Năm 2020, TP.Cần Thơ có 19 sản phẩm được xếp hạng OCOP – Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm – gồm 5 sản phẩm 4 sao và 14 sản phẩm 3 sao. Trong số những sản phẩm đạt 4 sao, có tranh gạo của Khưu Tấn Bửu…
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, trao chứng nhận cho sản phẩm OCOP đạt 4 sao của Khưu Tấn Bửu (bìa trái)
Khưu Tấn Bửu bắt đầu làm tranh gạo từ năm 2016, khi còn là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Sản phẩm được nhiều giải thưởng trong các hội thi khởi nghiệp của thành phố và khu vực. Tranh gạo của Tấn Bửu mang dấu ấn rất riêng. Chẳng hạn, những dạng tranh gạo trên thị trường chỉ có màu nâu và trắng là chủ đạo thì sản phẩm của Tấn Bửu đa dạng về màu sắc với 120 màu, trong đó có 12 màu chính, còn gạo rang thì cho ra 32 cấp độ màu. Nguyên liệu cho sản phẩm là gạo Hương lài. Trên các bức tranh, những hạt gạo được giữ nguyên hạt, xếp ngay ngắn theo những khối màu. “Em cố gắng giữ nguyên hạt gạo để thổi hồn lên bức tranh. Muốn vậy phải tính toán, sắp xếp thật kỹ từng hạt gạo để các khối màu không thừa, không thiếu, hạn chế đến mức thấp nhất phải bẻ đôi hạt gạo. Có người khuyên nên dùng công nghệ để sản phẩm hoàn thành nhanh hơn, nhưng như vậy hạt gạo sẽ không còn sức sống”, doanh nhân 27 tuổi chia sẻ.
Khưu Tấn Bửu và sinh viên Thạch Kim Ngân thực hiện sản phẩm
Để có nhiều màu sắc, Tấn Bửu nghiên cứu các tài liệu, sau đó thử nghiệm trên các loại rau, củ, quả để tìm ra “công thức”, chẳng hạn: màu đỏ thì dùng củ dền, màu vàng nhờ đến nghệ; hoa đậu biếc cho màu xanh nước biển, lá dứa cho màu xanh lá cây… Để hạt gạo giữ màu vĩnh viễn phải rang gạo để khử độ ẩm trong gạo, rồi mới nhuộm màu. Tranh của Tấn Bửu rất bền vì nền tranh làm bằng mica chống thấm nước. Sau khi ghép tranh xong phải xử lý qua 4 bước để chống mối mọt, làm hạt gạo cứng, bám chặt vào nền, rồi phủ thêm lớp keo để tôn lên các đường nét.
Khưu Tấn Bửu và các bạn trang trí chuẩn bị cho một đám cưới
Tranh của Tấn Bửu hoàn toàn làm bằng thủ công, rất đa dạng để phù hợp nhu cầu của khách hàng. Ngoài tranh phong cảnh quê hương, tranh phong thủy, anh còn làm tranh theo đặt hàng của khách hàng để mừng tân gia, sinh nhật. Doanh nhân trẻ cho biết: “Làm tranh phong cảnh khó nhất vì phải phối độ xa, gần, sử dụng nhiều màu sắc. Đối với tranh thủy mặc, muốn bức tranh có hồn, người làm phải có kỹ năng tay nghề cao để tạo ra nét mờ, ảo, và kỹ thuật xử lý keo tạo độ bóng cho các nét họa”.
Với những đặc điểm trên, tranh gạo của Tấn Bửu được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra anh còn đính gạo lên túi xách, với độ bền rất cao, không bị bong tróc khi gặp nước, để khách du lịch có thể dễ dàng mang theo bên mình những sản phẩm nhỏ, gọn, mang đậm hình ảnh nông sản đặc trưng đồng bằng cũng như đất nước Việt Nam.
Các sản phẩm túi xách đính gạo
Mô hình khởi nghiệp của Tấn Bửu được Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ (Thành đoàn Cần Thơ), đánh giá cao và hỗ trợ nhiều mặt, từ giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến hỗ trợ quảng bá sản phẩm qua triển lãm, hội thảo, hội chợ ở trong và ngoài thành phố, tạo mặt bằng trưng bày và bán sản phẩm, nơi làm việc, tất cả đều miễn phí…
Trước thềm xuân Tân Sửu, Tấn Bửu trải lòng: “Em mong được truyền nghề cho các bạn trẻ, nhất là học sinh trung học phổ thông để góp phần giúp các em rèn sự khéo léo, tính nhẫn nại, biết giá trị của đồng tiền có được từ lao động… Em sẽ kết nối để tiêu thụ sản phẩm, giúp các em có thêm thu nhập. Ngoài ra em ao ước hình thành một làng nghề, trong đó có các sản phẩm bằng gạo, do thế hệ chúng em gầy dựng, để khách du lịch đến xem, và có thể trải nghiệm một công đoạn nào đó, góp phần tạo việc làm cho người lao động và phát triển du lịch của thành phố…”.
Đan Phượng
Bình luận (0)