Chị Lê Thị Quý Nhân (bìa phải) hướng dẫn các học viên làm hoa voan |
Bằng đôi tay khéo léo, khiếu thẩm mỹ tinh tế, chị đã biến những miếng vải voan thành hoa mai, hoa lan, hoa cúc… có mặt khắp trong và ngoài nước
Ngày 20-11 vừa qua, chị bạn tôi là giáo viên một trường THPT tại quận 1- TPHCM được tặng rất nhiều hoa. Trong đó, chị thích nhất là một bông hoa cài áo hình chú ong nâu xinh xắn, dễ thương. Tình cờ, tôi biết được người tạo ra bông hoa cài áo ấy là chị Lê Thị Quý Nhân, thợ uốn tóc ở đường Đề Thám, quận 1. Bằng đôi tay khéo léo, khiếu thẩm mỹ tinh tế, chị đã biến những miếng vải voan thành hoa mai, hoa lan, hoa cúc…
Một sự tình cờ
Năm 2003, em gái chị Nhân, chị Lê Thị Thanh Sang, du lịch sang Thái Lan. Trong bao nhiêu thứ sản vật ở đất Thái thì cành hoa lan bằng voan làm chị Sang mê mẩn. Thích quá, chị mua một ít phụ liệu về nhà làm thử. Không ngờ, những chậu hoa làm ra được hàng xóm trầm trồ khen ngợi, hỏi mua hết. Thấy vậy, hai chị em bàn bạc và quyết định “phiêu lưu” một chuyến. Vay 10 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, chị Nhân sang Thái mua nguyên phụ liệu làm hoa như chỉ, vải, kẽm… mang về.
Để có nhiều mẫu mã phong phú, chị Nhân tìm xem nhiều tạp chí, catalogue về hoa kiểng. Chị kể: “Có lần, một đơn vị đặt làm hoa phượng, tôi phải đi tìm hái một nhánh phượng thật về nhà quan sát, nghiền ngẫm thật kỹ rồi mới làm”. Thấy nghề hay, lại có hướng phát triển, cả nhà cùng làm. Người khéo tay thì làm cánh, ghép hoa; người không khéo thì bẻ kẽm, làm gốc cây… Nghề này tuy dễ nhưng cũng khó, cánh hoa phải thẳng, đều mới đẹp. Tuy có cùng một mẫu nhưng chậu hoa đẹp hay không là ở người lên gốc. Người có óc thẩm mỹ sẽ tạo ra chậu hoa thanh thoát, hài hòa. Ngược lại, sẽ làm chậu hoa bị đơ, nhìn không tự nhiên. Từ một vài mẫu hoa ban đầu, nay cơ sở của chị có hơn 100 mẫu các loại cùng các mẫu hoa cài áo, cài tóc…
Đào, mai khoe sắc ở trời Tây
Tôi đến nhà đúng vào lúc chị dạy cho các học viên làm hoa mai. Bàn tay chị thoăn thoắt, nhẹ nhàng đưa từng mảnh vải voan bé tí vào vòng kẽm làm cánh hoa. Rồi nhiều cánh hoa nho nhỏ như thế, thêm chút nhụy vàng, nhụy xanh thành một bông hoa vàng ươm, rực rỡ. “Làm hoa một màu thì đơn giản; khó nhất là hoa có cánh màu lam, người thợ phải biết canh thật kỹ chỗ đậm, chỗ nhạt. Làm hoa voan đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chú mới tạo ra những bông hoa đẹp, có hồn như hoa thật”- chị nói.
Từ việc làm hoa bán cho hàng xóm, hoa voan của chị còn được đưa vào các cửa hàng, siêu thị. Các tiệm hoa ở miền Tây, miền Trung cũng đến lấy hàng. Có lần, người thân ở nước ngoài về chơi, đem một chậu mai qua bên ấy. Không ngờ bà con thích quá, gọi về đặt hàng. Ngày Tết, có một chậu mai, chậu đào đặt trong nhà cho đỡ nhớ quê. Rồi một khách hàng người Nhật gọi đến đặt hàng 30.000 bông hoa các loại. Họ cho cả chuyên gia sang kiểm tra, lấy hàng. Từ ấy, để mở rộng thị trường, em gái chị còn đưa sản phẩm quảng bá trên mạng. Nay hoa voan của chị Nhân đã khoe sắc ở Mỹ, Đức, Thụy Điển…
Chỉ vào cành đào với những cánh hoa đỏ thắm, tươi nguyên cùng những nụ be bé, xinh xinh, chị cho biết: “Mẫu này rất được ưa thích trên thị trường. Sắp Tết nên có rất nhiều đơn đặt hàng, nhiều nhất là đào, mai, sung…”.
Chia sẻ cùng người nghèo
Thấy hoa của chị làm đẹp, bán chạy, rất nhiều chị em ở địa phương đến xin học nghề. Không giấu giếm, chị chỉ dẫn rất tận tình. Nhiều người học xong còn được chị giao hàng về nhà làm. Không những thế, rất nhiều chị em từ Đồng Nai, Cần Thơ, Trà Vinh… nghe tiếng cũng tìm đến học. Từ một vài người thợ ban đầu, nay cơ sở của chị Nhân có gần 80 lao động làm việc với thu nhập từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng. Chị cũng đã đào tạo nghề cho hơn 200 người từ khắp mọi miền đất nước.
Chị Nguyễn Thị Thu Mai, nhà ở đường Lưu Văn Lang, quận 1, đến học nghề tại cơ sở chị gần một tháng nay. Tuy mới học nhưng chị Mai đã làm và bán được hơn 10 sản phẩm. Chị tâm sự: “Trước đây, tôi rửa chén ở quán ăn, lương thấp mà không có thời gian chăm lo cho con. Tình cờ tôi biết được cơ sở chị Nhân nên đăng ký học. Không ngờ, càng làm, tôi càng thấy thích. Hằng ngày, nhìn những chậu hoa chính tay mình làm ra, tôi rất vui”. Cơ sở của chị Nhân còn dạy nghề miễn phí cho chị em ở địa phương hoặc chị em do các đoàn thể giới thiệu. Nhiều chị nay đã có thể ra làm riêng, nhận học viên. Chị Nhân cười mãn nguyện: “Đó cũng là niềm vui cho người làm ra những bông hoa đẹp như chúng tôi”.
Chị Nhân tâm sự: “Ngày xưa mình cũng nghèo khó, nhờ may mắn mà có được nghề thì chia sẻ với những người có hoàn cảnh như mình trước đây. Nghề này có cái hay là người già, trẻ con cũng có thể làm được. Các chị có thể làm ở nhà, vừa làm vừa trông con, nấu cơm hay tranh thủ làm thêm vào thời gian rảnh rỗi”. |
Bình luận (0)