Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Khởi nghiệp trên Internet

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mới nhập học, Thế Dũng, sinh viên đại học Ngoại thương Hà Nội, đã muốn tự kiếm tiền để bắt đầu tự lập. Cậu nhận thấy cách tốn ít thời gian mà vẫn đảm bảo giờ học trên lớp nhất chính là mạng Internet.

Học hỏi từ ông anh họ, một nhà đầu tư cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hà Nội, Dũng cũng gom được 4 triệu đồng từ chú heo đất để bắt đầu "sự nghiệp" đầu tư. Cậu mở tài khoản trực tuyến và dùng các hình thức đặt lệnh mua – bán, thanh toán, chuyển tiền đều qua Internet nên không mất công ra sàn mà vẫn tranh thủ học bài được.

Với chiếc máy tính nối mạng và đồng vốn khiêm tốn, sinh viên vẫn có thể rèn luyện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán giỏi trong tương lai – Ảnh: Phan Anh

"Lãi từ việc này chưa lớn, nhất là bắt đầu từ khoản tiền khiêm tốn của mình, nhưng việc đầu tư đó giúp mình học hỏi được rất nhiều, từ việc phân tích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đến nắm bắt tâm lý của các nhà đầu tư khác", Dũng tâm sự. "Trải qua cảm giác hồi hộp theo dõi sự lên xuống của cổ phiếu, tôi thấy mình dần dần trở nên mạnh dạn hơn. Đó là chưa kể các cơ hội gia nhập nhóm bạn trẻ đầu tư cổ phiếu trên mạng và ngoài đời để mở mang kiến thức".

Ông Vũ Anh Tuấn, trưởng phòng phát triển thị trường của chodientu, cho hay trong 300.000 thành viên của chợ, có tới 20% là đối tượng sinh viên. Mặt hàng kinh doanh của sinh viên khá đa dạng, từ đồ tự chế đến hàng điện tử cao cấp, như máy ảnh, máy tính.

"Đây là bước khởi đầu rất tốt cho sinh viên, có những trường hợp khi ra trường đã mở được cửa hàng riêng, bên cạnh shop online", ông Tuấn nói.
Internet mở ra hàng ngàn cơ hội kiếm tiền part-time cho những người ít vốn như sinh viên. Hiện các diễn đàn, website mua bán rao vặt như rongbay, muare, vatgia… thu hút một lượng lớn sinh viên làm thêm. Ưu điểm của các trang web này là cho người dùng đăng tin miễn phí, kèm ảnh minh họa và có thể chỉnh sửa, quản lý tin đăng một cách dễ dàng.

Minh Trung, mới tốt nghiệp đại học Công nghiệp, vẫn bồi hồi nhớ lại vụ "làm ăn" đầu tiên khi còn ngồi ghế nhà trường. Lúc đó, một người bạn có bộ máy tính cũ nát muốn "tống" đi, anh đã xin về để sửa chữa. Sau hai ngày hì hục chỉnh sửa, thêm thắt linh kiện, anh đã làm cỗ máy trở lại ngon lành, liền rao trên mạng và bán được 700.000 đồng.

"Những người không biết và ngại sửa chắc chắn bán cho đồng nát với giá 20.000 – 30.000 đồng, nhưng đôi khi chỉ do trục trặc rất nhỏ", Trung cho hay. Sau nhiều lần như thế, giờ đây Trung đã trở thành thợ sửa chữa máy tính rất cừ và có công việc ổn định ở thủ đô.

Đặng Thế Tú, sinh viên năm thứ 3 đại học Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội, thì tìm đến trang chodientu.vn để mở cửa hàng bán SIM, card điện thoại. Sau gần một năm, Tú quyết định mở rộng mặt hàng như thiết bị máy tính, mạng… "Trước kia tôi thường phải xin trợ cấp từ gia đình nhưng khi mở shop online này thì không phải xin thêm nữa, mà còn có một khoản kha khá để cùng bạn bè đi dã ngoại", Tú bày tỏ. Cậu tiết lộ còn sở hữu một số SIM "độc" có giá cả chục triệu đồng.

Một cách kiếm tiền hấp dẫn và "nhàn" nữa là đặt banner quảng cáo. Chủ nhân các website có thể liên kết với hệ thống quảng cáo trực tuyến adnet.vn để đăng ký đặt banner quảng cáo từ doanh nghiệp. Việc của họ là thu hút người tới xem và số tiền kiếm được từ doanh nghiệp tùy thuộc lượng truy cập vào trang.

Trần Phương Dung, sinh viên năm thứ 3 khoa Thương mại điện tử của đại học Thương mại Hà Nội, sau khi xây dựng diễn đàn diendantmdt.com đã đặt quảng cáo theo hình thức này và mỗi tháng thu về khoảng 500.000 – 1.000.000 đồng.

Với chiếc máy tính nối mạng, những bạn trẻ như Phương Dung (đại học Thương mại Hà Nội) có thể kiếm tiền và học tập hiệu quả – Ảnh: Phan Anh

"Khi lập trang web, mình đã vận dụng các kiến thức đã học về thương mại điện tử vào thực tế, đó là cách xây dựng cộng đồng ảo và marketing trực tuyến", Dung bày tỏ. "Mình phải luôn nghĩ cách tăng lượng truy cập bằng việc hỗ trợ kịp thời những khó khăn của thành viên và nâng cấp website, làm diễn đàn thêm hấp dẫn".

Cũng nhờ việc đặt quảng cáo, chủ nhân nhiều website khác như nhacvn.net (Hoàng Anh Vũ, sinh viên đại học Kiến trúc), sharingvn.net (Nguyễn Việt Anh, học sinh cấp 3 trường Trần Hưng Đạo), teen9x.vn (Ngô Gia Khánh, sinh viên học viên RMIT)… đạt doanh thu không kém, lên tới 2-3 triệu đồng/tháng, thậm chí một số trang có chủ đề mang tính giải trí đạt 3-3,5 triệu đồng/tháng.

PHAN ANH (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)