theo từng chủ để để làm phong phú thêm nội dung cũng như sẽ phát triển rộng hơn nữa ra thị trường nước ngoài, giúp các bậc phụ huynh người Việt dễ dàng hơn trong việc dạy con em học tiếng Việt. Xây dựng app Umbalena thành một hệ sinh thái, nơi các nhà sản xuất sách dành cho thiếu nhi Việt Nam gặp nhau, làm giàu kho đọc và cùng phát triển văn hóa đọc cho trẻ. Đặc biệt, hiện chị Trinh đang tiến hành các bước để phối hợp đưa dự án đọc đến với Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được đọc nhiều sách cũng như giúp tiếp cận thiết bị điện tử an toàn và hiệu quả.
Bài, ảnh: Hàn Giang
Bình luận (0)